Nếu biết lắng nghe ý kiến nhà giáo, Bộ sẽ tránh được nhiều thị phi, phiền toái

15/11/2021 06:14
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi lần văn bản được đăng lên rồi bị phản ứng hay phải sửa đổi lại không chỉ tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức mà còn ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo Bộ.

Hàng năm, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành chính thức hoặc lấy ý kiến dư luận thì có rất nhiều. Có điều, một số văn bản đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều ngay sau khi Bộ ban hành, thậm chí có văn bản bị phản đối mạnh mẽ từ khi mới bắt đầu lấy ý kiến dự thảo.

Những văn bản gây ra những tranh luận thường là do nó ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên hoặc có những câu từ chưa chuẩn mực hoặc nội dung không phù hợp. Trong đó, có những văn bản gây ra nhiều sóng gió như chùm Thông tư 01, 02 03, 04/2021/TT-BGDĐT được ban hành ngày 02/2/2021 đã trở thành tâm điểm trong suốt nhiều tháng qua.

Chính vì thế, ngày 11/11/2021, khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội thì Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã lên tiếng đề nghị Bộ Giáo dục rà soát và sửa đổi chùm Thông tư này. Ngoài ra, có cả dự thảo văn bản mà Bộ phải gỡ xuống tức thì ngay sau khi công bố trên website để lấy ý kiến của công luận.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa chùm Thông tư 01, 02,03, 04 (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo

sửa chùm Thông tư 01, 02,03, 04 (Ảnh: quochoi.vn)

Quy định về quy trình soạn thảo, xây dựng văn bản khá chặt chẽ

Theo cơ cấu tổ chức bộ máy được thể hiện trên website của Bộ Giáo dục- Đào tạo thì hiện nay Bộ có rất nhiều các cơ quan tham mưu, đó là các Vụ, Cục, Văn phòng…

Tuy nhiên, dù nhiều cơ quan tham mưu như vậy nhưng những năm qua có những văn bản vừa ban hành xong thì đã để lại những thị phi cho dư luận. Trong khi, quy trình để ban hành một văn bản mới phải qua rất nhiều bước.

Bởi, muốn ban hành một văn bản quy phạm pháp luật giáo dục thì thường được giao cho một cơ quan cấp Vụ, Cục… xây dựng dự thảo, sau đó thực hiện qua từng bước nghiệm thu cấp cơ sở. Khi hoàn chỉnh dự thảo mới đăng lên trang website của Bộ Giáo dục.

Điều đặc biệt nữa là Bộ có Quyết định số 3024/QĐ-BGDĐT để hướng dẫn việc xây dựng, ban hành các văn bản của ngành.

Theo Quyết định số 3024/QĐ-BGDĐT về quy định soạn thảo, ban hành văn bản pháp quy pháp luật của Bộ giáo dục ngày 25/7/2011 do Thứ trưởng Trần Quang Qúy ký thay Bộ trưởng đã hướng dẫn khá cụ thể.

Tại Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện như sau:

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật...

Nguyên tắc xây dựng đã được quy định rõ như vậy và quyết định cũng đã thể hiện rõ được trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục, trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, trách nhiệm của Chánh Văn phòng ở các điều 11, 12, 13 của Quyết định này.

Đồng thời, để xây dựng và ban hành một Thông tư của Bộ thì Quyết định số 3024/QĐ-BGDĐT được thể hiện rất rõ ở điều 16 về “Trình tự soạn thảo thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [1]

Quy định là vậy, nhưng tại sao một số văn bản pháp quy của ngành giáo dục lại thường bị dư luận không đồng tình mà đôi lúc còn tạo nên luồng ý kiến phản đối gay gắt từ dư luận đến như vậy?

Những hạt sạn trong văn bản quy phạm pháp luật của Bộ ảnh hưởng đến rất nhiều người

Cuối năm 2018, dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy vừa được công bố trên website của Bộ xong phải tức thì gỡ xuống.

Ngay khi dự thảo Thông tư này công bố thì hàng loạt bài viết phản biện đã được đăng tải, thậm chí nó còn làm nóng cả nghị trường với rất nhiều câu hỏi chất vấn trách nhiệm Bộ trưởng lúc đó là thầy Phùng Xuân Nhạ.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 31/10/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên có từ năm 2007, sau đó đầu năm 2016 lại có thông tư tiếp tục quy định. Như vậy thực tế thì quy định này đã có”.

Thôi thì cứ cho rằng quy định này đã có từ năm 2007 nhưng trách nhiệm của lãnh đạo Bộ đương nhiệm khi ký vào dự thảo Thông tư cũng phải xem xét, rà soát thấu đáo xem nó có còn phù hợp hay không chứ đâu thể thấy không phù hợp mà vẫn ký và lấy ý kiến để đến khi dư luận phản đối rồi…gỡ xuống.

Mặc dù người đặt bút ký vào dự thảo Thông tư lúc đó là Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhưng đây là “ký thay” có nghĩa là người thừa lệnh Bộ trưởng thì lẽ nào Bộ trưởng không có trách nhiệm? Cho dù Thông tư này là mới dự thảo nhưng dự thảo này cũng đã trải qua nhiều bước trước khi công bố lên website của Bộ.

Nếu liệt kê lại, chúng ta thấy rất nhiều văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận xã hội và Bộ phải gỡ khỏi website hoặc phải đính chính, giải thích…

Ngày 11/11 vừa qua, trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đề xuất:

Tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau. [2]

Trước khi phát biểu, đề xuất về việc này, có lẽ Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã đắn đo, cân nhắc rất kỹ thì bà mới nói trước nghị trường Quốc hội. Bởi vì sự việc này có liên quan mật thiết đến ngành Nội vụ khi xếp hạng, xếp lương cho nhà giáo ở các địa phương.

Giờ đây, nếu không sửa đổi thì giáo viên bức xúc và tình trạng này sẽ còn dai dẳng mãi chưa biết bao giờ chấm dứt…

Là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong ngành, chúng tôi chỉ mong muốn trước khi Bộ ban hành một văn bản nào đó thì phải thận trọng, thảo luận kĩ lưỡng, chính xác, khoa học…và lắng nghe ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu tác động bởi văn bản này, đặc biệt là cả triệu nhà giáo. Bởi vì, mỗi văn bản của Bộ thường có tác động đến rất nhiều người.

Mỗi lần văn bản của Bộ vừa ban hành đã vấp phải phản ứng, phải sửa đổi lại không chỉ tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức của nhiều người mà điều quan trọng hơn nữa đó chính là uy tín của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước xã hội cũng bị thách thức!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-3024-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-63391-d1.html

[2] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH