LTS: Ban giám hiệu là đội ngũ quản lý trong nhà trường, vì vậy để được các giáo viên tôn trọng và nể phục thì mọi hành động phải xứng đáng để làm gương cho mọi người noi theo.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp Ban giám hiệu vẫn dễ dàng không tuân thủ quy định vậy thì làm sao có thể chỉ đạo được các giáo viên.
Thầy Nhật Duy phản ánh một trường hợp nhỏ nhưng mang tính phổ biến để thấy được thực tế này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khi năm học gần kết thúc, trường chúng tôi đón đoàn thanh tra của Phòng giáo dục về thanh tra chuyên môn.
Trước khi về, Phòng giáo dục điện báo trước một ngày nên Ban giám hiệu thông báo đến toàn trường chuẩn bị mọi hồ sơ sổ sách và đặc biệt lưu ý các giáo viên có tiết ngày hôm đó phải chuẩn bị chu đáo để hạn chế tối đa những sai sót.
Đúng 7h sáng, đoàn thanh tra của Phòng giáo dục về đến trường với gần 20 thành viên, sau khi uống nước, đoàn công bố kế hoạch thanh tra nhà trường.
Các cán bộ Phòng thì thanh tra hồ sơ sổ sách của Ban giám hiệu theo từng mảng chuyên môn; các Tổ trưởng Hội đồng bộ môn thì kiểm tra hồ sơ sổ sách của tổ trưởng chuyên môn; các Tổ phó Hội đồng bộ môn thì tỏa đi dự giờ các lớp.
Nhìn chung, công việc được triển khai một cách khẩn trương, khoa học. Bất ngờ một vị cán bộ Phòng yêu cầu kiểm tra giáo án giảng dạy của Ban giám hiệu nhà trường.
Vị Phó Hiệu trưởng chuyên môn thì giáo án đầy đủ nhưng Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phụ trách ngoài giờ luống cuống bởi lâu nay đâu có tiền lệ kiểm tra giáo án của Ban giám hiệu.
Ban giám hiệu cần gương mẫu để giáo viên nể phục. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Thế là cả hai vị lãnh đạo nhà trường đều cười và nêu lí do giáo án để…ở nhà. Câu trả lời của hai lãnh đạo nhà trường khiến nhiều thành viên của đoàn thanh tra ái ngại nhưng rồi cũng đành phải cười trừ và bỏ qua.
Theo qui định hiện hành thì các thành viên trong Ban giám hiệu đều phải thực hiện các tiết dạy trên lớp theo qui định.
Vì thế, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng nhà trường dạy một số tiết hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp để đúng với hướng dẫn của ngành giáo dục.
Thế nhưng, lâu nay thì các tiết học này thường được Ban giám hiệu xếp thời khóa biểu vào những tiết cuối cùng của ngày thứ 7.
Hôm nào Ban giám hiệu rảnh thì dạy, bận thì cho học sinh nghỉ học mà thực ra “năm thì mười họa” các vị này mới lên lớp lấy lệ.
Giáo án thì có ai dám kiểm tra đâu nên cũng chẳng ai biết các vị này thực hiện như thế nào. Chỉ đến khi đoàn thanh tra về kiểm tra thì mới biết Ban giám hiệu “bỏ quên ở nhà”.
Thực ra, đoàn thanh tra và cả những giáo viên trong trường dự đón đoàn thanh tra hôm ấy ai cũng biết cái lí do “bỏ quên” giáo án của hai vị lãnh đạo nhà trường.
Nhưng, cấp trên thì cũng ngại nói thẳng ra bởi dù sao họ cũng là chỗ thân quen lâu nay.
Những giáo viên trong trường thì cũng biết chỉ để mà biết chứ ai dám lên tiếng. Nhưng, có lẽ trong lòng mỗi thầy cô biết chuyện hôm ấy cũng sẽ có thêm cái nhìn “đầy đủ” hơn về những người lãnh đạo trực tiếp của mình.
Như chúng ta đã biết, những giáo viên lâu năm, giỏi kinh nghiệm thì chuyện lên lớp là chuyện bình thường bởi giáo án mỗi môn học đã được dạy đi dạy lại nhiều lần.
Mỗi năm dạy nhiều lớp, ôn thi nhiều lần nên gần như đã thuộc làu làu giáo án.
Thầy giáo nói nhỏ chuyện Ban giám hiệu đối phó với kiểm định (GDVN) - Để làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhà trường phải lưu trữ hồ sơ trong 5 năm học nhưng thực tế nhiều trường đã thực hiện điều này như thế nào? |
Thế nhưng, khi giáo viên lên lớp vẫn phải mang theo giáo án bên mình bởi đây là những qui định bắt buộc của ngành.
Vì thế, những năm qua ngoài chuyện Ban giám hiệu duyệt giáo án định kì thì mỗi lần dự giờ, thăm lớp nhiều thành viên Ban giám hiệu vẫn có thói quen kiểm tra giáo án của giáo viên đứng lớp.
Những giáo viên thực hiện đầy đủ giáo án thì không nói làm gì, còn thầy cô nào thiếu giáo án, thậm chí trong quyển giáo án chỉ thiếu một vài hoạt động cũng bị Ban giám hiệu nhắc nhở, phê bình.
Nhiều người còn bị phê bình trước Hội đồng sư phạm. Vậy mà khi nói đến giáo án của Ban giám hiệu thì giáo án lại “để quên ở nhà” – một sự tréo ngoe đã và đang tồn tại trọng ngành giáo dục.
Trong mỗi trường học, sự gương mẫu, trung thực phải bắt đầu từ những thầy cô giáo mà đặc biệt phải là sự nêu gương của Ban giám hiệu nhà trường.
Chuyện lên lớp phải có giáo án là chuyện không phải bàn cãi bởi đó là là qui định mang tính pháp qui.
Dù ở vị trí nào thì việc giáo viên chuẩn bị giáo án tốt cũng mang lại hiệu quả cho bài dạy của mình. Nhất là đối với các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường lại càng phải chuẩn bị tốt.
Chỉ khi nào Ban giám hiệu làm được thì mới nói được người khác, còn mình không làm những công việc theo qui định mà cứ phê phán giáo viên thì người ta có thể tuân theo mệnh lệnh nhưng lại coi thường người chỉ đạo.
Chuyện chuẩn bị giáo án mỗi tháng chỉ có vài tiết hướng nghiệp hoặc ngoài giờ lên lớp của Ban giám hiệu không phải là quá nhiều, không thể quá tầm và mất thời gian.
Vì thế, Ban giám hiệu cũng cần phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình mà hoàn thiện công việc theo qui định.