Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: "Sinh viên ĐH GTVT TPHCM 'than' có IELTS 7.5 vẫn đóng tiền học tiếng Anh ở trường" phản ánh thông tin sinh viên của trường nếu đã có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vẫn không được nhà trường chấp nhận và vẫn phải thi, đóng tiền học tiếng Anh tại trường.
Theo ghi nhận của phóng viên ở các cơ sở giáo dục đại học khác, sau khi tân sinh viên nhập học, hầu hết các trường đại học đều tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhằm đánh giá, phân loại và xếp lớp theo đúng trình độ người học.
Ngoài ra, sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc chứng chỉ tiếng Anh B1- bậc 3/6 (theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) sẽ được miễn thi sát hạch tiếng Anh đầu vào hoặc quy đổi thành điểm tương ứng với học phần tiếng Anh tại trường.
Miễn thi đầu vào hoặc miễn học phần tiếng Anh nếu có chứng chỉ quốc tế hoặc tương đương
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, tại nhà trường, những sinh viên nộp chứng chỉ tiếng Anh B1 (bậc 3/6 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (TOEIC, IELTS, TOEFL…) đầu vào sẽ được quy đổi thành điểm tương ứng với học phần tiếng Anh chính khóa tại trường cũng như miễn kiểm tra thi năng lực đầu vào (Giá trị của các chứng chỉ tính đến thời điểm xét điều kiện miễn kiểm tra không quá 2 năm tính từ ngày cấp).
Học phần tiếng Anh tại trường gồm có học phần B1.1 và B1.2, mỗi học phần gồm 4 tín chỉ trong chương trình học chính khóa tại trường.
Đối với sinh viên tham gia kiểm tra năng lực đầu vào, sau khi sinh viên nhập học, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh đối với các sinh viên đăng ký. Kết quả kiểm tra trình độ tiếng Anh được sử dụng làm căn cứ để trường phân loại, bố trí lớp học và chương trình học ngoại ngữ.
Theo thầy Tùng, việc kiểm tra năng lực đầu vào để nhà trường làm cơ sở sắp xếp lớp tiếng Anh đại cương, nhằm đảm bảo sinh viên được học tiếng Anh phù hợp với năng lực của mình. Có những em năng lực ngoại ngữ chưa tốt thì nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra đó để xếp lớp, giúp các em có kiến thức cơ bản phục vụ cho các môn sau này có sử dụng tiếng Anh chuyên ngành.
Về tiếng Anh đầu ra, nhà trường tổ chức đào tạo tiếng Anh theo trình độ B1 trong chương trình chính khoá. Tuy nhiên, nhà trường vẫn có hướng mở cho các em sinh viên có nguyện vọng học tiếng Anh ngoài trường hoặc tự học sẽ phải làm đơn cam kết và được sự chấp thuận của nhà trường.
Các em sẽ nộp các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận; chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1 (Khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu); chứng chỉ tiếng Anh trình độ 3/6 (theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) của các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ nhiệm tổ chức thi và cấp phát chứng chỉ.
Đồng thời sinh viên cũng phải tuân thủ thời gian nộp chứng chỉ tiếng Anh trước thời điểm xét tốt nghiệp theo quy định để nhà trường tổ chức thẩm định và xét cấp bằng tốt nghiệp.
“Việc cam kết nộp hồ sơ đúng thời gian quy định không chỉ giúp các em sinh viên có thể lên kế hoạch học tập một cách hiệu quả mà còn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình học tập, đồng thời tránh tình trạng chủ quan dẫn đến trễ hạn tốt nghiệp do chưa đạt chuẩn yêu cầu về ngoại ngữ.”, thầy Tùng chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tại nhà trường, học phần tiếng Anh cho sinh viên đại trà gồm có tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2.
Toàn bộ sinh viên hệ đại trà và hệ tăng cường tiếng Anh (trừ sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh) sẽ tham gia kì thi sát hạch tiếng Anh đầu vào. Sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn hiệu lực theo quy định của Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ của trường sẽ được miễn thi.
