Kiểm tra môn Văn lấy dữ liệu ngoài SGK là cuộc cải cách lớn từ xưa tới nay

23/02/2023 09:45
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ những bước đầu còn bỡ ngỡ cùng nhiều thách thức, đến nay, nhiều giáo viên đều bày tỏ niềm tin và sự lạc quan vào việc đổi mới dạy và học theo chương trình mới.

Chính thức triển khai dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã qua 2 năm học, Thạc sĩ Trần Ngọc Lâm - Hiệu trưởng trường trung học cơ sở - Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng (Kon Tum) đánh giá hiệu quả dạy học từng bước đã có những tín hiệu tích cực và rõ rệt. Cụ thể, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lâm cho hay:

“Nhìn chung các em học sinh khi được đào tạo theo chương trình mới có sự năng động và sáng tạo với nhiều phẩm chất quan trọng phù hợp với yêu cầu của thời đại mới ngày nay. So với chương trình cũ, tôi thấy các em có nhiều điều kiện và cơ hội hơn để tương tác, hợp tác và chủ động làm việc trong quá trình học tập.

Đồng thời, đối với chương trình mới, yêu cầu bắt buộc mỗi thầy cô giáo phải thực sự thay đổi mình, đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng được yêu cầu dạy học”.

Thầy Trần Ngọc Lâm - Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng cùng các em học sinh đón Tết Trung thu. Ảnh: Fanpage nhà trường

Thầy Trần Ngọc Lâm - Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng cùng các em học sinh đón Tết Trung thu. Ảnh: Fanpage nhà trường

Hiệu trưởng trường trung học cơ sở - Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng đánh giá cao nội dung gắn liền với thực tiễn được giảng dạy trong các môn học ở chương trình mới. Đặc biệt, với môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ.

“Môn Ngữ văn đang có nhiều thay đổi tích cực và tiến bộ, tương thích với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thầy Lâm nói.

Ngay từ khi có chủ trương đổi mới chương trình dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Kiên Chung (giáo viên môn Ngữ văn, trường trung học phổ thông Đức Hợp - Hưng Yên) đã chủ động đi học thêm để nâng cao kiến thức, kĩ năng để chuẩn bị sẵn sàng tâm thế hòa mình vào công cuộc đổi mới.

Được nhà trường phân công dạy môn Ngữ văn lớp 10 theo chương trình mới từ năm học đầu tiên triển khai, đến nay khi đã kết thúc học kỳ 1, cô Chung nhận thấy những tiến bộ tích cực của cả cô và trò trong những bước đi đầu tiên trên hành trình đổi mới.

“Nếu như trước kia, giáo viên chủ yếu hướng học sinh đến việc khám phá vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật, văn chương thì nay với chương trình mới, môn Ngữ văn mở rộng nhiều nội dung hơn; trong đó, chú trọng tới việc hình thành cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, thuyết trình bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội đa dạng.

Quan điểm xây dựng chương trình mới theo hướng hiện đại, vì vậy học sinh cũng được đánh giá toàn diện và có nhiều không gian để phát huy được hết các năng lực của mình hơn”, cô Chung chia sẻ với phóng viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Kiên Chung, giáo viên môn Ngữ văn - trường trung học phổ thông Đức Hợp - Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Kiên Chung, giáo viên môn Ngữ văn - trường trung học phổ thông Đức Hợp - Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Để tổ chức giờ dạy học đáp ứng được mục tiêu chương trình mới thì ngoài truyền thụ kiến thức, cần giúp học sinh có thể rút ra được những bài học, kỹ năng để vận dụng trực tiếp vào đời sống, cô Chung cho biết:

“Tôi luôn cố gắng tìm hiểu và ứng dụng các phương pháp đổi mới để giờ học được đa dạng hơn các hoạt động. Ngoài dạy định hình kỹ năng, giáo viên còn phải khuyến khích các em học sinh năng lực tự học, tự tìm hiểu dựa trên định hướng của giáo viên”.

Theo đó, trong mỗi tiết học trên lớp, cô Chung chú trọng nhiều tới việc đối thoại với học sinh, dẫn dắt các em tìm ra con đường tiếp cận với bài học, kết nối bài học với đời sống hàng ngày, đặc biệt những yêu cầu về phẩm chất và năng lực cần có trong cuộc sống hiện đại.

“Ví dụ như khi dạy về bài thơ Thu điếu, tôi đã tổ chức hoạt động sau giờ học với yêu cầu học sinh vẽ bức tranh mùa thu, hoặc viết một đoạn văn cảm thụ mùa thu ở miền Bắc… Và sản phẩm mà tôi nhận được vô cùng tuyệt vời, đó là những bức tranh với nét vẽ sinh động, những đoạn văn cảm thụ mùa thu đời sống thực sự chứ không phải là những câu văn sáo rỗng chép từ văn mẫu…”, giáo viên bày tỏ niềm vui và tự hào về những thay đổi tích cực trong việc đổi mới dạy học Ngữ văn.

