Hoan nghênh Bộ Giáo dục đã tiếp thu, kịp thời thay đổi thi quốc gia

29/04/2020 06:39
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 với những thay đổi đáng kể đã thu hút sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Theo đó, điểm khác biệt đáng kể của kỳ thi năm nay là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề thi sẽ được điều chỉnh, không đánh đố để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước; thời gian thi rút ngắn.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Đỗ Thơm
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Đỗ Thơm

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi tổ chức tại địa phương mình.

Trong chia sẻ với báo chí ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: “Mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy”.

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, những thay đổi trên của kỳ thi tốt nghiệp năm nay đã được ông và nhiều chuyên gia giáo dục góp ý, phân tích. Nó dựa trên nguyên tắc về khoa học quản lý.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trì tổ chức kỳ thi, giao cho các địa phương không có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo rũ trách nhiệm đi. Nếu hiểu thế là sai.

Tôi cho rằng với thay đổi này, Bộ thậm chí còn có trách nhiệm nặng nề hơn trong vị trí và vai trò của mình. Vị trí là người kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi cử của các địa phương”, Tiến sĩ Chức đánh giá.

Ở góc độ khoa học quản lý, Tiến sĩ Chức cho rằng, việc tách vai của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều chuyên gia ý kiến từ lâu.

Nguyên tắc là việc dạy và học là của cơ sở giáo dục. Quản lý Nhà nước việc dạy và học, trong đó có việc thi là của Sở Giáo dục và Đào tạo; Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đi làm thay như các năm trước mãi được.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ giám sát để thi tốt nghiệp khách quan, tin cậy
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ giám sát để thi tốt nghiệp khách quan, tin cậy

Bộ về đúng vai thì mới đủ thời gian, điều kiện, sức lực để làm việc quản lý Nhà nước về thi cử, dạy học.

Đặc biệt là nó đảm bảo tính khách quan trong giám sát việc tổ chức thi.

Tránh như trước kia là Bộ tổ chức thi, Bộ cũng giám sát, kiểm tra. Đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Tiến sĩ Chức nói.

Theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên tắc, cách thức trên không chỉ đúng với ngành giáo dục mà các ngành khác cũng cần phải như vậy.

Phải phát huy năng lực quản lý Nhà nước chứ không phải được giao quản lý thì lại đi tổ chức.

Rõ được vai thì Bộ có thể kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ chứ không phải là người làm. Như vậy, việc kiểm tra cũng khách quan, Bộ làm trọng tài chứ không “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Còn về tuyển sinh Đại học, Tiến sĩ Chức khẳng định, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã trao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học. Họ có quyền tự chủ trong tuyển sinh.

“Các cơ sở giáo dục đại học có ý thức về thương hiệu, họ phải chủ động có cách thức tuyển sinh phù hợp để xây dựng thương hiệu. Các trường phải chịu trách nhiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh của các trường có an toàn, minh bạch, tuyển đầu vào có đảm bảo chất lượng.

Nếu việc tuyển sinh vi phạm thì Bộ có quyền không công nhận kết quả đó”, Tiến sĩ Chức khẳng định.

Đỗ Thơm