Sự việc đau lòng xảy ra của Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) trong kỳ đi trải nghiệm ở Đà Lạt khiến một học sinh lớp 12 tử nạn vừa qua như giọt nước tràn ly phần nào nói lên tình trạng hoạt động trải nghiệm đang bị biến tướng của các trường học hiện nay.
Hoạt động trải nghiệm theo ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của nó là giúp cho học sinh trải qua thực tế để có thêm nhiều kỹ năng sống thực tế.
Từ đó, nó góp phần giúp học sinh được nhiều kỹ năng như cách sống, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, bồi đắp niềm tin vào cuộc sống, yêu thích thiên nhiên, biết lắng nghe và chia sẻ…
Hoạt động trải nghiệm cho học sinh (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Để có một chuyến trải nghiệm thực tế, phải có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo từ trước. Nhà trường phải có kế hoạch, thông qua ban giám hiệu, hội đồng và có sự phân công giáo viên hướng dẫn, coi sóc học sinh cụ thể. Phải có sự tham gia ý kiến của các bậc phụ huynh vì con em mình tham gia.
Bên cạnh đó, phải nêu rõ mục đích, thời gian, địa điểm, thời gian đi và về, nội quy chuyến trải nghiệm. Đây là chuyến đi “vừa chơi vừa học” nên phải yêu cầu học sinh, nhóm học sinh phải có bài thu hoạch sau chuyến đi…
Nếu thực hiện đúng quy trình, quy định thì hoạt động trải nghiệm rất bổ ích về nhiều mặt. Học sinh sẽ nhận thức được nhiều vấn đề qua chuyến trải nghiệm.
Giáo viên cũng nắm được tình hình học sinh của lớp mình và qua đó, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau sẽ được nâng cao…
Nhưng, một số hoạt động trải nghiệm ngày nay đang dần dần biến tướng, trở thành một hoạt động… du lịch là chính.
Có bài viết cũng đã nói lên thực trạng này vì chuyện hợp đồng với các công ty du lịch của hiệu trưởng. Như chuyến trải nghiệm của Trường chuyên Minh Khai (Sóc Trăng) vừa qua thì có hàng trăm em tham gia, mỗi em đóng hai triệu đồng thì tính ra cả một con số lớn và tất nhiên, “hoa hồng” cũng khá cho hiệu trưởng.
Kết quả hoạt động trải nghiệm được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh |
Vừa được đi du lịch miễn phí, vừa có tiền đút túi, ai mà không ham mà không thích tổ chức “trải nghiệm” càng nhiều càng tốt.
Thầy có đi cùng, mặc dù được phân công, nhưng cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, với học sinh vùng đồng bằng không có đường dốc như ở Đà Lạt. Lẽ ra phải hướng dẫn học sinh tìm những trò chơi an toàn thì lại để các em “tự bơi”. Học sinh đã mượn xe đạp và chạy xe, đổ dốc và té ngã, đập đầu vào đá và bất tỉnh…
Hoặc những kỹ năng tối thiểu như khi mượn xe đạp, cần phải kiểm tra thắng (phanh), kiểm tra ốc vít vặn chặt chưa, các phụ tùng đi kèm còn chắc, còn an toàn không thì mới nhận và chạy…
Hoạt động trải nghiệm cũng là dịp thầy trò gần nhau, cùng tâm sự, trò chuyện để hiểu nhau hơn. Có những điều trong khuôn viên nhà trường, các em không dám nói nhưng trong những chuyến đi, các em mới mạnh dạn bộc bạch …
Nhưng ở đây, thầy thì tụm năm tụm ba ngồi nhậu, các cô thì đi mua sắm, quên mất nhiệm vụ chính của mình.
Do đó, cần chấn chỉnh lại hoạt động trải nghiệm, đưa hoạt động này về đúng với chức năng của nó…