Thần Công lý trong thần thoại Hy Lạp, La Mã được mô tả dưới hình dạng người phụ nữ tay cầm cân, tay cầm kiếm, mắt và tai bị bịt kín bởi một dải lụa.
Chiếc cân tượng trưng cho sự công bằng, thanh gươm tượng trưng cho sự trừng phạt, dải lụa bịt tai, mắt ngụ ý công lý không chịu bất kỳ tác động ngoại lai nào.
Người đời hy vọng, rằng với hình tượng thần Công lý như thế con người sẽ được đối xử công bằng, bình đẳng, rằng công lý không bao giờ bị bẻ cong trước bất kỳ sức mạnh nào
Thật buồn cười cho niềm tin ngây thơ đó bởi từ xưa tới nay, từ Đông sáng Tây, từ Nam lên Bắc, phụ nữ luôn được xem là “phái yếu”, khi đã “yếu” thì lấy gì chống lại kẻ mạnh?
Dân oan trước khi tiệm cận sự phán xét của thần Công lý, trước khi những kẻ cơ hàn có thể đứng trước thần Công lý chống lại sự bất công, họ chỉ có thể tiếp xúc với quan tòa bằng xương, bằng thịt.
Thần Công lý của người xưa liệu chỉ bằng cảm nhận, thần có thể thấu hiểu nỗi thống khổ của dân đen, có nghe thấy lời than vãn của tầng lớp bần hàn ở những mảnh đất được gọi là “địa ngục trần gian”, nơi thần mấy khi bén mảng tới và khi tai mắt Thần đều bị che kín?
Cứ cho rằng thần Công lý hiện diện trong các phiên tòa mà ở đó, chưa hẳn dân đen có đủ thời gian và kiến thức biện hộ cho quyền lợi chính đáng của mình, nếu không nhìn và không nghe, thần Công lý dựa vào cái gì để phán xử?
Công lý, theo cách hiểu thông dụng nhất là các chuẩn mực tạo nên đạo đức xã hội (tính kỷ luật, lòng vị ta, sự thông thái, sự tiết chế…) nhưng biểu hiện của Thần Công lý lại là sự cân nhắc (một cách không thiên vị) giữa trừng phạt (nặng hoặc nhẹ) hoặc không trừng phạt.
Công lý không phải và không bao giờ chỉ là sự trừng phạt.
Trong lịch sử, Công lý đã bao giờ giành thắng lợi tuyệt đối trước Vương quyền và Thần quyền?
Câu trả lời là chưa.
Tượng thần Công lý. (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn) |
Khi loài người bước sang năm 2020 của thiên niên kỷ thứ ba theo lịch phương tây, hoặc năm 2564 theo Phật lịch, Công lý đã được thực thi trên toàn thế giới?
Câu trả lời vẫn là chưa.
Công lý không phải là pháp luật, Công lý là sự công bằng tự nhiên được áp dụng cho mọi quốc gia, dân tộc, là những nỗ lực của nhân loại nhằm đạt đến sự hài hòa giữa quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, mỗi cá nhân trong cộng đồng, trong xã hội và toàn cầu.
Pháp luật lại không phải là sản phẩm tự nhiên, pháp luật là công cụ mà giai cấp thống trị tạo ra để đàn áp giai cấp bị trị.
Pháp luật có một số chuẩn mực chung cho toàn nhân loại, nhưng nó sẽ biến thành giấy lộn nếu không có chế tài cưỡng bức thi hành.
Trên thế giới, việc các nước lớn phớt lờ phán quyết của các tòa án quốc tế (do Liên hiệp quốc chỉ đạo) liên tục xảy ra và không có chiều hướng suy giảm.
Một bài viết trong chuyên mục “Chiến tranh lạnh” (Cold War) năm 1985 trên History.com có tựa đề “Hoa Kỳ tẩy chay tòa án công lý quốc tế” (United States walks out of World Court case), bài báo mô tả diễn biến vụ chính quyền Nicaragua kiện Hoa Kỳ tội “hoạt động bán quân sự của Mỹ nhằm chống lại chính phủ hợp hiến Nicaragua”. [1]
Bài báo có đoạn: “Hoa Kỳ rời bỏ phiên tòa của Tòa án Công lý Quốc tế, với cáo buộc rằng phiên tòa này: “lạm dụng tòa án cho các mục đích chính trị và tuyên truyền” ”.
Dù Hoa Kỳ tẩy chay không tiếp tục dự phiên tòa nhưng Tòa vẫn ra phán quyết, rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế với những hành động chống chính phủ Nicaragua, và ra lệnh Mỹ phải bồi thường, Chính phủ Mỹ đã phớt lờ phán quyết này.
Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn kiện về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS lên Tòa Trọng tài Thường trực The Haye (PCA).
Vụ kiện trọng tài này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm Công ước.
Trung Quốc tẩy chay không tham dự phiên tòa, cựu Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc còn tuyên bố với lời lẽ không đáng có của một nhà ngoại giao kỳ cựu, rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) "Chỉ là tờ giấy lộn không hơn không kém".
Những kiện cáo giữa các nước nhỏ với các nước lớn liên quan đến tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) như Hà Lan với Nga hay New Zealand với Pháp đều có chung kết quả là các nước lớn phớt lờ các phán quyết của tòa cũng nhu thỏa thuận có sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Về nguyên tắc, công lý không thuộc về kẻ mạnh song qua các ví dụ đã dẫn, không thể nói công lý có đủ quyền lực để chiến thắng kẻ mạnh.
Công lý một khi bị sức mạnh thao túng thì cũng chỉ là “Công lý Tà Lưa”, thứ công lý mà nhân loại căm ghét song lại hiện hữu bằng xương bằng thịt ngay trong cuộc sống con người.
