Hội đồng trường phổ thông có vai trò rất lớn kết nối nhà trường-địa phương

23/02/2022 06:34
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi chưa có hội đồng trường thì hiệu trưởng là người lên kế hoạch với ban giám hiệu, lúc này tính quyết sách không cao và chưa mang tính toàn diện và đa chiều.

“Theo đánh giá của tôi, từ khi thành lập Hội đồng trường thì hiệu quả hoạt động của nhà trường rõ rệt hơn. Trước đây khi chưa có Hội đồng trường thì Hiệu trưởng là người xây dựng kế hoạch, cũng như quyết một số vấn đề, bàn với ban giám hiệu, hoặc hội đồng giáo dục nhà trường,…lúc này tính quyết sách không cao và chưa mang tính toàn diện. Chưa có góc nhìn đa chiều bên ngoài nhà trường.

Ví dụ: Hiệu trưởng và các thành viên trong nhà trường tự nhận thấy việc A, việc B,…trong năm tới chỉ xây dựng ở mức này thôi, mà chưa có sự tư vấn ở bên ngoài như của chính quyền địa phương, hoặc của phụ huynh học sinh, nhưng bây giờ đã có các thành phần đó nên có cái nhìn toàn diện hơn. Trước đây khi chưa có thành phần của chính quyền địa phương tham gia, nhà trường sẽ phải làm việc độc lập với địa phương mà không phải trong các cuộc họp của Hội đồng trường.

Bây giờ khi có Hội đồng trường, và các thành phần tham gia có đại diện chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh, học sinh trong nhà trường, như vậy có thể nói hội đồng trường mang tính toàn diện hơn. Sự góp mặt của các thành viên bên ngoài giúp nhà trường có góc nhìn đa chiều, thậm chí đại diện địa phương là thành viên Hội đồng trường có vai trò rất lớn trong việc kết nối giữa nhà trường với địa phương”, đó là chia sẻ của nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Có phải hiệu trưởng sẽ quyết hết mọi vấn đề khi chưa có hội đồng trường, theo cô Giang: “Không phải mọi chuyện đều như vậy, nhưng nếu hiệu trưởng là người chuyên quyền, độc đoán sẽ không nghe góp ý của mọi người. Còn hội đồng trường là một tổ chức có quy định thành lập, có từ 9 đến 11 thành viên và đương nhiên trong một cuộc họp thì mọi chuyện sẽ khác hẳn so với việc chỉ có ban giám hiệu, hoặc chỉ một bộ phận lãnh đạo họp bàn với nhau”.

Cùng một nội dung định hướng phát triển các hoạt động giáo dục được đem ra bàn, nhất trí và thông qua tại hội đồng giáo dục nhà trường, và một lần nữa vẫn nội dung này được người hiệu trưởng cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng trường mang ra bàn và thông qua tại cuộc họp của hội đồng trường, như vậy có phải là chồng chéo? Về vấn đề này, cô Giang nêu quan điểm:

“Theo tôi không thể gọi là chồng chéo bởi trách nhiệm của người hiệu trưởng bao giờ cũng là người xây dựng dự thảo, trên cơ sở ý kiến của một số thành viên trong nhà trường, chứ không phải là hội đồng trường.

Nhưng hội đồng trường lại có quyền góp ý, phê duyệt kế hoạch giáo dục ấy. Tất nhiên lãnh đạo nhà trường sẽ có sự bàn bạc trước với nhau để xây dựng kế hoạch nhà trường phát triển thế nào, việc này chỉ gói gọn trong sự hiểu biết của nhà trường, hoặc trong ban giám hiệu, và có thể sẽ không đánh giá được hết vấn đề.

Cũng việc đó, đưa ra hội đồng trường thì các thành viên có quyền tham gia, góp ý, phản biện, phân tích được việc xây dựng kế hoạch này có khả thi hay không. Tất nhiên sẽ có những ý kiến trái chiều,…Nhưng ít nhất 2/3 số thành viên trong hội đồng trường đồng ý thì kế hoạch đó sẽ được thực hiện, và hiệu trưởng sẽ có trách nhiệm thực hiện theo đúng những gì đã được hội đồng thông qua. Như vậy không thể gọi là chồng chéo chức năng”.

Khi phóng viên giả định một quyết định đã được ban giám hiệu nhà trường thông qua, nhưng khi bàn tại hội đồng trường lại không nhận được đa số sự đồng thuận thì cô Giang nêu quan điểm:

“Hội đồng trường có quyền phê duyệt, vậy nên kế hoạch được người hiệu trưởng xây dựng có những nội dung mà chưa được hội đồng trường đồng ý vào thời điểm này, thì hiệu trưởng vẫn có thể trình bày tại những cuộc họp sau, có thể đưa ra những quyết định trong giai đoạn sau phù hợp hơn. Chứ không nhất thiết là việc gì cũng phải thực hiện ngay.

