Nhiều điểm trong dự thảo NĐ 99 cần phải điều chỉnh, nhất là liên quan đến HĐT

28/04/2023 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cơ quan quản lý trực tiếp chỉ nên cử đại diện tham gia vào Hội đồng trường chứ không được trực tiếp can thiệp lên việc ra quyết nghị của Hội đồng trường.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đây là một vấn đề được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm vì thực tế thời gian qua, quá trình thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống hành lang pháp lý.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn, tuy nhiên, một số điểm vẫn cần phải được điều chỉnh, bổ sung.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh

Điều 3 “Chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”, điều kiện chuyển đổi là phải được sự chấp thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp. Đây là một điều kiện không khả thi trong thực tế, trong bối cảnh nhà nước đang khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học phi lợi nhuận, thì điều kiện chuyển đổi cần thực tế hơn, hợp lý hơn. Nên chăng, cần tách bạch nhà đầu tư với người góp vốn (như ngân hàng tư nhân hiện nay) để dễ dàng huy động vốn.

Điều 5 “Liên kết các trường đại học thành đại học”, cần có quy định cụ thể tổ chức lại cơ sở giáo dục đại học ra sao sau khi liên kết, bởi nếu không tổ chức lại mà chỉ làm “phép cộng cơ học” thì đây không phải là một đại học mà chỉ là một liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học.

Theo Khoản 1, Điều 7 về “Thủ tục thành lập Hội đồng trường”, cơ quan quản lý trực tiếp quyết định về Hội đồng trường lâm thời (đối với trường đại học mới thành lập); Tập thể lãnh đạo (do Hiệu trưởng chủ trì) làm việc với cơ quan chủ quản để thống nhất quy trình thành lập Hội đồng trường, Cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận Hội đồng trường (đối với trường đang hoạt động nhưng chưa có Hội đồng trường); Tập thể lãnh đạo (do Chủ tịch Hội đồng trường chủ trì) chủ động kiện toàn quy trình thành lập Hội đồng trường mới cho phù hợp với Luật/các quy định khác và đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận để Hội đồng trường tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ (đối với trường đã có Hội đồng trường).

Như vậy, quy trình này đặt vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) lên vị trí quyền lực cao nhất và làm vô hiệu hóa vai trò của Hội đồng trường. Điều đó là trái với tinh thần của các Nghị quyết 14/2005 và Nghị quyết 89/2016 của Chính phủ và Nghị quyết 19/NQ-TW (năm 2017) của Ban chấp hành Trung ương.

Lẽ ra cơ quan quản lý trực tiếp chỉ nên cử đại diện tham gia vào Hội đồng trường chứ không được trực tiếp can thiệp lên việc ra quyết nghị của Hội đồng trường. Công nhận Hội đồng trường phải là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chính quyền địa phương theo phân cấp quản lý).

Khoản 1 Điều 8 về “Thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường, chủ tịch Hội đồng trường của trường đại học tư thục” quy định nhà đầu tư/ hội nghị nhà đầu tư ra quyết định công nhận Hội đồng trường. Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, quy định này chưa hợp lý, vì chỉ đạo thành lập và ra quyết định thành lập Hội đồng trường phải là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, không thể là nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chỉ có quyền được cử đại diện của mình vào Hội đồng trường (tỉ lệ cao thấp khác nhau giữa trường tư thục và trường tư thục không vì lợi nhuận).

Nhiều trường chưa thực hiện “Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An – Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An – Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An – Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP gồm có 4 điều với 10 nội dung sửa đổi, bổ sung, cụ thể là:

Thứ nhất, làm rõ vai trò của cơ quản quản lý trực tiếp trong công tác bổ nhiệm, giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường.

Thứ hai, quy định rõ thành phần tập thể lãnh đạo và vai trò chủ trì của Chủ tịch Hội đồng trường. Tập thể lãnh đạo làm việc trên nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

Thứ ba, quy định số người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học để phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục.

Thứ tư, quy định lại cơ cấu, số lượng thành phần đại biểu khi sử dụng hội nghị đại biểu để tham dự hội nghị đại biểu bầu và bầu thay thế một thành viên hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học nhưng tối thiểu phải chiếm trên 20% so với tổng số viên chức, người lao động của trường đại học và bảo đảm tỷ lệ đại biểu tại các đơn vị thuộc, trực thuộc phải tương đương thay vì yêu cầu mức tối thiểu là 50% gây khó khăn tốn kém cho các đơn vị.

Thứ năm, quy định rõ hơn về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm các thành viên khác của hội đồng trường.

Thứ sáu, quy định cụ thể thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp khi đã thôi việc, chuyển công tác… thì cơ quan quản lý trực tiếp có thể thay thế ngay mà không cần có văn bản đề nghị của hội đồng trường như hiện nay.

Thứ bảy, bổ sung các quy định về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học của trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành đại học.

Thứ tám, bổ sung quy định về điều kiện thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, về điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học, về điều kiện hoạt động cũng như trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Thứ chín, bổ sung yêu cầu cơ sở giáo dục đại học công khai toàn bộ nguồn thu, chi và cơ cấu các khoản thu, chi; cơ cấu chi từ nguồn học phí bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan.

Mười là thay thế một số cụm từ của Nghị định 99; chỉnh sửa trách nhiệm thi hành; chỉnh sửa hiệu lực thi hành.

Theo Phó Giáo sư Trần Hoài An, sửa đổi này đã tháo gỡ được một số vướng mắc khi thực hiện việc thành lập, công nhận Hội đồng trường, chủ tịch Hội đồng trường; bãi nhiệm, miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng trường, Hội đồng đại học.

Tuy nhiên việc thay thế thành viên Hội đồng trường vẫn phải thực hiện các bước rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Với thành viên là đại diện cho người học được bầu thường là sinh viên năm thứ 3, thứ 4 nên hầu như sau 1.5 - 2 năm phải thực hiện thủ tục thay thế khi các sinh viên này tốt nghiệp ra trường.

Vấn đề cấp bách chưa được luật hóa trong dự thảo này là thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII: "...hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng trường”.

Hơn 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19-NQ/TW được ban hành nhưng đến nay, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện “Bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng trường”.

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 104/TB-VPCP “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất”. Văn bản này nêu rõ: “Bộ rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư đảng ủy trường”.

Chính vì vậy, nội dung này cần được luật hóa trong dự thảo để việc triển khai thực hiện đồng bộ ở các cơ sở giáo dục đại học.

Phạm Minh