Những ngày qua, Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam đã đăng tải một số bài viết của tác giả Nguyễn Nguyên phân tích về thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học nhưng thực tế thì những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và tin học vẫn hiện hữu ở các Thông tư có liên quan đến giáo viên mầm non và phổ thông.
Cụ thể, trong khoản 4 (Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ), Điều 3,4,5 (tương ứng với giáo viên hạng III, II, I), chương II (Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) của 4 Thông tư đều có quy định về trình độ ngoại ngữ và tin học.
Các Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT; Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông thì 2 tiêu chí ngoại ngữ và tin học cũng được hướng dẫn nguồn minh chứng là chứng chỉ.
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu ngoại ngữ, tin học đối với gần như tất cả viên chức khi tuyển dụng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng được quy định rất rõ tại Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tin Bộ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học chưa được cụ thể hóa bằng văn bản (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Giáo viên vẫn phải học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như thường
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021thì trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết đề cập việc Bộ đã chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.
Tất nhiên, trước những thông tin như vậy thì giáo viên rất vui mừng bởi trong cả 4 Thông tư không hề đề cập đến từ “chứng chỉ” ngoại ngữ, tin học.
Tuy nhiên, khi đọc kĩ 4 Thông tư này thì chúng ta thấy dù không cụ thể hóa bằng từ “chứng chỉ” nhưng trong khoản 4 (Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ), Điều 3,4,5 (tương ứng với giáo viên hạng III, II, I), chương II (Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) của 4 Thông tư đều có quy định về trình độ ngoại ngữ và tin học với từng hạng giáo viên.
Điều này cũng đồng nghĩa tất cả giáo viên hạng III, II, I của 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông vẫn được yêu cầu có: “khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”; “khả năng sử dụng ngoại ngữ” và tất nhiên là giáo viên phải học.
Hơn nữa, trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng yêu cầu ngoại ngữ, tin học đối với gần như tất cả viên chức khi tuyển dụng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều đáng lưu ý nhất là trong các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT liên quan đến quyền lợi của giáo viên trong những năm tới đây trong việc xếp hạng, xếp hệ số lương nên giáo viên nếu không học ngoại ngữ và tin học thì cũng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Điều này còn được cụ thể hóa trong Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn chứng chỉ và thi ngoại ngữ, tin học như thế nào?
Trong khoản 4, Điều 12 của các Thông tư 01,02,03/2021/TT-BGDĐT và khoản 4, Điều 11 của Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT đều hướng dẫn là 4 Thông tư này thay thế cho 4 Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/ 9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập.
Điều này cũng đồng nghĩa là Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập vẫn còn nguyên hiệu lực đối với ngành giáo dục.
Một khi mà Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT còn hiệu lực thì khi các địa phương xét (thi) thăng hạng cho giáo viên cũng phải bám sát vào Thông tư này để hướng dẫn và thực hiện.
Trong khi, ở Chương II: Nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT đã hướng dẫn rất cụ thể môn thi và trong đó có môn ngoại ngữ và tin học.
Chẳng hạn, tại khoản 3, khoản 4 của Điều 4 đã hướng dẫn thi ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên hạng II lên hạng I như sau:
Nội dung thi ngoại ngữ: "Kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam…".
Nội dung thi tin học: "Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I".
Tại Điều 7 của Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn những trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ và tin học trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên như sau:
Đối với môn ngoại ngữ:
“Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng IV lên hạng III;
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II;
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 500 điểm, TOEFL CBT 173 điểm, TOEFL iBT 61 điểm, IELTS 5,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên hạng II lên hạng I”.
Ngoài ra còn miễn thi môn ngoại ngữ đối với những giáo viên tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức thi thăng hạng, có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ;
Những giáo viên đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo…
Miễn thi môn tin học “đối với giáo viên dự thi đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên”.
Như vậy, chúng ta thấy rằng một khi 20/2017/TT-BGDĐT đang còn hiệu lực thì việc xét (thi) thăng hạng cho giáo viên mầm non và phổ thông vẫn cần có các chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Vì thế, thông tin Bộ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cũng chỉ trở thành hiện thực khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới sửa đổi hoặc thay thế Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT về các nội dung liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho nhất quán với chùm thông tư mới.
Chưa cần nói đến Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ mà ngay các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu rất cụ thể về ngoại ngữ và tin học.
Cụ thể: Thông tư khi 20/2017/TT-BGDĐT; Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT; Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT…đang yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành ngày 02/2 vừa qua yêu cầu tất cả giáo viên các hạng III, II, I có: “khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”; “khả năng sử dụng ngoại ngữ”…
Vậy, nếu nói là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên có phải là điều quá khiên cưỡng?
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-20-2017-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-116467-d1.html