Không được học trường gần nhà, phụ huynh 2 tổ dân phố Thị trấn Đạo Đức kiến nghị

13/08/2021 10:24
Thùy Linh - Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay vì đưa con đi học cách 50-100 m thì nay nhiều gia đình của 2 tổ dân phố Trại Dật và Thượng Đức phải đưa con đến trường cách 1,5 km và không tiện đường đi làm

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số phụ huynh về việc thay vì đưa con đi học cách nhà 50-100 m thì nay nhiều gia đình của 2 tổ dân phố Trại Dật và Thượng Đức (thị trấn Đạo Đức, thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) phải đưa con đến trường cách nhà 1,5 km và không thuận đường đi làm.

Chia sẻ với phóng viên, phụ huynh Trần Phương nói: “Trường Tiểu học Đạo Đức A cách nhà khoảng 50 m nhưng giờ bị phân luồng, họ yêu cầu con tôi đến học tại trường tiểu học Đạo Đức B cách nhà khoảng 1,5 km. Tôi rất lo lắng vì đường đến trường thuộc tuyến đường liên xã nên lượng xe cộ đi lại đông, tốc độ và mật độ xe lưu thông lớn nên không yên tâm".

Ngoài ra, theo phản ánh, đường đến trường của con ngược với đường đi làm của nhiều phụ huynh nên bất tiện. “Nếu đưa con đi học từ sớm để đi làm thì trường học chưa mở cổng, con đi lại lang thang ngoài cổng trường nguy hiểm. Trong khi nếu con học ở trường tiểu học Đạo Đức A thì việc đưa đón cũng yên tâm hơn bởi anh trai cháu đang học ở đó, hai anh em cùng về” – anh Trần Phương nói.

Cùng chung quan điểm, phụ huynh Nguyễn Thị Nghĩa (trú tại tổ dân phố Trại Dật) cũng bất an khi con đi học cách nhà 1,5 km. “Theo địa lí, nhà tôi là tổ dân phố Trại Dật, gần với trường học nhất nhưng lại không được theo học thì không hợp lí”.

Chưa kể, nhiều gia đình hai vợ chồng đều là công nhân ở khu công nghiệp, sáng đi sớm, tối về muộn nên việc đưa đón con đi học là do ông bà phụ trách.

Bà Nguyễn Thị Năm 68 tuổi (Tổ dân phố Trại Dật) sụt sùi tâm sự: “Cháu đi học gần hai cây số, sức khỏe tôi thì yếu, xe đạp tôi cũng không biết đi nên gia đình đang không biết làm sao”.

Cũng theo phản ánh của một số phụ huynh thì trên trang tuyển sinh chính thức của Trường Tiểu học Đạo Đức A có nêu rõ “Học sinh có hộ khẩu thường trú tại Tổ dân phố Trại Dật, Tổ dân phố Thượng Đức tuyên truyền vận động tuyển sinh tại trường Tiểu học Đạo Đức B”.

Lý do được đại diện thị trấn đưa ra cho vấn đề tuyển sinh này là Trường tiểu học Đạo Đức A quá tải và cơ sở vật chất xuống nên vận động tuyên truyền học sinh đi học ở trường tiểu học Đạo Đức B. Tuy nhiên lí do này được phụ huynh cho rằng bất hợp lí, không đồng tình.

Phụ huynh cho rằng, năm học 2020-2021, Trường tiểu học Đạo Đức A có 29 lớp. Năm nay có 6 lớp 5 tương ứng với 217 học sinh ra trường, chỉ có 171 học sinh vào học lớp 1 như vậy không thể nói là trường quá tải.

Ngoài ra phụ huynh cũng không đồng ý với việc ban lãnh đạo nói cơ sở vật chất xuống cấp. Bởi lẽ chủ trương tuyển sinh này đã có từ mùa tuyển sinh năm trước nhưng chính quyền không cho tu sửa, xây dựng tại Trường tiểu học Đạo Đức A. Ngược lại, trường tiểu học Đạo Đức B không thông báo quá tải cơ sở vật chất lại đang cho xây dựng sửa chữa rất nhiều hạng mục.