Có thể hiệu trưởng muốn thực hiện việc A, việc B ngay, nhưng có thể giai đoạn 5 năm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như con người, điều kiện kinh tế, điều kiện phát triển của địa phương, nguồn nhân lực,…Hoặc có thể chia nhỏ cho từng giai đoạn. Lúc này hội đồng trường sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và không nhất thiết là phải thực hiện ngay như hiệu trưởng đang đề xuất, thậm chí có thể nghiên cứu thực hiện ở giai đoạn sau. Lúc này đương nhiên hiệu trưởng phải thực hiện theo nghị quyết của hội đồng trường, chứ không phải cứ tự ý làm”.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Các thành viên cũng cần có kế hoạch hoạt động

Hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường, mọi quyết định đã họp bàn và biểu quyết hướng thực hiện. Vậy nếu xảy ra “sai sót” hoặc kết quả không được như mong muốn thì ai sẽ chịu trách nhiệm thì theo quan điểm của cô Giang: “Khi thực hiện kế hoạch, lúc này không phải là chủ tịch hội đồng trường, mà lúc này vai trò là người hiệu trưởng thực hiện, nếu xảy ra sai sót thì chắc chắn hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm”.

Đánh giá vai trò của đại diện chính quyền địa phương khi tham gia hội đồng trường, cô Giang nói: “Tại trường nơi tôi công tác thì đại diện của chính quyền địa phương tham gia Hội đồng trường là Phó chủ tịch phường, nếu tính về phía chính quyền hay Hội đồng trường họ cũng đều có tiếng nói góp ý, như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Kể cả việc triển khai, đôn đốc và khi hiệu trưởng thực hiện nghị quyết có khó khăn gì thì cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ, và mặc dù họ chỉ là thành viên nhưng về phía chính quyền địa phương họ là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Hơn nữa, không chỉ đơn thuần là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mà còn nằm trong Đảng ủy phường, như vậy tôi đánh giá vai trò cao hơn nhiều so với trước đây khi chưa có Hội đồng trường”.

Chưa kể thành viên hội đồng trường còn có đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh tham gia. Theo cô Giang: “Về các thành phần như hiện nay là đạt, nhưng tất nhiên với số lượng khoảng 700 học sinh toàn trường và chỉ chọn 1 em đại diện thì đương nhiên cần phải cân nhắc rất kĩ trước, đặc biệt hiệu trưởng cũng phải cân nhắc kĩ để làm sao em học sinh đó có thể mạnh dạn, có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của học sinh toàn trường, những vấn đề liên quan đến học sinh.

Còn về phía phụ huynh học sinh, đương nhiên cũng phải lựa chọn người nói được, làm được, xây dựng được và cũng có những ý kiến phản ánh đúng đắn để hội đồng trường thực hiện, tuy nhiên trong tất cả các mảng mà hội đồng đưa ra xin ý kiến thì không phải là mảng nào học sinh và phụ huynh cũng có thể đưa ra ý kiến một cách sâu sát nhất, mà chỉ những vấn đề liên quan đến mình thì phụ huynh mới tham gia góp ý, thể hiện tiếng nói.

Tất nhiên cũng có trường hợp một vài trường ở đâu đó họ lựa chọn những thành viên đó tham gia vào hội đồng trường nhưng chưa phát huy được thế mạnh, có thể những thành viên đó không có ý kiến gì, chỉ ngồi cho đủ thành phần và như vậy hoạt động của hội đồng trường sẽ không hiệu quả, không thực chất mà chỉ là hình thức”.

Cô Giang nhấn mạnh: “Để một hội đồng trường hoạt động có hiệu quả, phát huy hết khả năng, nghĩa là vai trò phải ở tất cả các thành viên. Chủ tịch hội đồng trường là người đứng đầu có vai trò định hướng, quyết sách. Nhưng để quyết định được một vấn đề gì đó lại cần 2/3 thành viên biểu quyết đồng ý, đương nhiên khi đã được biểu quyết tán thành thì mỗi thành viên đều phải xây dựng cho mình một kế hoạch hoạt động cùng với kế hoạch chung của hội đồng trường.

Còn nếu chỉ một mình chủ tịch hội đồng trường đứng lên hô hào, và mọi người đã biểu quyết nhưng nếu các thành viên kia mỗi người vẫn làm 1 việc, không liên hệ gì hay hợp tác với nhau, không xây dựng kế hoạch riêng của bản thân,…thì một mình chủ tịch hội đồng trường cũng không thể nào làm được”.

Đại hội liên Đội của các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Đại hội liên Đội của các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Mọi ý kiến của các thành viên hội đồng trường đều vì sự phát triển của giáo dục

Cũng về việc thành lập Hội đồng trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Hiện tôi cũng đang tham gia với vai trò là thành viên hội đồng trường tại một trường trung học phổ thông. Với tư cách là đại diện cấp ủy địa phương tham gia, tôi sẽ phản biện và xem trường đó có định hướng phát triển theo đúng kì vọng của cấp huyện, đúng định hướng giáo dục hay không.

Dù đang giữ chức vụ nào đi nữa, nhưng khi đã là một thành viên trong hội đồng trường, mọi ý kiến đóng góp đều vì sự phát triển của giáo dục, chứ không phải tham gia trong vai Nhà nước để chỉ đạo. Mọi quyết định đều được các thành viên thông qua biểu quyết tán thành, và hội đồng giáo dục nhà trường sẽ là người trực tiếp thực hiện”.

Tùng Dương