Hợp tác trường đại học - doanh nghiệp: Mối quan hệ 3 bên cùng có lợi

11/07/2024 06:42
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường đại học và doanh nghiệp cùng phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội nghiên cứu, thực tập và mở rộng cơ hội việc làm.

Trong xu thế chung của nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế, hình thức hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học đang ngày càng được khuyến khích và đẩy mạnh.

Trong mối quan hệ này, trường đại học giữ vai trò nòng cốt, là trung tâm trong việc điều hành, tổ chức và quản lý các hoạt động đào tạo, kết nối sinh viên với doanh nghiệp.

Còn phía doanh nghiệp có cơ hội chủ động hơn trong việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của mình.

Tham gia vào quá trình đào tạo giúp các doanh nghiệp tiết kiệm

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là một trong sáu trường đại học sư phạm kỹ thuật của cả nước, có chức năng đào tạo kỹ sư công nghệ và giáo viên kỹ thuật. Đồng thời cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trường là đối tác của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, phải nhắc đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam (ABB) với nhiều dự án hợp tác đào tạo và hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

unnamed.png
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên được đánh giá là một trong những trường đại học kỹ thuật đầu ngành tại vùng Đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Ảnh: website trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần An Khang - Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa nhà máy - Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam (ABB) cho biết: Đầu tư cho giáo dục chính là sự đầu tư cần thiết cho tương lai quốc gia. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ sở giáo dục đại học mà còn là là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó bao gồm cả trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Chính vì thế, vừa qua, ABB đã có hành động thực tiễn qua việc tiến hành ký kết hợp tác với nhiều trường đại học top đầu trong nước. Đây là mối quan hệ hợp tác chiến lược mang lại lợi ích to lớn cho cả đôi bên, góp phần vào sự phát triển chung của giáo dục và doanh nghiệp.

“Chúng tôi luôn đánh giá cao việc hợp tác với các trường đại học trong công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhằm hướng đến việc mở rộng cơ hội cho các bên, cùng nhau tạo dựng một môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, hiệu quả cho người học.

Không chỉ vậy, việc được tham gia vào quá trình đào tạo còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực”, ông Trần An Khang chia sẻ.

Về phía cơ sở đào tạo, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng cho rằng, hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học là hoạt động vô cùng cần thiết để mang lại hiệu quả cao trong quá trình đào tạo.

Nhìn chung, hiện nay vẫn còn khoảng cách nhất định giữa kiến thức, kỹ năng được đào tạo tại nhà trường với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Do đó, hợp tác với doanh nghiệp để cùng đào tạo không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành mà còn tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế cũng như phát triển kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau này. Điều đó được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau.

Thứ nhất, doanh nghiệp có khả năng giúp các trường đại học cập nhật thông tin và kiến thức mới nhất từ thực tiễn, qua đó giúp sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với những thử thách và yêu cầu thực tế trong quá trình làm nghề.

Thứ hai là mở ra nhiều cơ hội việc làm và thực tập cho sinh viên thông qua các chương trình hợp tác. Điều này giúp sinh viên áp dụng những kiến thức học được trong thực tế, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian.

Thứ ba, thông qua việc thực tập và quan hệ với các chuyên gia trong ngành, sinh viên có thể xây dựng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp và tăng khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, sự đồng hành và hỗ trợ từ doanh nghiệp cũng đem lại nhiều lợi ích, từ việc cải thiện chất lượng đào tạo, mang đến nhiều cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên đến việc mở rộng các mối quan hệ bên ngoài, thu hút nhiều sự đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, xây dựng giáo trình….

Đồng điệu trong định hướng là yếu tố cốt lõi để hợp tác có hiệu quả

Để quá trình hợp tác mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nhà trường, theo ông Trần An Khang, vấn đề cốt lõi để hai bên ký kết hợp tác thành công chính là sự đồng điệu trong định hướng, lý tưởng và sự phù hợp giữa thế mạnh của doanh nghiệp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Đảm bảo được những yếu tố then chốt này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mối hợp tác đôi bên cùng phát triển.

z5572218439859_95264473d3ea04b3fa4ad9043b0b0df6.jpg
Ông Trần An Khang - Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa nhà máy - Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam (ABB). Ảnh: NVCC

Ông Trần An Khang chia sẻ, ABB có lợi thế về công nghệ tự động hóa bằng robot tiên tiến nhất, do đó, doanh nghiệp sẵn sàng cập nhật xu hướng từ nhu cầu sản xuất thực tiễn để đầu tư nguồn lực đội ngũ kỹ sư để hỗ trợ trong công tác đào tạo và giáo dục tại các trường đại học.

Trên cơ sở đó, mục tiêu của doanh nghiệp và nhà trường là cùng phối hợp và đào tạo nguồn nhân lực tiềm năng, chất lượng cho tương lai, đáp ứng sát với nhu cầu thị trường lao động, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội nghiên cứu, thực tập và mở rộng cơ hội việc làm.

