Theo lãnh đạo một sở Nội vụ thì trong việc tuyển dụng giáo viên thì trước đây, căn cứ vào các thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ để thực hiện. Theo đó, ứng viên phải có đầy đủ các chứng chỉ về tin học và ngoại ngữ.
Bãi bỏ các chứng chỉ về Ngoại ngữ, Tin học giúp giáo viên bớt đi một "gánh nặng". Ảnh: AN |
Tuy nhiên, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bốn Thông tư mới số 01 đến 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông.
Thông tư này được ban hành để thay thế các Thông tư liên tịch trước đây giữa hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.
Trong đó, đã không còn quy định cứng yêu cầu phải có chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ như trước đây, vốn “làm khổ” giáo viên suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, cả bốn Thông tư này đều nói rõ: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ... và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Vậy sau khi Bộ Giáo dục bãi bỏ chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ, thay bằng quy định nêu trên thì việc đánh giá khả năng Tin học và Ngoại ngữ của giáo viên sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, các Thông tư này mới ban hành và chưa có hướng dẫn cụ thể. Trước đó thì Quảng Ngãi đã tuyển dụng giáo viên theo các quy định cũ.
Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, việc tuyển dụng cũng như các yêu cầu về chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường thì cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía Bộ Nội vụ vì đây là cơ quan quyết định việc tuyển dụng.
Do đó, sắp tới nếu tuyển dụng giáo viên thì cũng chưa biết phải giải quyết vấn đề Tin học và Ngoại ngữ làm sao? Bỏ chứng chỉ rồi thì phải thi kiểm tra năng lực hay sao?
Còn việc Bộ mới có quyết định cấp phép cho 16 trường Đại học được quyền cấp chứng chỉ Ngoại ngữ thì để dùng vào việc gì, cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng.
“Theo quan điểm của tôi thì chuẩn đầu ra của các trường sư phạm đều quy định rõ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học đối với sinh viên tốt nghiệp.
Do đó, những giáo viên này khi tham gia giảng dạy đều đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về trình độ tin học, ngoại ngữ ở từng cấp học.
Nếu muốn nâng cao trình độ này cho các giáo viên thì tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin hay ngoại ngữ.
Do đó, đặt ra những quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường là không cần thiết".
Cô giáo Hoàng Thị Kim Loan (giáo viên một trường Trung học cơ sở ở Quảng Nam) chia sẻ: "Lâu nay, quy định về chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ đã khiến nhiều giáo viên bị “hành” đến khổ sở, nhất là với những giáo viên đã lớn tuổi.
Thực tế thì cả Tin học và Ngoại ngữ đều rất cần thiết cho mỗi người trong thời đại này, nhất là với giáo viên. Khi việc giảng dạy trực tuyến càng phát triển thì sẽ có những đòi hỏi nhất định về công nghệ.
Nhưng khi quy định cứng nhắc đòi hỏi về chứng chỉ khiến nhiều giáo viên phải chạy đôn, chạy đáo đi học để thi. Việc này vừa gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và thậm chí còn nảy sinh tiêu cực khi nhiều người đặt vấn đề mua chứng chỉ để hợp thức hóa hồ sơ.
Tôi nghĩ, các Thông tư mới của Bộ Giáo dục bãi bỏ quy định về chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ là điều đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của giáo viên”, cô Loan chia sẻ.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, địa phương này sắp thi tuyển giáo viên trung học phổ thông nên đang họp lại với Sở Nội vụ để ban hành kế hoạch thi tuyển.
Trên cơ sở căn cứ những quy định mới ban hành để tổ chức thi tuyển, còn vướng mắc ở quy định nào (quy định về tin học, ngoại ngữ) thì sẽ có đề xuất điều chỉnh.