Nhiều chuyên gia nhận định, chương trình phổ thông hiện hành nói chung, lớp 11 và 12 nói riêng bị đánh giá "nặng tính hàn lâm, xa rời thực tế” và cải cách giáo dục đang tập trung "đổi mới căn bản" chương trình hiện hành.
Chia sẻ với phóng viên, một số hiệu trưởng trung học phổ thông cho hay, nhiều năm nay sở dĩ thầy dạy, trò học theo kiểu "nhồi nhét kiến thức" một phần cũng tại chương trình "nặng tính hàn lâm, xa rời thực tế" nói trên.
Tuy nhiên, cải cách giáo dục chưa tới thì “lộ trình thi trung học phổ thông quốc gia” đã bắt đầu thêm chương trình lớp 11 vào kỳ thi quốc gia năm 2018 và dự kiến năm 2019 sẽ có thêm cả chương trình lớp 10.
Trước đó, theo như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 sẽ có 5 bài thi.
Bao gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Đặc biệt, nếu như năm 2017, kiến thức trong đề thi chỉ tập trong trong lớp 12; thì năm 2018, kiến thức trong đề thi sẽ bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12. Dự kiến tỉ lệ là 30% kiến thức lớp 11 và 70% kiến thức lớp 12.
"Kiến thức thi quốc gia có kiến thức lớp 11 không phải bây giờ các em mới biết”, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh. (Ảnh: Thùy Linh) |
Một Hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại Hà Nội chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chính việc tăng thêm kiến thức lớp 11 vào đề thi quốc gia năm 2018 đã và đang khiến hàng nghìn giáo viên, hàng vạn học sinh lao đao, khốn khổ.
Vị Hiệu trưởng này băn khoăn: “Các nhà giáo dục luôn kêu gọi "lấy học sinh làm trung tâm", "thay việc truyền thụ kiến thức một chiều bằng việc phát huy phẩm chất và năng lực học sinh"...
Tinh thần đó, quyết tâm đó sao không thể hiện ngay trong việc đổi mới thi cử?”.
“Liệu ai đó có thấu hiểu nỗi lo, sự vất vả ngày đêm hàng tháng trời của hàng vạn con người?
Công sức này nếu thật sự làm thay đổi chất lượng giáo dục phổ thông thì cũng cam lòng. Ai có thể dám chắc điều đó?”, Hiệu trưởng này đặt câu hỏi.
Nhận được phản ánh này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi với Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phó giáo sư Trần Văn Nghĩa cho hay:
“Việc công bố nội dung đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có cả chương trình lớp 11 và lớp 12 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ năm 2016.
Điều này có nghĩa là, học trò năm nay thi trung học phổ thông quốc gia đã được chuẩn bị tinh thần đề thi có cả kiến thức lớp 11 từ khi các em còn là học sinh lớp 11”.
“Như vậy, kiến thức thi quốc gia có kiến thức lớp 11 không phải bây giờ các em mới biết”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tiết lộ thêm, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay:
Cấu trúc đề thi năm nay vẫn giống như năm 2017 tức là có khoảng 50-60% là kiến thức cơ bản, với số lượng câu hỏi này các em hoàn toàn đỗ tốt nghiệp và đủ điều kiện đỗ vào phần lớn các ngành của nhiều trường đại học.
Còn phần kiến thức nâng cao chủ yếu dùng để xét tuyển vào các trường tốp trên.