Kiến nghị bỏ quy định công bố cơ sở thực hành đối với trường đào tạo ngành Dược

28/10/2022 06:53
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- SV ngành Dược thực hành tại BV thời gian ngắn, do đó quy định công bố cơ sở thực hành đối với các trường Dược gặp nhiều khó khăn hơn trường Y.

Qua 5 năm thực hiện Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, đến nay việc đào tạo thực hành y khoa của các cơ sở giáo dục đi vào nền nếp nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Những quy định như trả chi phí đào tạo cho cơ sở thực hành, thời gian giảng dạy thực hành, công bố cơ sở thực hành... đang khiến nhiều trường đào tạo sức khỏe bị vướng.

Nhiều quy định phù hợp với trường Y nhưng không phù hợp với trường Dược

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhài Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cho rằng từ khi có Nghị định 111 thì sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo y khoa và các cơ sở khám, chữa bệnh thêm chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đánh giá: “Từ khi áp dụng Nghị định 111 về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã và đang thực hiện tốt, có hiệu quả hơn hoạt động đào tạo thực hành cho sinh viên.

Nghị định 111 đã định hình mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành rõ ràng hơn thông qua các quy định về chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe”.

Nghị định 111 không quy định cụ thể chi phí đào tạo trả cho cơ sở thực hành khiến nhiều trường gặp khó khi tính phí đào tạo. Ảnh: Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương

Nghị định 111 không quy định cụ thể chi phí đào tạo trả cho cơ sở thực hành khiến nhiều trường gặp khó khi tính phí đào tạo. Ảnh: Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương

Tuy nhiên, theo cô Nhài, có một số quy định của Nghị định 111 phù hợp với khối các trường ngành Y, nhưng đối với khối các trường ngành Dược thì sẽ khó khăn hơn trong triển khai thực hiện.

Điểm khó đầu tiên, theo vị Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chính là quy định công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Cụ thể, cô Nhài cho biết, đối với các trường Y - sinh viên có thời gian thực tập dài, thường xuyên, thì việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có liên kết đào tạo thực hành với trường công bố và chịu trách nhiệm về việc đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành sẽ hợp lý.

Tuy nhiên, đối với các trường Dược, nhất là các trường cao đẳng thì thời gian thực tập của sinh viên chỉ khoảng từ 2-4 tuần tại khoa Dược của bệnh viện mà trường liên kết, số lượng sinh viên thực tập cũng ít. Do đó, việc công bố bệnh viện đăng ký là cơ sở thực hành đối với các trường ngành Dược sẽ gặp khó khăn hơn so với các trường ngành Y.

Điểm khó thứ hai, cô Nhài chỉ ra là việc chi trả lệ phí, học phí thực hành cho bên bệnh viện chưa được quy định chưa rõ ràng. Cụ thể, Nghị định 111 quy định phải trả chi phí đào tạo thực hành cho các cơ sở thực hành, tuy nhiên lại không rõ mức chi trả cho các khoản chi tiết là bao nhiêu: từ giảng viên giảng dạy, cơ sở vật chất, đến vật tư tiêu hao...

“Do không có quy định cụ thể nên trường nọ hỏi trường kia chi bao nhiêu tiền rồi thỏa thuận mức giá cả để trả cho cơ sở thực hành. Cũng có nhiều cơ sở thực hành kể từ khi có Nghị định, họ áp dụng luôn mức chi trả cụ thể cho từng khoản và yêu cầu các trường phải đóng đủ mức đó nếu muốn đưa sinh viên đến thực hành”.

Cô Nhài cho biết, hiện nay Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chủ yếu liên kết đào tạo với các bệnh viện, công ty dược, nhà thuốc,... ở địa bàn tỉnh Hải Dương, dựa trên những mối quan hệ quen biết.

“Hiện tại, trường chúng tôi và các cơ sở liên kết thực hành đang giúp đỡ lẫn nhau trong đào tạo sinh viên. Vì thế, các cơ sở nhà trường đang cho sinh viên đến thực tập, hiện chưa tiến hành thu phí. Về quan hệ tương hỗ, sinh viên thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh cũng chính là đang giúp các cơ sở, có nhiều nơi thậm chí còn chi trả tiền lương cho sinh viên đến thực tập nữa”, cô Nhài cho biết.

Từ thực tiễn triển khai Nghị định, cô Nhài kiến nghị nên bỏ yêu cầu công bố cơ sở thực hành đối với các trường đào tạo ngành Dược. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương phân tích rõ hơn:

“Đối với ngành Dược, khi sinh viên thực tập ở các doanh nghiệp thì doanh nghiệp không phải công bố là cơ sở thực hành, do vậy tôi cũng mong muốn được áp dụng quy định này với các bệnh viện. Vì sinh viên trường cao đẳng Dược có thời gian thực hành ít, và đa số cũng thực hành ở các doanh nghiệp, hiệu thuốc nhiều hơn ở bệnh viện”.

Với chi phí đào tạo thực hành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương kiến nghị: “Vì Nghị định không quy định chi tiết mức phí các khoản đào tạo thực hành nên rất khó khi nhà trường tính toán chi phí để gửi cho cơ sở thực hành. Như đã nói, các cơ sở liên kết với trường chúng tôi chưa yêu cầu trả phí đào tạo thực hành, nhưng về lâu dài, vấn đề này là cần thiết. Do đó, cần có thêm khoản quy định chi tiết từ tiền chi trả cho giảng viên, cơ sở vật chất, vật tư thực hành tiêu hao... để tạo sự thống nhất thực hiện giữa các đơn vị”.

Cán bộ bệnh viện khó đảm bảo tham gia giảng dạy 50% chương trình

Tương tự như với Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, hiện nay, việc thực hiện chi trả chi phí đào tạo cho cơ sở thực hành theo hợp đồng chi tiết được quy định trong Nghị định 111 vẫn chưa được thực hiện tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh.

Thầy Trần Xuân Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Thầy Trần Xuân Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Xuân Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết, mối quan hệ giữa viện - trường luôn được duy trì tốt, do vậy đến nay hai bên trên cơ sở giúp đỡ nhau và không thu phí sinh viên đến thực tập.

“Nhà trường sẽ chi trả chi phí giảng dạy thực hành cho giảng viên theo giờ, giảng giờ nào sẽ tính tiền giờ đó. Sau này, khi các bệnh viện tự chủ, nếu bệnh viện yêu cầu nhà trường trả tiền đào tạo thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo yêu cầu của bệnh viện”, thầy Thắng cho hay.

Ngoài ra, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, hiện khó khăn liên quan đến thực hiện Nghị định 111 tại trường là quy định về thời lượng giảng dạy.

Cụ thể, tại điểm e khoản điều 9 Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định “tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành”.

Thực tế cán bộ bệnh viện công việc rất nhiều, do đó để thực hiện theo đúng tỷ lệ thời gian giảng dạy của Nghị định 111 gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, thầy Trần Xuân Thắng cho biết, nhà trường sẽ chủ động lên thời gian biểu học từng tuần và liên hệ cán bộ bệnh viện sắp xếp thời gian giảng dạy phù hợp.

Doãn Nhàn