Học sinh chuyển tổ hợp môn: nhiều vấn đề nảy sinh, trường đợi Bộ hướng dẫn

06/12/2022 07:31
Vũ Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy Nguyễn Văn Hai: Nhà trường sẽ phân công các giáo viên thiếu tiết dạy bổ túc cho học sinh để bù vào số tiết chuẩn mà giáo viên còn thiếu.

Từ năm học 2022- 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.

Với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình. Cụ thể, ngoài các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được học các môn học lựa chọn, các chuyên đề học tập.

Đến nay, tất cả các trường trung học phổ thông trên cả nước đã ổn định về lớp học và tổ hợp môn lựa chọn. Tuy nhiên, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên các trường gặp khó trong việc giải quyết các trường hợp học sinh muốn chuyển môn/chuyển tổ hợp.

Cho học thử một tuần, nếu không hợp có thể chuyển

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Tuyên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Suyền (Phú Yên) cho biết, bài toán chuyển môn/chuyển tổ hợp đã được nhà trường tính đến ngay từ khâu tuyển sinh lớp 10. Chính vì vậy, tuyển sinh xong, Trường Trung học phổ thông Trần Suyền đã ngay lập tức lên kế hoạch các buổi tư vấn về chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ hợp môn lựa chọn để cho học sinh và phụ huynh nắm rõ.

Từ đó, học sinh và phụ huynh có cái nhìn trực quan, cụ thể nhất về những môn học trong tương lai để đưa ra lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực.

Sau công tác tư vấn, bước vào chương trình học, nhà trường cho học sinh học thử một tuần đầu tiên. Sau một tuần, em học sinh nào có nguyện vọng sẽ được chuyển tổ hợp. Vì vậy, từ thời điểm đó đến nay, Trường Trung học phổ thông Trần Suyền không ghi nhận thêm trường hợp học sinh muốn chuyển tổ hợp môn.

“Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về việc học sinh xin thay đổi môn/ tổ hợp môn học lựa chọn nên nhà trường chưa rõ nếu chuyển thì sẽ tiến hành cho học sinh ôn lại kiến thức như thế nào? Trong trường hợp, trường đã tổ chức kỳ thi giữa kỳ hoặc cuối kỳ thì em học sinh đó có được chuyển hệ điểm sang không hay phải thi lại”, thầy Tuyên băn khoăn.

Tương tự Trường Trung học phổ thông Trần Suyền, ngay từ những buổi đầu, Trường Trung học phổ thông Thiên Hộ Dương (Đồng Tháp) đã thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh.

Cô Bùi Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhờ công tác tư vấn đầu năm học, nhà trường chỉ ghi nhận 2 trường hợp đặc biệt có nhu cầu muốn chuyển tổ hợp môn.

Về nguyên tắc, lãnh đạo nhà trường phải cố gắng giải quyết cho học sinh xin chuyển tổ hợp môn vì quyền lợi của các em là trên hết. Chưa kể, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (áp dụng từ từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10) không có điều khoản nào cấm học sinh chuyển tổ hợp môn. Vì vậy, nếu học sinh có nhu cầu chuyển thì nhà trường vẫn sẽ tạo điều kiện cho các em.

Tuy nhiên, về phần kiến thức còn thiếu với môn hay tổ hợp môn mới, bản thân học sinh phải tự cập nhật, giáo viên chỉ hỗ trợ, định hướng. Vì thực tế, các thầy cô rất bận, rất khó để có thể sắp xếp dạy tăng cường cho các em học sinh này. Hơn nữa, nếu tiến hành giảng dạy, những tiết dạy thừa thì kinh phí tính ra sao”?

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Phân công giáo viên thiếu tiết dạy bổ túc cho học sinh

Cùng những trăn trở về việc học sinh có nhu cầu chuyển môn/tổ hợp môn, thầy Nguyễn Văn Hai, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Thị Đam (Đồng Tháp) chia sẻ, năm học 2022-2023, nhà trường có 202 học sinh lớp 10, chia làm 5 lớp (2 lớp định hướng theo các môn khoa học tự nhiên, 3 lớp định hướng theo các môn khoa học xã hội).

Tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã ghi nhận 12 trường hợp muốn chuyển tổ hợp môn. 12 học sinh đó đều muốn chuyển từ tổ hợp môn khoa học tự nhiên sang tổ hợp môn khoa học xã hội.

Lý do là, khi học sinh đăng ký tổ hợp môn học lựa chọn hồi đầu năm chưa hiểu hết chương trình và các môn đăng ký. Sau một khoảng thời gian học, các em không thích học hoặc sức học không theo kịp các bạn trong lớp.

Trước khi quyết định cho học sinh chuyển tổ hợp, giáo viên và ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các em suy nghĩ cho kỹ tránh việc chuyển qua chuyển lại. Sau tư vấn mà các em vẫn kiên định với suy nghĩ của mình thì nhà trường sẽ cho đổi.

“Mới vào năm học nên nhà trường vẫn giải quyết được cho các em. Tuy nhiên, trường hợp đã học hết 1 năm học, trải qua các kỳ thi lớn như giữa kỳ, cuối kỳ thì nhà trường sẽ phải báo cáo và xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo”, thầy Hai cho hay.

Thực tế, việc chuyển tổ hợp môn không dễ, chưa kể sẽ kéo theo rất nhiều những khó khăn, không chỉ cho nhà trường, giáo viên mà còn cho chính bản thân học sinh đó.

Thứ nhất, chương trình học của các em không được liên tục ngay từ đầu. Vì vậy, các em phải dành thời gian để bổ túc thêm, rất áp lực và yêu cầu sự chăm chỉ, quyết tâm hơn những học sinh khác rất nhiều.

Thứ hai, để củng cố kiến thức đã thiếu cho học sinh, nhà trường phải phân công giáo viên dạy phụ đạo thêm, gây khó khăn cho nhà trường trong việc sắp xếp, bố trí.

Để tránh ảnh hưởng đến các buổi học chính khóa, trường sẽ sắp xếp cho học sinh học bổ túc trái buổi. Ví dụ như, học sinh học chính khóa vào buổi sáng thì sẽ phải học bổ túc kiến thức vào buổi chiều. Như vậy, các em mới có thể đảm bảo kiến thức, đáp ứng các kì thi giữa kỳ, cuối kỳ.

Thứ ba, sau khi cho học sinh chuyển tổ hợp thì sĩ số học sinh các lớp sẽ không bằng nhau. Cụ thể, Trường Trung học phổ thông Giồng Thị Đam có lớp 45 học sinh nhưng có lớp chỉ 32, 33 học sinh. Đối với những lớp có ít học sinh sẽ tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc giảng dạy, hỗ trợ từng em. Còn với những lớp đông thì công tác quán xuyến học sinh sẽ khó khăn hơn.

“Không phải giáo viên nào cũng có thể sắp xếp thời gian để dạy bổ túc cho học sinh trái buổi. Chính vì vậy, nhà trường sẽ phân công các giáo viên thiếu tiết phụ trách dạy thêm để bù vào số tiết chuẩn mà giáo viên còn thiếu.

Đặc biệt, công tác tư vấn trước khi quyết định cho học sinh chuyển rất quan trọng, hạn chế tình trạng học sinh đổi tổ hợp môn chỉ vì theo phong trào hay hùa theo bạn bè”, thầy Hai nói.

Vũ Lan