Do có nhiều quan điểm bất đồng, cũng như không có câu trả lời cụ thể cho những thắc mắc trên nên ngày 23/7/2021, Ủy ban thị trấn Đạo Đức đã gửi báo cáo về việc tuyển sinh năm học 2021-2022 lên Ủy ban Nhân dân huyện Bình Xuyên, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Bình Xuyên, đồng thời đề nghị cho phép để học sinh 2 tổ dân phố Trại Dật và Thượng Đức được học gần trường là trường Tiểu học Đạo Đức A.

Văn bản báo cáo của Thị trấn Đạo Đức về vấn đề tuyển sinh năm học 2021-2022 (có kiến nghị cho 2 tổ dân phố học trường gần) - ảnh tư liệu

Văn bản báo cáo của Thị trấn Đạo Đức về vấn đề tuyển sinh năm học 2021-2022 (có kiến nghị cho 2 tổ dân phố học trường gần) - ảnh tư liệu

Tuy nhiên khi chưa nhận được phản hồi thì ngày 2/8/2021, Trường tiểu học Đạo Đức A tuyển sinh nhưng không nhận hồ sơ của học sinh 2 tổ dân phố này.

Văn bản Trường tiểu học Đạo Đức A thông báo tuyển sinh.

Văn bản Trường tiểu học Đạo Đức A thông báo tuyển sinh.

Theo phản ánh, đến nay gần một tháng phụ huynh liên tục phải làm việc với các bên liên quan nhưng không có kết quả chuyển biến bởi họ mong muốn cho con mình được học gần trường, đảm bảo an toàn cho con.

Nhận được thông tin phản ánh này, ngày 10/8, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên thông tin, Trường Tiểu học Đạo Đức B (gọi tắt là trường B - PV) được tách ra từ trường Tiểu học Đạo Đức A (gọi tắt là trường A – PV) để đảm bảo các điều kiện dạy và học do trường A quá tải.

“Trong Đề án tách trường của Ủy ban nhân dân huyện cũng đã nêu rõ từ tổ dân phố nào đến tổ dân phố nào thì học trường A còn lại học trường B nhằm phát triển tương đối đồng đều giữa hai trường trên cùng một địa bàn.

Năm học 2020-2021 vừa rồi, trường A với 29 lớp học dẫn tới tình trạng quá tải, phải dùng phòng học bộ môn để làm phòng học mà vẫn thiếu 6 phòng học, trong khi đó trường B cũng có sơ sở vật chất khang trang với 12 lớp, thừa 2 phòng học và đang được xây dựng tòa nhà với nhiều phòng chức năng”, bà Hường thông tin.

Cũng theo vị Trưởng phòng này, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Sở thì Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường trên cơ sở vật chất, đội ngũ. Trường phải có phòng học, có thiết bị dạy học chứ không thể học sinh đang học 2 buổi/ ngày, giờ vì đông quá thì chuyển xuống còn 1 buổi/ ngày, làm sao đảm bảo chất lượng nhất là khi đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, chủ động phân luồng, phân tuyến để đảm bảo học sinh được đến trường cũng như đảm bảo điều kiện dạy và học của trường chính vì vậy nên mới có chuyện năm 2021 địa phương có đề xuất chuyển bớt chỉ tiêu sang trường B theo đúng Đề án tách trường. Nên sẽ có chuyện một số gia đình đến trường A gần hơn nhưng lại không được học trường đó.

“Tuy nhiên, 2 tổ dân phố Trại Dật và Thượng Đức là hai tổ dân phố gần với trường B nhất so với các tổ dân phố còn lại, đó là lý do địa phương không thể phân bổ tổ dân phố xa hơn để về trường B học, trong khi chất lượng hai trường ngang nhau chứ không phải trường B kém, thậm chí 2 năm gần đây chất lượng trường B còn tốt hơn trường A”, Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên thông tin.

Thùy Linh - Vân Ánh