Không thấy Hiệu trưởng đăng ký thi đua, giáo viên thắc mắc sao lại thế?

12/04/2017 08:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Lần đầu tiên trong danh sách đăng kí thi đua đầu năm học của trường không có tên Hiệu trưởng của mình. Nhiều giáo viên thắc mắc: “Sao lại thế?"

LTS: Chia sẻ câu chuyện về Hiệu trưởng của mình, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ sự trân trọng với những vị Hiệu trưởng như thế, những người sẵn sàng nhường suất đăng kí các danh hiệu thi đua cho giáo viên.

Theo cô Phan Tuyết, với cách ứng xử khéo léo của Hiệu trưởng trường cô mà nhà trường luôn giữ vững tinh thần đoàn kết nội bộ, giáo viên nhiệt tình và yêu nghề hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết .

Chiến sĩ thi đua cơ sở là danh hiệu mà phần lớn cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành giáo dục đều muốn hướng tới. 

Không phải là cái danh khi được cầm tờ giấy khen, càng không phải là món tiền thưởng 1.210.000 đồng. Đó chính là ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của mọi người trong suốt cả một năm học.

Thế nhưng do chỉ tiêu hàng năm đưa về các trường được khống chế với số lượng nhất định (30% cán bộ, giáo viên, công nhân viên và 15% cán bộ quản lý trong trường). 

Nếu là trường nhỏ, trường chỉ có khoảng 20 người thì số lượng được đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ khoảng 3 người. 

Thế là chẳng ai khác ngoài 3 vị trí đặc biệt như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn

Không thấy Hiệu trưởng đăng ký thi đua, giáo viên thắc mắc sao lại thế? ảnh 1
Một số Hiệu trường nhường suất đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở để giáo viên có cơ hội ghi nhận những nỗ lực của mình. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Nếu được 4 người, vị trí tiếp theo ắt là một trong 5 tổ trưởng chuyên môn, cứ thế và cứ thế tuyệt nhiên sẽ không bao giờ thấy bóng dáng một giáo viên được đăng kí danh hiệu này.

Dù họ rất tích cực trong mọi hoạt động song cũng khó có cơ hội lọt qua “cánh cửa hẹp” như thế.

Có lẽ vì điều này mà trong bất kì bảng đăng kí thi đua hàng năm của các trường khó mà tìm được tên một giáo viên bình thường (không kiêm nhiệm bất cứ việc gì ngoài giảng dạy). 

Mặc dù có rất nhiều giáo viên tiêu biểu, gương mẫu trong công tác giảng dạy.

Biết rõ điều này nên hàng năm chẳng có bất kì một giáo viên nào lại dũng cảm đăng kí danh hiệu thi đua. Bởi có đăng kí cũng cầm chắc bị loại từ vòng “gửi xe”. 

Nhận thấy điều bất hợp lý này, một số Ban giám hiệu các trường nơi địa phương tôi giảng dạy đã có những cách làm đổi mới, khác lạ so với nhiều nơi. 

Thế là giáo viên cũng đã hồ hởi khi chính họ được đăng kí thi đua, được nỗ lực, phấn đấu và đã được ghi nhận. 

Ban giám hiệu tự rút lui

Không thấy Hiệu trưởng đăng ký thi đua, giáo viên thắc mắc sao lại thế? ảnh 2

Sự thật “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

Lần đầu tiên trong danh sách đăng kí thi đua đầu năm học của trường không có tên Hiệu trưởng của mình.

Nhiều giáo viên thắc mắc: “Sao lại thế? Hiệu trưởng nhà trường không đăng kí thi đua vì lý do gì?”. 

Một số thầy cô kiêm nhiệm các chức danh khác lại cứ lăn tăn “Hiệu trưởng không đăng kí thi đua sao mình lại có thể?”.

Có một vài cá nhân bày tỏ “Có khi nào mình đăng kí lại bị cho rằng chơi trội không?

Thế rồi, trong cuộc họp hội đồng đầu năm, Hiệu trưởng của tôi đã nói:

Năm nay, tôi không đăng kí thi đua, Ban giám hiệu nhà trường chỉ cần một người đăng kí là đủ. Tôi dành cơ hội này cho các giáo viên khác. Các thầy cô hãy mạnh dạn đăng kí để khẳng định mình”. 

Không những thế, Hiệu trưởng của tôi đã có cuộc nói chuyện chân tình, thẳng thắn với các ban bệ khác như Chủ tịch công đoàn, Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn theo kiểu: 

Những ai mấy năm nay đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm nay mình sẽ nhường lại để các em giáo viên khác đăng kí tham gia.

Tôi biết mọi người cũng xứng đáng nhưng nhiều giáo viên cũng xứng đáng không kém mà họ chẳng có cơ hội thể hiện…

Thế rồi “được lời như cởi tấm lòng” lần lượt Phó Hiệu trưởng, một số tổ trưởng, Chủ tịch công đoàn cũng đồng loạt xin được rút tên. 

Giáo viên được đăng kí thi đua theo tinh thần tự nguyện. Thế rồi, lần đầu tiên trường tôi đã có giáo viên được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Không chỉ việc đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu Công đoàn viên xuất sắc, Giáo viên giỏi việc nước đảm việc nhà… cũng được Hiệu trưởng nhà trường nhường lại:

Anh chị em mới là người vất vả nhất. Danh hiệu này tôi xin được nhường cho họ. Nhà trường đạt được thành tích như hôm nay không thể thiếu sự đóng góp của các thầy cô giáo”.

Nhờ cách làm việc “biết mình biết người” như thế, tất cả giáo viên trường nơi tôi từng công tác đã luôn giữ vững mối đoàn kết nội bộ, luôn giảng dạy nhiệt tình và hết lòng chăm lo cho học sinh. 

Nhưng tiếc thay những người Hiệu trưởng như thế ngày càng ít đi trong cuộc sống hàng ngày.

Phan Tuyết