LTS: Việc học sinh học trước gần tháng trước khi chính thức khai giảng đã trở nên phổ biến trong mấy năm gần đây.
Cô giáo Nam Phương chia sẻ bài viết chỉ rõ nguyên nhân của thực tế này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dăm năm trở lại đây, chuyện học sinh đến trường học vài ba tuần rồi mới khai giảng đã trở thành chuyện bình thường trong ngành giáo dục.
Khá nhiều người bức xúc vì cho rằng, ngành giáo dục làm như thế, ngày khai giảng thật sự chẳng còn ý nghĩa gì.
Cảm giác háo hức, hồ hởi, chờ mong của học sinh sau những tháng ngày xa cách trường lớp đã không còn nữa.
Tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã từng ví von khá hài hước:
“Tình trạng học sinh tựu trường một ngày và khai giảng một ngày được ví như ngồi vào mâm cơm, các em ăn mấy món rồi mới mời người lớn”.
Tại sao bây giờ các nhà trường thường cho học sinh học trước rồi mới tổ chức khai giảng. Ảnh minh hoa: Laodongthudo.vn |
Dư luận ca thán, bất bình để phản ứng chuyện ngược đời này, báo chí, truyền thông cũng liên tục lên tiếng.
Thế nhưng, ai nói cứ nói, chuyện ngược đời như thế vẫn cứ xảy ra hàng năm.
Không ít người tò mò, thắc mắc “Dù học trước cả tháng, mươi ngày hay chỉ một tuần thì kết thúc năm học (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) chậm nhất cũng cuối tháng 5. Vậy cớ gì cứ phải học rồi mới khai giảng?”
Người am hiểu về chương trình và thời lượng cũng đặt câu hỏi nghi vấn “Học trước đương nhiên kết thúc chương trình trước. Thời gian dôi dư thầy trò sẽ làm gì?”
Bộ trao quyền linh động cho các địa phương
Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ ban hành kế hoạch khung chương trình chung trong toàn quốc như ngày khai giảng, thời gian thực học, thời gian kết thúc chương trình… còn tựu trường ngày nào là tùy từng địa phương (sở giáo dục) quyết định.
Việc Bộ Giáo dục cho phép các địa phương quyết định thời gian tựu trường, thời gian học chính thức chính là tạo sự linh động cho từng vùng miền sắp xếp sao cho phù hợp với đặc điểm thời tiết riêng biệt của từng vùng miền ấy.
Ví như miền mưa to, lũ lớn, bão gió hay giá rét… từng địa phương sẽ có cách điều tiết cho học sinh học và nghỉ sao cho hợp lý nhưng vẫn đảm bảo được thời gian hoàn thành chương trình vào (31/5).
Thế nhưng nhiều địa phương lại vận dụng sự linh hoạt trong khung chương trình ấy để thực hiện mục đích “sực mùi kinh tế”.
Chúng tôi làm cuộc trao đổi với một số bạn đồng nghiệp nhiều nơi để lý giải nguyên nhân vì sao nhiều tỉnh thành cứ thích học trước rồi mới khai giảng mặc dù những địa phương ấy khí hậu, thời tiết khá ôn hòa.
Kết thúc chương trình sớm dành thời gian phụ đạo thu tiền
Theo kế hoạch năm học 2018 – 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ tổ chức tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8 và lễ khai giảng sẽ diễn ra vào ngày 5/9. Kết thúc năm học chậm nhất là 31/5.
Do nhiều trường trước đó học sớm (có trường học đầu tháng 8, trường học nửa tháng 8, trường lại học cách ngày khai giảng một tuần) nên thường kết thúc chương trình khá sớm (trường giữa tháng 4, trường cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5).
Vậy thời gian trò đã học xong chương trình, các trường sẽ làm gì?
Trước đó, một số trường, cho học sinh nghỉ thêm thời gian tết, nghỉ xen kẽ trong những tuần cuối năm hoặc có trường cứ để học sinh “lên trường để chơi” trong thời gian đợi chờ tổng kết.
Nhiều trường khác lại tổ chức ôn tập cho học sinh đại trà đặc biệt là những học sinh cuối cấp (lớp 5, lớp 9 và lớp 12).
Hết ôn kiến thức cơ bản đến ôn kiến thức nâng cao để học sinh thi vào lớp 6, lớp 10, thi tốt nghiệp và thi vào trường chuyên lớp chọn, lớp nâng cao...
Với lý do ôn tập đương nhiên phụ huynh phải đóng tiền.
Nhà trường sẽ phân lịch ôn 3 môn (Toán, Văn, Anh) cho bậc trung học cơ sở và khoảng 6 môn cho học sinh bậc Trung học phổ thông, học sinh tiểu học ôn tất cả các môn.
Kiểu học này chẳng khác gì việc học thêm, dạy thêm. Có khác chăng đây là kiểu dạy thêm hợp pháp.
Nhà trường tổ chức dạy thêm hợp pháp thì cán bộ quản lý các cấp được gì?
Có trường giáo viên hưởng 60%, cán bộ quản lý hưởng 40% (trong đó có cả cấp phòng và cấp sở).
Nơi giáo viên hưởng 70%, 30% còn lại chia cho công tác quản lý và ngoại giao…
Nếu tính ra, nhà trường và các cấp quản lý cũng lợi đôi đường.
Bởi, dù đã dạy hết chương trình nhưng thời gian này vẫn đang thuộc thời gian làm việc quy định chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học mãi rồi mới khai giảng, có phải là việc nhỏ như con kiến? |
Ngoài tiền lương nhận đủ còn được nhận thêm khoản tiền dạy thêm (giáo viên) và khoản tiền hoa hồng (Ban giám hiệu và các cấp quản lý).
Chỉ có học sinh, phụ huynh mới là đối tượng bị thiệt thòi nhất.
Học sinh phải đi học trước khi khai giảng, bắt buộc ngồi học thêm dù có em không muốn.
Còn phụ huynh phải đóng thêm một khoản tiền học thêm bắt buộc.
Trả lại ngày khai trường đúng nghĩa
Kết thúc năm học 31/5, giáo viên nghỉ hè vào tháng 6 và tháng 7. Tháng 8 là thời gian thầy cô giáo phải học chính trị, học chuyên môn, đặc biệt việc thay sách sắp tới.
Chưa nói đến khá nhiều giáo viên đang vướng bận thời gian học các lớp chuẩn hóa nâng cao tay nghề.
Việc nhiều trường học tổ chức tựu trường ngay đầu tháng 8 đã gây khó khăn cho khá nhiều thầy cô chưa kết thúc khóa học.
Bên cạnh đó, việc học trước cả tháng trời mới làm lễ khai giảng là trực tiếp giết chết những cảm xúc hồn nhiên trong trẻo, sự háo hức đợi chờ của các em học sinh.
Người lớn đừng vì những cái lợi cho riêng mình mà bắt trẻ phải gánh chịu những điều các em không muốn.