Đề bài được cô Chung giao cho học sinh sau khi học xong tác phẩm Thu điếu. Ảnh: NVCC

Đề bài được cô Chung giao cho học sinh sau khi học xong tác phẩm Thu điếu. Ảnh: NVCC

Trong kiểm tra và đánh giá môn Ngữ văn, việc sử dụng dữ liệu ngoài sách giáo khoa có thể xem là một cuộc cải cách lớn với lối dạy văn từ xưa đến nay. Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Chung cũng thừa nhận những khó khăn ban đầu khi triển khai nội dung này:

“Các em học sinh vừa kết thúc việc học theo chương trình cũ ở cấp 1 và cấp 2, tức là đi theo con đường cũ, ngay khi vừa lên lớp 10 buộc các em thay đổi cách học và đánh giá nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự lo lắng và khó khăn.

Ngay cả giáo viên cũng đã quen với việc kiểm tra lại những kiến thức đã dạy cho học sinh. Chưa kể, bản thân việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cũng khiến giáo viên gặp vô vàn khó khăn và phức tạp như về nguồn dữ liệu, thẩm định nội dung, vấn đề về chính trị tư tưởng, bản quyền,...”

Tuy nhiên, khi đã bước vào năm học và từng bước triển khai, cô Chung nhận thấy các vướng mắc trên dần được gỡ bỏ, cả thầy và trò dần bắt nhịp với những yêu cầu đổi mới dạy và học của chương trình mới một cách nhịp nhàng.

“Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa giúp học sinh tránh được việc khi học chỉ nghe và ghi chép, rồi tìm các bài văn mẫu để ôn tập; và khi kiểm tra gần như phần đông các em chỉ cố gắng tái hiện tốt nhất những nội dung đã học thuộc trước đó.

Còn hiện nay, khi sử dụng các ngữ liệu mới, học sinh bắt buộc phải chủ động hơn trong việc học, tức là phải học và phải hiểu, tự mình đọc và tìm hiểu thay vì học thuộc đối phó.

Điều này cũng giúp tạo ra nhiều khoảng trống cho học sinh có cơ hội được thể hiện cảm xúc, nói lên tiếng nói quan điểm cá nhân, sự sáng tạo trong quá trình làm bài”, cô Chung chia sẻ.

Những sản phẩm thực hành của học sinh. Ảnh: NVCC

Những sản phẩm thực hành của học sinh. Ảnh: NVCC

Theo cô Chung, hiện việc soạn giáo án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cởi mở hơn khi không quy định giáo viên phải soạn theo một khuôn mẫu nào. Điều này giúp giáo viên có thể thể hiện được khả năng sáng tạo, tổ chức hoạt động dạy học của mình.

Như vậy việc soạn giáo án không còn nặng về hình thức mà hướng đến nội dung thực chất hơn, điều này theo cô Chung sẽ đòi hỏi ở giáo viên sự tìm tòi, đào sâu và nghiên cứu để có kịch bản tổ chức giờ học hay và hiệu quả. Lấy việc soạn giáo án là niềm vui chinh phục những cái mới, bản thân cô Chung cũng bỏ ra nhiều tâm huyết và thời gian để xây dựng các kịch bản dạy học hay và mới mẻ, hiệu quả nhất.

Với những kết quả đã đạt được, cô Chung bày tỏ niềm tin và sự lạc quan vào công cuộc đổi mới môn Ngữ văn:

“Chương trình mới với nhiều điểm ưu việt và tiến bộ hơn nhiều so với chương trình cũ. Đến thời điểm này, tôi tin tưởng rằng công cuộc đổi mới sẽ thành công và điều quan trọng chính là thầy cô cần phải thay đổi để hòa mình vào công cuộc đổi mới này”.

Đồng quan điểm với cô Chung, tổ trưởng Ngữ văn của trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), cô Lê Trương Trúc Phương cho rằng giáo viên cần thay đổi về cách dạy và tư duy:

“Sau quá trình 2 năm trực tiếp dạy môn Ngữ văn theo chương trình mới, tôi thấy rằng học sinh vẫn theo kịp chương trình dù có thời gian phải học trực tuyến do dịch bệnh. Theo tôi, mỗi giáo viên cần phải thay đổi trước tiên về cách dạy, cách sinh hoạt chuyên môn trong tổ, nhóm.

Đồng thời, thầy cô phải thay đổi tư duy, chấp nhận quyền phản biện của học sinh, chứ không phải thầy cô nói gì học trò đều phải nghe. Tiếng nói từ phía học sinh là cơ hội để giáo viên lắng nghe hai chiều.

Từng bước triển khai trong những năm qua, thông qua việc dạy học và tập huấn của nhà trường, tôi thấy cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đã và đang có những thay đổi tích cực và có cái nhìn lạc quan, hiểu hơn về chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Bắc Sơn