Hiệu trưởng có bằng cử nhân Tâm lý giáo dục phải xuống hạng III

24/11/2021 06:37
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, những hiệu trưởng cấp tiểu học đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục mà Bộ vẫn chưa công nhận quy đổi thì bằng cử nhân Tâm lý giáo dục càng khó khăn hơn.

Bạn đọc Ng. V. E., hiện là hiệu trưởng một trường Tiểu học ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã gửi thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ tư vấn về văn bằng và chuyển hạng, xếp lương mới, thư có nội dung như sau:

Kính gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tôi tên: Ng. V. E., đang là hiệu trưởng một trường Tiểu học ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Tôi giảng dạy từ năm 1987, với hơn 34 năm công tác trong ngành giáo dục.

Hiện nay, tôi đã có bằng cao đẳng sư phạm Ngữ văn, có bằng đại học sư phạm chuyên ngành Tâm lý giáo dục do trường Đại học sư phạm Hà Nội cấp. Đồng thời, cũng đã có Chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý trường Tiểu học, có Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học hạng II.

Với nhiều thành tích đạt được như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; Chiến sĩ thi đua tỉnh... trong quá trình công tác tại trường Tiểu học.

Tuy nhiên để xếp lương theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT tiêu chuẩn bổ nhiệm xếp lương giáo viên tiểu học (ý kiến trả lời của Sở Giáo dục thì bằng đại học Tâm lý giáo dục của tôi không được chuyển xếp lương từ hạng II cũ sang hạng II mới mà phải chuyển xuống hạng III- điều này có đúng không?

Trong khi tôi có thâm niên công tác trong khối tiểu học.

Theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT có quy định: "Miễn áp dụng đối với giáo viên đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên”.

Hiện nay chuẩn trình độ của giáo viên phổ thông được áp dụng theo điểm b, khoản 1, Điều 72 luật Giáo dục năm 2019: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Tòa soạn, tôi xin chân thành cảm ơn!

Nhiều thầy cô giáo cấp Tiểu học không có văn bằng phù hợp theo Luật Giáo dục 2019 (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều thầy cô giáo cấp Tiểu học không có văn bằng phù hợp theo Luật Giáo dục 2019

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Vấn đề thầy hỏi, người viết xin cung cấp một số thông tin, quy định liên quan như sau:

Thứ nhất: Trước khi cung cấp một số thông tin đến câu hỏi mà thầy gửi về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi rất chia sẻ với thầy về chuyện văn bằng, chứng chỉ mà thầy đã có.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do vấn đề lịch sử để lại nên nhiều thầy cô giáo ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự giống như thầy. Có những thầy cô đang dạy cấp Trung học cơ sở được điều xuống cấp Tiểu học giảng dạy hoặc làm công tác quản lý nhà trường.

Có những thầy cô tốt nghiệp các chuyên ngành sư phạm như Văn, Sử, Địa.. để dạy cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nhưng khi ra trường thì những môn này thừa giáo viên.

Vì thế, một số địa phương lúc ấy đã chủ trương tuyển dụng đội ngũ giáo viên dư thừa này để bồi dưỡng, đào tạo và được cấp chứng chỉ để giảng dạy các môn chuyên ở tiểu học như Âm nhạc, Mĩ thuật hoặc làm Tổng phụ trách Đội.

Trước khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì những thầy cô đã có bằng đại học được tuyển dụng, điều động vào giảng dạy, quản lý ở cấp Tiểu học đều được xếp là Giáo viên tiểu học hạng II. Thậm chí, có thời điểm còn được gọi là giáo viên tiểu học cao cấp (vì chuẩn trình độ giáo viên tiểu học trước đây chỉ là trung cấp sư phạm).

Dù giảng dạy một môn không phải là chuyên ngành chính mà mình đã được đào tạo nhưng rất nhiều thầy cô đã cố gắng, tự học hỏi để nâng cao chuyên môn và đạt nhiều thành tích, danh hiệu thi đua qua từng năm công tác.

Thế nhưng, khi áp dụng Luật Giáo dục năm 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT thì những thầy cô này đứng trước một hoàn cảnh rất trớ trêu.

Vì thế, những thầy cô này không chỉ phải xuống hạng III mà có một số địa phương đã “định hướng” cho giáo viên đi học văn bằng 2 bằng kinh phí tự túc vì họ không thuộc diện “nâng chuẩn” trình độ theo hướng dẫn của Nghị định 71/2020/ NĐ-CP.

Đây cũng là một sự thiệt thòi rất lớn cho nhiều thầy cô giáo không chỉ ở Hậu Giang như thầy mà còn có rất nhiều trường hợp khác ở các tỉnh ở Tây Nam Bộ, cũng như nhiều nơi khác. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những bất cập trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên giữa các thời kỳ với nhau.

Thứ hai: theo thông tin mà thầy gửi về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đối chiếu với quy định tại Điều 72, Luật Giáo dục 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT mà Bộ đã ban hành vào tháng 02/2021 vừa qua, rõ ràng những văn bằng mà thầy đang có thì thấy chưa đảm bảo cho tiêu chí "có bằng cử nhân chuyên môn phù hợp".

Vì thầy có 2 văn bằng chuyên môn, đó là bằng cao đẳng sư phạm Ngữ văn và bằng đại học sư phạm Tâm lý giáo dục.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời thầy bằng cử nhân Tâm lý giáo dục “không được chuyển xếp lương từ hạng II cũ sang hạng II mới mà phải chuyển xuống hạng III” thực tế họ cũng chỉ làm theo quy định từ Luật Giáo dục 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT mà thôi.

Sở Giáo dục cũng không thể làm trái với hướng dẫn từ các văn bản hiện hành.

Bởi, Điều 72 luật Giáo dục 2019 hướng dẫn trình độ giáo viên Tiểu học như sau: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Hiện nay, những thầy cô đang là hiệu trưởng cấp tiểu học đã có bằng cử nhân Quản lý giáo dục mà Bộ vẫn chưa công nhận quy đổi sang chuẩn trình độ thì bằng cử nhân Tâm lý giáo dục càng khó khăn hơn.

Thứ ba: thầy cho rằng Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT có quy định: “Miễn áp dụng đối với giáo viên đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên” nhưng theo chúng tôi đó là miễn Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm chứ không phải là bằng đại học sư phạm hay bằng cử nhân phù hợp.

Tuy nhiên, vừa qua thì Bộ Nội vụ cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi khẩn trương chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT và có lưu ý đến vấn đề lịch sử để lại để tránh thiệt thòi cho giáo viên khi chuyển hạng, xếp lương.

Vì thế, thầy cũng như một số thầy cô khác đang trong hoàn cảnh tương tự chờ đợi việc sửa đổi tới đây của Bộ xem việc quy đổi văn bằng có khác với hiện nay hay không.

Những tư vấn của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo. Cảm ơn thầy đã gửi thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

LÊ MINH