HS diện hộ nghèo được mượn SGK, liệu có phải các em được cấp ngân sách 2 lần?

14/10/2022 06:49
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chúng ta không nghiên cứu kĩ những vấn đề xoay quanh việc chi 3.500 tỷ đồng mua sách cho học sinh mượn, có thể tiền mất tật mang.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích 3.500 tỷ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, hàng năm bổ sung khoảng 20%.

Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của phụ huynh, học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn xoay quanh việc quản lý sách, lựa chọn sách giáo khoa... để tránh sự lãng phí, tham nhũng, bởi tiền ngân sách chi cho mua sách không hề nhỏ.

Bình luận về vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục) cho hay, nước ta nhận định giáo dục là quốc sách, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

Dựa trên những nguyên lý đó, việc mua sách giáo khoa để cho học sinh mượn là chính sách tốt, tránh tình trạng “quá tải” về kinh tế đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con em đi học.

Đầu tư cho giáo dục không chỉ vấn đề về trường, lớp, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mà sách giáo khoa cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ảnh minh họa: Phạm Linh

Đầu tư cho giáo dục không chỉ vấn đề về trường, lớp, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mà sách giáo khoa cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ảnh minh họa: Phạm Linh

“Đầu tư cho giáo dục không chỉ vấn đề về trường, lớp, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mà sách giáo khoa cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, cụ thể hóa chương trình giáo dục. Bởi vậy, nếu được nhà nước quan tâm đầu tư 70% nhu cầu cho học sinh mượn, tiến tới 100% học sinh được mượn sách sẽ giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, học sinh”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến cũng lưu ý việc quản lý sách là một vấn đề rất quan trọng, bởi sách giáo khoa là tiền của ngân sách, nếu sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, sách bị vẽ bậy, bị rách… thì năm nào cũng dùng tiền nhà nước để bổ sung là điều rất lãng phí.

“Thậm chí cần phải ngăn chặn việc tham nhũng ngân sách để chi cho hoạt động mua sách giáo khoa. Bởi vậy việc tổ chức thực hiện và giám sát, thanh tra phải chặt chẽ, để dòng tiền đi đúng mục đích, đối tượng đem lại hiệu quả cho xã hội. Bên cạnh đó, nội dung sách giáo khoa cũng phải bám sát, phù hợp với chương trình đào tạo”, ông Tiến chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, bản thân ông rất đồng tình ủng hộ việc chi 3.500 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục mà cụ thể là mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường cho học sinh mượn. Đây là chính sách nhân văn để cho các em có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách, thay vì phải mua sách hằng năm.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội nhận thấy còn có nhiều vấn đề cần phải bàn tới xoay quanh việc chi ngân sách để mua sách cho học sinh mượn.

Cụ thể, về vấn đề quản lý sách, Đại biểu Quốc hội băn khoăn trước việc nếu đối tượng được mượn sách trả thiếu sách, vẽ bậy vào sách… thì ai sẽ là người phát hiện và cách xử lý ra sao. Nhà trường có thể sẽ yêu cầu các em viết cam kết không viết, vẽ bậy vào sách giáo khoa, nhưng chế tài xử lý nếu vi phạm cũng vô cùng khó khăn.

"Nếu phạt bồi thường nhưng không thực hiện, gia đình các em trả chậm hoặc không trả do hoàn cảnh khó khăn, vậy nhà trường sẽ xử lý bước tiếp theo ra sao?", Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Chia sẻ tiếp về vấn đề quản lý sách, ông Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn về việc nếu học sinh viết, vẽ bậy vào sách giáo khoa, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của lứa học sinh kế cận. Việc này cũng cần những nhà quản lý nghiên cứu và có giải pháp cụ thể.

Là Đại biểu Quốc hội thường xuyên quan tâm đến các vấn đề của xã hội, ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: Nhà nước đang có chính sách chi 1,35 triệu đồng cho một học sinh diện hộ nghèo, (học sinh hộ cận nghèo được cấp 50% tổng số tiền trên), đồng bào dân tộc thiểu số... để mua sách vở, đồ dùng học tập trong một năm học. (Quy định tại Điều 18 và Điều 20 Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Từ đây, ông Hòa đặt ra câu hỏi: việc chi ngân sách nhằm mua sách sẽ dành cho đối tượng nào ngoài học sinh hộ nghèo, cận nghèo?

"Nếu học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được mượn sách, như vậy có thể Nhà nước sẽ cấp ngân sách hai lần cho những đối tượng trên, điều này rất phi lý", ông Hòa nhấn mạnh.

Phân tích tiếp về vấn đề trên, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, đối tượng được mượn sách là thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, vậy ai hoặc đơn vị nào sẽ xác nhận cho họ điều này. Từ đây, khó có thể tránh được việc bỏ sót đối tượng.

“Đối với hộ khó khăn, cần phải có tiêu chí như nào để tránh việc xác nhận đối tượng không khách quan”, ông Hòa đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, việc chi 3.500 tỷ đồng để mua sách giáo khoa được xem là chính sách tốt nhưng có thể hình thành lợi ích nhóm.

“Không khéo việc mua sách sẽ hình thành lợi ích nhóm, nên cần phải có sự khảo sát trên toàn quốc để biết trường nào cần, đối tượng thực sự cần mượn sách là ai”, ông Hòa băn khoăn.

Hiện nay, Quốc hội chưa có ý kiến về đề xuất trích ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh khó khăn mượn. Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội đánh giá, bản thân ông cảm thấy đề xuất trên còn nhiều khó khăn, vướng mắc nếu tính toán kỹ về quá trình thực hiện, rất khó khả thi ở thời điểm hiện tại.

"Nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ những vấn đề xoay quanh chủ trương trên, có thể tiền mất tật mang”, ông Hòa chia sẻ.

Mạnh Đoàn