Để tìm hiểu thực trạng khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo tại địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Trần Hiệp – Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Chánh Thanh tra, công tác thanh tra trong ngành giáo dục tại Điện Biên hiện nay đang gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Ông Đoàn Trần Hiệp: Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hệ thống văn bản Luật và các văn bản hướng dẫn được xây dựng bài bản, tương đối đầy đủ, đảm bảo hành lang pháp lý cho công tác này.
Công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên luôn được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra tỉnh quan tâm, tạo điều kiện tổ chức thực hiện; kết quả các cuộc thanh tra đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất trí, dư luận đồng tình, ủng hộ. Vì vậy vai trò, vị thế của cơ quan thanh tra được nâng lên rõ rệt. Đó là những mặt thuận lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác thanh tra trong ngành Giáo dục và Đào tạo tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn từ những điểm chưa cụ thể về hành lang pháp lý, đến những khó khăn trong quá trình công tác, chế độ làm việc.
Cụ thể, tại khoản 3, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã xác định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 bên cạnh quy định về phân công, phối hợp đã bổ sung thêm việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Sự bổ sung này là cần thiết để khắc phục những yếu kém trong kiểm soát quyền lực nhà nước của bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
Tuy nhiên, trong Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra chưa đề cập đến vấn đề này;
Khó khăn tiếp nữa là theo Thông tư 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị tổ chức, tham dự kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông thì những người tham gia thanh tra, kiểm tra không được hưởng chế độ khi thực hiện nhiệm vụ. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc trưng tập, điều động viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi. Nhất là ở tỉnh Điện Biên, nhiều nơi có địa hình miền núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển;
Tiếp nữa, báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra lại là văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước; đội ngũ cộng tác viên ở các đơn vị khác nhau nên việc trao đổi thông tin để xây dựng báo cáo, dự thảo kết luận thanh tra gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Trần Hiệp - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: LC |
Về đội ngũ nhân sự trong biên chế; trình độ nghiệp vụ thanh tra của các cán bộ ở các phòng, ban thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện kế hoạch thanh tra, chất lượng thanh tra thưa ông?
Ông Đoàn Trần Hiệp: Hiện tại, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên có 5 cán bộ làm việc song chưa có cán bộ có chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành tài chính, kế toán; đội ngũ kế toán tại các đơn vị trực thuộc lại đang thiếu, nhiều người phải đảm nhiệm công việc của 2 đơn vị trong cùng địa bàn nên việc trưng tập cộng tác viên thanh tra lĩnh vực tài chính, kế toán tham gia các đoàn thanh tra gặp nhiều khó khăn.
Đội ngũ cộng tác viên thanh tra chủ yếu đang thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chức năng của Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo. Năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, cấp chứng chỉ cho 155 cộng tác viên thanh tra.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tiến hành bồi dưỡng thường xuyên vào dịp hè cho đội ngũ cộng tác viên.
Tiếp đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như lãnh đạo các cơ sở giáo dục luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Thanh tra Sở lựa chọn cán bộ tham gia đoàn thanh tra có đủ năng lực, thế mạnh đáp ứng mục đích, yêu cầu của Đoàn thanh tra. Vì vậy, tỉnh Điện Biên không gặp phải khó khăn này.
Trong ngành giáo dục, khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, đối tượng được thanh tra là chính các thầy cô giáo, đồng nghiệp thì công tác thanh tra có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Đoàn Trần Hiệp: Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”
Theo đó không một chủ thể nào chi phối quá trình thực hiện quyền lực nhà nước mà không phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nói cách khác, Hiến pháp và pháp luật đóng vai trò tối thượng đối với bất kỳ hoạt động nào dù trực tiếp hay gián tiếp thực hiện quyền lực nhà nước.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, các thầy, cô giáo làm việc trong môi trường sư phạm với tinh thần hiểu biết pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, quy định, thượng tôn pháp luật.
Vì vậy, trong nhiều năm qua tại địa phương, trong ngành không xảy ra hiện tượng cán bộ thanh tra hay cán bộ, công chức viên chức giáo dục không chấp hành các nguyên tắc, quy định pháp luật.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên |
Có ý kiến cho rằng, việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra có lúc còn mang tính hình thức, vì Đoàn thanh tra do lãnh đạo cơ quan thanh tra làm Trưởng đoàn, nhưng công chức thanh tra giám sát. Ý kiến của Chánh Thanh tra về vấn đề này như thế nào?
Ông Đoàn Trần Hiệp: Theo quy định của Luật Thanh tra, người ra quyết định thanh tra sẽ trực tiếp giám sát công tác thanh tra của Đoàn thanh tra. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định thanh tra sẽ ra quyết định ủy quyền giám sát công tác thanh tra của Đoàn thanh tra.
Về chủ quan, khi công chức thanh tra được Giám đốc Sở ủy quyền làm nhiệm vụ giám sát, tức là họ được thay mặt Giám đốc Sở để giám sát các hoạt động của Đoàn thanh tra. Như vậy có nghĩa là, người được ủy quyền dù là cấp dưới vẫn có quyền và phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ giám sát Đoàn thanh tra.
Tuy nhiên, khi người giám sát là công chức thanh tra thì việc giám sát Đoàn thanh tra do lãnh đạo cơ quan thanh tra làm Trưởng đoàn sẽ khó tránh được dư luận đặt câu hỏi về về tính khách quan trong công tác giám sát.
Chánh Thanh tra có thể kiến nghị giải pháp để nâng cao chất lượng thanh tra trong ngành giáo dục?
Ông Đoàn Trần Hiệp: Để nâng cao chất lượng thanh tra trong ngành giáo dục, tôi có một số kiến nghị, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh tra, trong đó tập trung vào đến vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013 (Luật Thanh tra đang được dự thảo sửa đổi, đã bổ sung thêm nội dung này trong dự thảo, sẽ ban hành trong thời gian tới).
Thứ hai: Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra cũng như cộng tác viên thanh tra.
Thứ ba: Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, thời gian, các trang thiết bị, văn phòng phẩm, máy ghi âm, ghi hình…phục vụ cho sinh hoạt và làm việc của các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn trực tiếp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vụ việc tại đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung Thông tư 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị tổ chức, tham dự kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông để có mức chi cụ thể cho những người tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi.
Trân trọng cảm ơn Chánh Thanh tra!