Năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển sinh theo đề án của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức xét tuyển.
Với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước; nhiều trường cũng bổ sung thêm phương thức xét tuyển so với kỳ tuyển sinh trước.
Tuy nhiên việc bổ sung phương thức xét tuyển và thay đổi chỉ tiêu của các phương thức khiến học sinh lớp 12 hoang mang và không biết nên chọn phương thức nào.
Ảnh minh họa: nguồn Thanh Nga. |
Có chứng chỉ IELTS là lợi thế lớn nhưng không kịp học và không đủ điều kiện để thi
Nguyễn Tùng học sinh lớp 12 của một Trường Trung học phổ thông chuyên chia sẻ: “Sau khi xem dự kiến tuyển sinh em khá buồn vì một số trường mà bản thân muốn đặt nguyện vọng yêu cầu 6 kỳ học đều đạt kết quả học sinh giỏi nhưng một kỳ năm lớp 10 không đạt giỏi nên không đủ điều kiện.”
Vốn dự định đặt nguyện vọng 1 vào ngành Marketing của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Tùng cảm thấy lo lắng vì năm nay trường dành khá ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng sau khi cân nhắc, Tùng vẫn chọn phương thức này và phương thức dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù dự định thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tùng vẫn còn băn khoăn vì bài thi bao gồm nhiều môn học: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Từ lớp 10, Tùng dự định theo học khối D01 (Toán, Văn, Anh) và chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) nên nam sinh không dành nhiều thời gian cho các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Quyết định lựa chọn khối D01 từ năm lớp 10, Tùng có một số lợi thế để học IELTS. Tuy nhiên với Tùng thời điểm này để học và thi chứng chỉ này là khá muộn.
Tùng chia sẻ: “Thời điểm em muốn học và thi IELTS, bố chưa hiểu rõ về kỳ thi này nên khuyên em chú trọng ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bởi vì khi đó, các trường vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.”
Cùng chung ý kiến với Tùng, Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 12 của một Trường Trung học Phổ thông ở Nghệ An chia sẻ: “Em không có ý định học IELTS vào thời điểm này mà tập trung ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.”
Mai lí giải việc học chứng chỉ này cần nhiều thời gian và phụ thuộc năng lực của từng người nên nó không hề đơn giản. Không thể học trong một thời gian ngắn mà đạt điểm IELTS cao được.
Nữ sinh kể năm lớp 11 nhận thấy các trường đại học bắt đầu chú trọng việc dành chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ IELTS, Mai đã suy nghĩ đến việc học IELTS. Vốn dự định thi khối D01(Toán, Văn, Anh) từ trước nên Mai có một số lợi thế để học và thi chứng chỉ này. Tuy nhiên sau khi cân nhắc và tham khảo ý kiến từ mọi người, em quyết định không học IELTS mà dành thời gian ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mai cho rằng việc học và thi để có chứng chỉ IELTS là rất tốt đối với mỗi cá nhân. Tuy nhiên đối với những gia đình không dư dả như em thì việc học để thi cần phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều vì chi phí học và thi rất đắt đỏ.
Sau khi tham khảo dự kiến phương án tuyển sinh của các trường, Mai quyết định chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì theo nữ sinh nếu không đỗ những trường như mình mong muốn thì cũng sẽ có cơ hội ở các trường đại học khác.
Mai không chọn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vì vốn dự định xét tuyển khối D01 (Toán, Văn, Anh) nên nữ sinh dành thời gian cho những môn học này nhiều hơn.
Tuy nhiên việc sử dụng phương thức xét tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng khiến Mai khá lo lắng. Vì ở một số trường đại học lớn chỉ tiêu cho phương thức này chiếm tỉ lệ không cao. Đa phần các bạn cùng lớp của Mai đều chọn phương thức này vì vậy tỉ lệ chọi là rất cao.
Chọn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dù biết tỉ lệ chọi sẽ cao
Khác với Tùng và Mai, Nguyễn Ngân, học sinh lớp 12 tại Ninh Bình đã học IELTS từ 2 tháng trước. Ngân chia sẻ: “Em học IELTS để có thêm cơ hội vào các trường đại học lớn. Sau khi tham khảo điểm chuẩn năm ngoái ngoái của các trường đại học, em nhận thấy thí sinh được 30 điểm vẫn có thể trượt đại học nên dù thi tốt nghiệp được điểm cao cũng khó đỗ vào trường top.”
Chia sẻ về những khó khăn khi học IELTS, Ngân cho biết mình gặp khó khăn ở phần Nói và Viết. Vì học ở trường nữ sinh không được trau dồi hai kỹ năng này thường xuyên. Ngân lí giải từ năm lớp 10, nữ sinh ôn luyện các dạng đề theo hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (thi trắc nghiệm) nên phần kỹ năng Nói và kỹ năng Viết của Ngân khá yếu.
Ngân dự định không tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội mà dùng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp sử dụng chứng chỉ IELTS.
Lý giải về quyết định này, Ngân cho biết vốn dự định xét tuyển đại học bằng tổ hợp khối D01 (Toán, Văn, Anh) nên không quá tập trung vào các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Sau khi xem dự kiến tuyển sinh của một số trường đại học Ngân cảm thấy lo lắng, áp lực vì hai lí do chính:
Lý do thứ nhất, các phương thức có sự thay đổi khá lớn về chỉ tiêu khiến Ngân phân vân, chưa xác định rõ mình nên sử dụng các phương thức nào để xét tuyển đại học.
Lý do thứ hai, năm nay phương thức xét tuyển của các trường đại học sự thay đổi khá lớn, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi đánh giá năng, đánh giá tư duy chiếm tỉ lệ khá cao khoảng 60% chỉ tiêu. Trong khi phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn 20-30% nên nếu chọn phương thức này thì tỉ lệ chọi sẽ rất cao và gây áp lực lớn hơn nhiều.
Nhưng muốn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, lượng kiến thức và môn học mà Ngân cần học là khá nhiều. Bởi vì bài thi bao gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Thêm vào đó ở nơi Ngân sinh sống không có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, muốn tham gia kỳ thi này Ngân phải đến các tỉnh khác trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho việc đi lại. Vì vậy, nữ sinh không chọn phương thức này.