Công lý ở đâu khi các nước lớn dội bom xuống Nam Tư, Syria,… khiến bao nhiêu dân thường vô tội thiệt mạng, công lý ở đâu khi Trung Quốc gạ Mỹ chia đôi Thái Bình Dương với lý luận, rằng “Thái Bình Dương đủ lớn cho hai nước” mà không đếm xỉa gì đến quyền của các quốc gia xung quanh đại dương này?
Công lý ở đâu khi chỉ năm nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong khi Ấn Độ với hơn một tỷ dân không có quyền này?
Công lý ở đâu khi kẻ đỡ đầu cho bọn diệt chủng Khmer Đỏ huênh hoang “dạy cho nước khác bài học” còn quốc gia giúp Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng thì bị hàng loạt nước xúm vào cấm vận?
Trong phạm vi từng quốc gia, kể cả tại những nước được xem là văn minh nhất thế giới, công lý có được thực thi trọn vẹn?
Năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ với bản “Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ”, phải mất 146 năm, mãi đến năm 2008 mới có người da đen đầu tiên - ông Barack Obama - trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.
Cần phải biết rằng người da đen Mỹ chiếm 14% dân số (khoảng 42 triệu người) nhưng năm 2015, có 25% người da đen thuộc diện nghèo trong khi tỷ lệ này ở người da trắng là 11%.
Ngay sau thời điểm ông Obama đắc cử tổng thống, năm 2009 chỉ có 2% thượng nghị sĩ (2/100) và 2% thống đốc bang (1/50) là người da đen.
Người gốc Á là cộng đồng thành công nhất trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ, 49% người Mỹ gốc Á có bằng cử nhân, so với mức 28% dân số nói chung, tuy nhiên chỉ có 27% chuyên gia, 19% quản lý và 14% chuyên viên cấp cao là người Mỹ gốc Á và chưa có người gốc Á nào trở thành Tổng thống Mỹ.
Tại Trung Quốc bất công xã hội đã khiến một bộ phận cư dân phẫn nộ.
Học giả người Trung Quốc Trương Hiền Lượng trong bài “Trung Quốc: Khủng hoảng niềm tin gây bất an xã hội” (Biên dịch Nguyễn Hải Hoành) viết:
“Hiện nay về kinh tế, Trung Quốc đã xếp hạng thứ hai, có thể nói là một nước lớn kinh tế, thế nhưng “mức độ hạnh phúc” của dân chúng thì mới xếp thứ 126 trên toàn cầu. Sự chênh lệch này quá lớn”. [2]
Ngày 23/02/2016, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Lễ công bố "Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”.
Trụ cột thứ hai Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội có đoạn: “Tuy đã đạt những bước tiến lớn về nâng cao mức sống kể từ khi Đổi mới nhưng một số nhóm đối tượng lớn vẫn bị thiệt thòi và hiện đang có khoảng cách lớn về cơ hội giữa con em các hộ nghèo và con em các gia đình khá giả.
Trẻ em dưới một tuổi người dân tộc thiểu số có xác suất tử vong cao gấp bốn lần trẻ em người Kinh”.
Có thể thấy tại bất kỳ quốc gia nào, một khi sự công bằng không theo kịp sự phát triển kinh tế thì Công lý luôn chỉ là lý tưởng chứ không phải hiện thực.
Philippines dù thắng kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực The Haye (PCA) nhưng Tổng thống đương nhiệm nước này, ông Duterte lại đang nghĩ đến chuyện làm lành với Trung Quốc bằng cách đưa ra những tuyên bố phản bác đồng minh chiến lược Hoa Kỳ.
Vì sao lại có nghịch lý này? Vì Hoa Kỳ ở xa mà Trung Quốc thì ở gần, vì hạm đội tàu cá và tàu vỏ trắng của Trung Quốc lượn lờ suốt ngày đêm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà hải quân nước này không đủ sức ngăn cản.
Trong khi hầu hết các nước phản đối Iran, Bắc Triều Tiên nghiên cứu sản xuất vũ khí hạt nhân thì chính các quốc gia phương Tây (chủ yếu là Pháp) [3] lại giúp nhà nước Do Thái chế tạo thứ vũ khí hủy diệt này.
Theo Dailymail, trong cuộc phỏng vấn bí mật cách đây 2 năm, ông Shimon Peres, cựu Tổng thống Israel thừa nhận nước ông sở hữu bom hạt nhân và ông chính là "kiến trúc sư" của chương trình phát triển bom hạt nhân đó.
Thế nhưng ông Shimon Peres lại là người được tặng giải Nobel Hòa bình.
Dù loài người luôn nói mình đang sống trong thời đại văn minh nhưng liệu có đúng là văn minh khi Công lý không dành cho tất cả mọi người, mọi quốc gia, dân tộc?
Dẫu nắm Công lý trong tay, kẻ yếu có thể trở thành kẻ mạnh?
Xét trên khía cạnh Công lý, loài người vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ mông muội, vẫn là một thế giới “cá lớn nuốt cá bé”, một thế giới mà các nước lớn luôn “đi đêm trên lưng các nước nhỏ”, luôn có những thỏa thuận trong bóng tối bất chấp công pháp quốc tế.
Chính vì thế, câu nói nổi tiếng của St. Augustine, triết gia thời trung cổ: “Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?” vẫn luôn còn giá trị ngay cả khi loài người đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba./.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.history.com/this-day-in-history/united-states-walks-out-of-world-court-case
[2]http://nghiencuuquocte.org/2016/03/28/khung-hoang-niem-tin-bat-an-xa-hoi/#sthash.BUko6rJd.dpuf
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/bi-mat-ve-hat-nhan-cua-israel-1964748.html