“Nếu sinh viên có một trong các chứng chỉ B1 (bậc 3/6 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) hoặc TOEIC 4 kỹ năng, IELTS, TOEFL ITP; TOEFL iBT; Cambridege (còn hiệu lực) theo thang điểm quy định tại trường sẽ được miễn thi sát hạch tiếng Anh đầu vào và miễn học tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2.
Trong trường hợp sinh viên chưa có các chứng chỉ như trên, nhà trường sẽ tổ chức thi sát hạch đầu vào và toàn bộ chi phí sinh viên sẽ không phải đóng”, thầy Nhân chia sẻ.
Về các mức điểm để xếp lớp tiếng Anh cho sinh viên đại trà, sinh viên đạt từ 8 - 10 điểm sẽ được miễn học phần tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2; Đạt 6.5 -7.75 điểm, được miễn học phần tiếng Anh 1; Đạt 5.0 – 6.25 điểm, sinh viên sẽ đăng ký học phần tiếng Anh 1 cho đến tiếng Anh 2; Đạt 0 – 4.75 điểm, sinh viên cần tự học bổ sung kiến thức hoặc học tại Trung tâm Ngoại ngữ của trường theo các mức điểm từ 4.0 – 4.75, đăng kí học lớp A 1.2 và 0 – 3.75 điểm, đăng kí học lớp A 1.1.
Theo thầy Nhân, vừa rồi, nhà trường cũng có cơ chế cởi mở và linh hoạt hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên. Cụ thể, đối với những trường hợp sinh viên đầu vào chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc chưa đạt được chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, các em sẽ được phép học tiếng Anh bên ngoài trong hai năm đầu tiên để đạt được trình độ tiếng Anh căn bản.
Điều này không chỉ giúp các em xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản về tiếng Anh mà còn tạo bước đệm vững chắc để các em có thể tự tin tham gia vào các môn học chuyên ngành có sử dụng tiếng Anh trong những năm học sau đó.
Về tiếng Anh chuyên ngành, nhà trường thường bố trí ở năm học thứ 3 khi sinh viên đã có nền tảng ngoại ngữ cơ bản. Do vậy, nhà trường có quy định sinh viên trong 2 năm đầu cần đạt tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2 hoặc trình độ tương đương nhằm đảm bảo sinh viên có đủ năng lực ngôn ngữ để tiếp cận và học tốt các môn tiếng Anh chuyên ngành trong giai đoạn tiếp theo.
Về điều kiện tiếng Anh để sinh viên được xét tốt nghiệp, sinh viên cần có chứng chỉ tiếng Anh cấp độ B1 hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương trở lên (còn hiệu lực).
Còn theo đại diện một trường đại học phía Nam, nhà trường sẽ tổ chức thi sát hạch tiếng Anh đầu vào cho sinh viên để xếp lớp phù hợp. Tuy nhiên, do ở phân khúc trường top dưới nên nhiều năm nay, nhà trường chưa có sinh viên nào nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEIC để xét miễn học phần tiếng Anh.
Nếu có sinh viên có các chứng chỉ này, ban lãnh đạo nhà trường sẽ phối hợp cùng trung tâm ngoại ngữ, hội đồng khoa học của trường để xem xét, quy đổi điểm tương ứng với các học phần tiếng Anh sao cho hợp lý.
Em Vũ Thắng, sinh viên năm nhất, Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) chia sẻ, sinh viên có thể dùng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ IELTS 5.0 hoặc TCF 400 để thực hiện miễn học, miễn thi và chuyển điểm theo quy định của nhà trường.
“Bản thân em không có chứng chỉ quốc tế hoặc các chứng chỉ tương đương nên em tham gia sát hạch đầu vào tiếng Anh để được xếp lớp theo trình độ tương đương. Đây cũng là cách để em có thể hệ thống lại kiến thức, chuẩn bị kĩ càng hơn trước khi bước vào học môn tiếng Anh chuyên ngành.
Đồng thời, điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho em bởi với trình độ thấp, em có cơ hội nâng cao năng lực qua các học phần tiếng Anh, qua đó giúp sinh viên dần bắt kịp với lộ trình học tập đã được xây dựng, hướng tới việc đạt được các tiêu chuẩn đầu ra theo quy định của nhà trường", Thắng chia sẻ.