Không cộng điểm cho thí sinh đạt điểm cao là vô lí

17/06/2022 08:46
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên được giảm tuyến tính vẫn còn bất cập.

Ngày 6/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Theo đó, khoản 4 Điều 7 Thông tư quy định chính sách ưu tiên trong tuyển sinh có nội dung đáng chú ý như sau:

"Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều này".

Cá nhân tôi cho rằng, quy định thí sinh đạt điểm càng cao thì sẽ càng giảm dần mức điểm ưu tiên, riêng thí sinh đạt 30 điểm sẽ không được cộng điểm ưu tiên sẽ tạo sự bất công trong giáo dục.

Quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Hoài Ân/giaoduc.net.vn)

Quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Hoài Ân/giaoduc.net.vn)

Bất cập về ưu tiên điểm cộng

Có thể nhận thấy, việc cộng điểm ưu tiên theo quy định tuyến tính của Bộ Giáo dục giúp phần nào kiểm soát được những việc gây ồn ào dư luận từ nhiều năm nay như: có những ngành lấy điểm chuẩn vượt quá 30; thí sinh điểm cao nhưng không đỗ; nhóm thí sinh khu vực 3 gặp nhiều bất lợi.

Tuy vậy, đọc kĩ Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, tôi nhận thấy quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0) vẫn cần xem lại.

Có thể diễn giải cách cộng điểm ưu tiên theo tuyến tính được quy định trong Thông tư Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục như sau: thí sinh đạt 22,5 điểm sẽ được cộng 0,75 điểm, tương tự: 23,5 + 0,65; 24,5 + 0,55; 25,5 + 0,45; 26,5 + 0,35; 27,5 + 0,25; 28,5 + 0,15; 29,5 + 0,05; 30 + 0.0.

Như thế, Bộ Giáo dục chỉ ưu tiên cho thí sinh có điểm thi thấp còn thí sinh điểm cao thì sẽ bị mất quyền lợi tùy theo tổng điểm là vô lí.

Vậy nên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, quy định mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất rắc rối và có thể tạo ra sự bất bình trong xã hội.

Ngày 16/6/2022, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nêu quan điểm:

"Việc các thí sinh trong cùng một địa phương, hưởng điều kiện giáo dục như nhau nhưng căn cứ vào mức điểm đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp mà điểm ưu tiên các em nhận được khác nhau. Điều này tạo ra sự bất công bằng, không thuyết phục".

Tôi cho rằng, nếu Bộ Giáo dục ra đề thi có mức độ phân hóa cao thì sẽ không có chuyện thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 vẫn không trúng tuyển đại học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào.

Đặc biệt, 3 ngành của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Học viện Chính trị Công an Nhân dân, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) lấy điểm chuẩn 30 - 30,5. Như vậy nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) mà không cộng điểm ưu tiên thì vẫn trượt đại học.

Ngoài ra, có ngành lấy điểm chuẩn đạt ngưỡng 30 đến 30,5 điểm là do số lượng chỉ tiêu ít quá, trong khi đó số lượng thí sinh đăng kí tuyển sinh lớn - là sự thực khách quan, Bộ Giáo dục cần xem xét thêm.

Quy chế tuyển sinh đại học 2022 có gì đáng chú ý?

Thứ nhất, từ 2023, thí sinh chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong 2 năm: trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và 01 năm kế tiếp.

Cùng với đó, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên được xác định điểm ưu tiên theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên theo đối tượng chính sách.

Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. (Ảnh: Cao Nguyên)Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. (Ảnh: Cao Nguyên)

Thứ hai, thí sinh đã có giấy báo trúng tuyển được bảo lưu kết quả trúng tuyển trong 02 trường hợp:

- Thí sinh đi nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong tập trung ngay trong năm trúng tuyển theo quyết định hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền;

- Bị bệnh nặng hoặc tai nạn nghiêm trọng không thể nhập học đúng hạn, trong đó có hồ sơ y tế và xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Thí sinh thuộc trường hợp được bảo lưu kết quả trúng tuyển đại học phải gửi đơn xin bảo lưu kèm theo giấy tờ minh chứng tới cơ sở đào tạo. Thời gian bảo lưu kết quả tối đa do cơ sở đào tạo quy định, nhưng không ít hơn 03 năm đối với người quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Ngay sau khi đủ điều kiện đi học trở lại, người được bảo lưu kết quả trúng tuyển đại học phải thực hiện các thủ tục nhập học. Đồng thời, phải cung cấp thêm minh chứng đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc đã được điều trị hồi phục.

Đối với trường hợp có thời gian bảo lưu từ 03 năm trở lên, cơ sở đào tạo có thể xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị đại học để ôn tập trước khi vào học chính thức.

Thứ ba, sau mỗi chu kỳ xét tuyển, cơ sở đào tạo tải lên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển.

Hệ thống xử lý nguyện vọng sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách này những nguyện vọng thấp của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trả lại danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển chắc chắn giúp thí sinh biết mình sẽ đỗ vào ngành nào, trường nào. Từ đó không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau hay thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Ở các chu kỳ xét tuyển sau, căn cứ kết quả xử lý nguyện vọng, cơ sở đào tạo lặp lại quy trình xét tuyển, điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định.

Ở chu kỳ cuối, cơ sở đào tạo quyết định điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo và tải lên hệ thống danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển chính thức.

Thứ tư, theo Quy chế tuyển sinh mới, thí sinh sẽ xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo. Đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định:

- Nếu không có lý do chính đáng thì coi như từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận;

- Nếu vì lý do ốm đau, tai nạn và có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc vì lý do thiên tai mà có xác nhận của Ủy ban Nhân dân quận, huyện trở lên thì thí sinh có thể được cơ sở đào tạo xem xét tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để vào học sau.

Thí sinh đã xác nhận nhập học không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Nhìn chung, Quy chế tuyển sinh đại học 2022 vẫn giữ nguyên đối tượng và mức điểm cộng ưu tiên như các năm trước.

Điểm khác lớn nhất là, thí sinh đạt điểm thi từ 22,5 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có mức điểm cộng ưu tiên khu vực thấp hơn so với các thí sinh khác theo nguyên tắc giảm tuyến tính và mức điểm cộng ưu tiên khu vực của thí sinh đạt 30 điểm sẽ là 0 điểm.

Ngày 14/6/2022, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.

Tài liệu tham khảo:

//luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-08-2022-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-222665-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên