Gác lại nỗi sợ hãi, sinh viên Y khoa tình nguyện lên đường chống dịch (1)

30/07/2020 05:58
TẤN TÀI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng của gia đình, hàng trăm sinh viên y khoa của các trường đại học đã tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Những ngày qua, khi Đà Nẵng trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh covid-19 thì hàng ngàn người phải cách ly, cả thành phố giãn cách để phòng chống lây nhiễm.

Nhiều người lo lắng bởi những ca bệnh trong cộng đồng liên tục được công bố mỗi ngày, trong khi nguồn bệnh ban đầu (FO) vẫn chưa xác định.

Gác lại nỗi sợ hãi

Nhưng gác lại nỗi sợ hãi ấy, hàng trăm sinh viên Y khoa của các trường Đại học đang đóng chân trên địa bàn Đà Nẵng đã viết đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Bạn Phan Tăng Bình, sinh viên Y năm 5 Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) trong chiến dịch tình nguyện chống dịch covid-19 lần 1 hồi đầu năm. Ảnh: AN

Bạn Phan Tăng Bình, sinh viên Y năm 5 Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) trong chiến dịch tình nguyện chống dịch covid-19 lần 1 hồi đầu năm. Ảnh: AN

Những thiên thần áo trắng trong tương lai sẽ tiếp sức cho các y, bác sĩ đang phải vật lộn với tình trạng quá tải bệnh nhân tại các khu cách ly.

Bạn Lê Thị Hiếu Đoan, sinh viên YK15A Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) là một trong số 130 sinh viên tình nguyện được Khoa lựa chọn vào lực lượng xung kích lần này.

Chia sẻ về quyết định tham gia tình nguyện chống dịch, Đoan nói: “Mình là một sinh viên Y khoa nên cũng muốn đăng ký, để góp một chút sức cùng thành phố ngăn ngừa dịch bệnh.

Khi đọc những tin tức về dịch bệnh của thành phố, thấy những con số về các ca nhiễm cứ tăng từng ngày thì mình cũng sợ chứ. Rất sợ nữa là đàng khác.

Nhưng cứ nghĩ, mình phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa. Hơn nữa, giờ mình học Y mà sợ hãi thì những người dân bình thường phải làm sao?”.

Lo lắng vì chưa xác định được nguồn lây, lo lắng vì giờ bước ra đường không biết ai là F0, ai là F1... nhưng Đoan vẫn bình tĩnh để “gác” lại nỗi lo đó.

“Giờ mình ở nhà thì mức độ an toàn sẽ cao hơn. Nhưng khi đã xác định ra hoạt động tình nguyện thì mình sẽ phải tự bảo vệ bản thân cẩn thận hơn.

Khi xung phong đi tình nguyện thì mình cũng đã lường trước những khó khăn, nguy hiểm cận kề bởi đó là một căn bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh. Nó sẽ có một xác suất rủi ro nào đó nhưng mình chấp nhận”.

Trong đợt dịch covid-19 lần 1, do Hiếu Đoan đang ở quê nên không thể đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch và hiện đơn tình nguyện Đoan đang chờ sự phê duyệt, sắp xếp của Sở Y tế Đà Nẵng.

Hiện tại thì ba mẹ vẫn chưa biết mình đăng ký đi tình nguyện. Nhưng sắp tới mình cũng sẽ nói cho ba mẹ hiểu. Và ba mẹ cũng sẽ ủng hộ thôi bởi đó là việc làm có ích cho xã hội”, Đoan nói.

Hai lần xung phong đi chống dịch

Từng là lực lượng xung kích trong đợt chống dịch lần một hồi tháng 6 vừa qua, Phan Tăng Bình, sinh viên Y năm 5 Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) lại tiếp tục xung phong lên đường tình nguyện khi thành phố căng mình đón đợt dịch thứ 2.

“Lần trước, em tham gia cùng Thành đoàn trực ở các chốt chặn trên đường Trường Sa, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Công việc của tụi em lúc đó chủ yếu là giúp người dân, du khách kê khai y tế, đo nhiệt độ, kiểm tra sức khoẻ người ra vào bệnh viện…”

Chia sẻ thêm về lần đi tình nguyện ấy, Bình kể, có những đêm trực trên tuyến đường khá mệt mỏi nhưng anh, chị em trong đoàn ai cũng hát cười vui vẻ.

Người dân thấy chốt trực vất vả nên mang đồ ăn, nước uống đến tiếp viện khiến ai cũng ấm lòng.

Những đêm trực 2-3h sáng, cả nhóm phải chia nhau ra ngủ, để lấy sức ngày mai còn chiến đấu tiếp. Từ cuối tháng 5, khi dịch bắt đầu “dịu xuống” thì Bình mới trở lại với giảng đường.

Chia sẻ về nỗi lo lắng trong chiến dịch tình nguyện lần này, Bình cho hay, “Dịch bệnh lần này căng thẳng, phức tạp hơn hồi đầu năm rất nhiều. Số ca nhiễm cứ tăng dần, ngay cả nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm, cách ly.

Nên em nghĩ mình làm gì đó để góp một phần nhỏ giúp những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch đỡ vất vả và quá tải.

Hơn nữa, mình học Y và cần phải xung phong lên tuyến đầu vào những thời điểm này. Sinh viên Y khoa vốn có sẵn kỹ năng hơn các bạn khác”.

Cũng theo Bình, do vẫn chưa truy vết ra F0, người bị nhiễm trong cộng đồng chắc chắn sẽ còn tăng nên những y bác sĩ hay các tình nguyện viên đều có khả năng bị lây nhiễm.

Do đó, mỗi tình nguyện viên đều phải trang bị cho mình những kỹ năng để đảm bảo an toàn.

Ít ai biết rằng, cả hai lần xung phong tình nguyện chống dịch thì cả hai lần ba mẹ Bình đều lo lắng, can ngăn. Nhưng rồi Bình cũng thuyết phục được ba mẹ bởi trách nhiệm của một người học Y với xã hội.

“Lần này, ba mẹ biết tình hình dịch bệnh nguy hiểm hơn nên rất lo sợ. Phải hơn 15 phút nói chuyện, em mới thuyết phục được ba mẹ hiểu”, Bình cười nói.

TẤN TÀI