Trong khi đó, từ vị trí trường đại học, việc doanh nghiệp tham gia góp ý, xây dựng và phối hợp đào tạo cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, nhà trường vẫn luôn chủ động và cố gắng tìm tiếng nói chung về chương trình hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp có thể tham gia vào các ban cố vấn của trường hoặc đưa ra các góp ý về chương trình đào tạo, cập nhật xu hướng hành nghề và đưa ra các yêu cầu công việc thực tế. Việc doanh nghiệp cung cấp thông tin và đề xuất các yêu cầu cần thiết cho công việc sẽ giúp nhà trường có thể điều chỉnh hoặc phát triển chương trình đào tạo phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, trường hoan nghênh và hưởng ứng việc doanh nghiệp tổ chức hội thảo, workshop, buổi tư vấn nghề nghiệp để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với sinh viên cũng như tài trợ và cung cấp các cơ hội thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp để có thể áp dụng kiến thức được học và làm quen với môi trường thực tiễn.

Qua đó, xây dựng một nền tảng kiên cố và tạo cơ hội cho các bạn sinh viên có thể tiếp cận sâu hơn, học hỏi nhiều hơn và có kiến thức vững chắc hơn trước khi bước vào thị trường lao động.

“Hàng năm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có rất nhiều sự kiện và dự án nghiên cứu được tổ chức chung với doanh nghiệp. Với các dự án đó, các đơn vị doanh nghiệp có thể hỗ trợ và đồng hành cùng trường trong công tác giảng dạy, thực tập. Qua đó, cùng xây dựng những chương trình đào tạo chuyên gia, sinh viên có cơ hội làm thực tập sinh tại các doanh nghiệp công nghệ cao.

Trong tương lai không xa, nhà trường và doanh nghiệp sẽ triển khai việc đào tạo người học thông qua việc tổ chức các buổi workshop, bài giảng chuyên môn hoặc hỗ trợ tài chính. Điều này giúp doanh nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình và cũng mang lại cơ hội tuyển dụng nhân viên có trình độ chất lượng cao từ nhà trường”, Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ.

Những kết quả đạt được qua các hoạt động hợp tác

Tính đến nay, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã kết nối, hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong suốt thời gian qua, đơn vị cũng có nhiều cơ hội nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại từ doanh nghiệp thông qua các hoạt động trao đổi trang thiết bị hoặc các khóa đào tạo chuyển giao, bồi dưỡng giảng viên và sinh viên của trường.

Về phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam, trường ghi nhận nhiều sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, đặc biệt phải nhắc đến là việc thành lập Trung tâm sáng tạo Robotics ABB, gói tài trợ phần mềm mô phỏng Robot Studio, gói tài trợ 6 cánh tay Robot và các quà tặng về trang thiết bị dạy học cho sinh viên.

z5569608091699_6a39ac9655cf6f677d8ec9ea32efe3e2.jpg
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên ghi nhận nhiều sự hỗ trợ từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam. Ảnh: NTCC

Bên cạnh đó, nhà trường cũng được Công ty FORD Việt Nam trao tặng xe Ford Territory; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cognex Việt Nam tài trợ phòng đào tạo công nghệ Machine Vision Cognex.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã xây dựng được nhiều phòng thí nghiệm hiện đại bao gồm phòng thí nghiệm tự động hóa Mitsubishi Electric và Phòng thí nghiệm tự động hóa Inovance do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mitsubishi Electric Việt Nam; Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ cao HTG và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật điện Hải Dương HDE (thuộc tập đoàn INOVANCE, Trung Quốc) tài trợ.

Ngoài ra là rất nhiều suất học bổng có giá trị cao từ các doanh nghiệp nhằm cổ vũ tinh thần, góp phần giúp cho sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội, hoài bão và khát vọng trong tương lai.

z5568022718852_1806445244ae91f8ace2494c57cfa609.jpg
Phòng đào tạo thực hành ABB Robotics Innovation do Công Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam tài trợ. Ảnh:NTCC

Ông Trần An Khang cũng cho hay, việc đầu tư và phát triển hợp tác được thực hiện vì mục tiêu và lý tưởng chung của đôi bên để có thể gặt hái được những thành quả như kỳ vọng về nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.

Điều này được thể hiện rất rõ qua sự đầu tư về cơ sở vật chất, bên cạnh đó là đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ cơ sở đào tạo trong công tác giảng dạy cũng như xây dựng chương trình đào tạo cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất, bám sát với nhu cầu doanh nghiệp và phù hợp với bối cảnh thực tiễn.

Qua các hoạt động phối hợp đó, sinh viên có thêm nhiều cơ hội thực hành, thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp, được trang bị nhiều kiến thức và chuyên môn cũng như những trải nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Chúng tôi khẳng định việc đầu tư vào giáo dục là sự đầu tư cần có thời gian. Do đó, tinh thần sẵn sàng chia sẻ và đóng góp, đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học chính là những viên gạch đầu tiên để phát triển giáo dục quốc gia, đó là điều mà chúng tôi cảm thấy rất tự hào

Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 30 trường đại học đang sử dụng robot ABB và khoảng 30 phần mềm ABB Robotstudio có thể cài đặt với khoảng 3000 máy tính phục vụ cho công tác đào tạo và giảng dạy.

Hàng năm, chúng tôi tạo cơ hội cho khoảng 2000 - 4000 sinh viên các trường được tham gia đào tạo về robot. Đây không chỉ là cơ hội cho sinh viên mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp nói chung, cho ABB nói riêng được tham gia bồi dưỡng nhân lực quốc gia”, ông Trần An Khang bày tỏ.

Đào Hiền