Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều khu vực khó khăn của Tây Nguyên đã thoát nghèo, vươn lên chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, đi kèm với việc đạt “chuẩn mới” thì học sinh, giáo viên ở các khu vực này sẽ không còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ.
Trong đó, học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ ăn bán trú, còn giáo viên thì bị cắt giảm lương và một số chế độ trợ cấp về xăng xe, đi lại. Điều này đang khiến hàng ngàn học sinh, giáo viên lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ phải “bỏ học, bỏ dạy”.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý thì các xã mới lên chuẩn nông thôn mới ở Tây Nguyên đang cần một chính sách hỗ trợ bền vững cho ngành giáo dục.
Tâm tư của giáo viên khi nghỉ việc vì xã … đạt chuẩn nông thôn mới
Sau ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (quê quán Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị) khăn gói lên vùng cao Tây Nguyên dạy học.
Nhiều giáo viên ở PỜ Ê có đơn xin thôi việc sau khi xã này đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: MT |
Năm 2008, cô được phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum), là một điểm trường xa xôi, còn nhiều khó khăn của tỉnh Kon Tum vào thời điểm đó.
Hơn 12 năm gắn bó với học trò vùng cao, không quản ngại núi rừng hiểm trở, cuộc sống thiếu thốn khó khăn, cô giáo trẻ vẫn một lòng bám trường, bám lớp.
“Ở Pờ Ê còn nhiều khó khăn. Những giáo viên xa quê như chúng tôi thì ở nội trú tại trường để tiện việc giảng dạy, còn nhiều giáo viên khác có nhà ở Kon Tum hay ở các huyện khác thì đi về rất vất vả.
Dù xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn, nhất là học sinh. Các em còn thiếu thốn đủ thứ từ áo quần, sách vở, bữa cơm bán trú cũng phải nhờ để giáo viên chung tay hỗ trợ”.
Sau khi xã Pờ Ê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bản thân cô Nhung và nhiều giáo viên khác đang giảng dạy trên địa bàn xã không còn được hưởng các chế độ các trợ cấp của vùng đặc biệt – khó khăn theo nghị định 76/2019 của Chính Phủ, do đó mức lương cũng bị giảm theo.
Chia sẻ về quyết định nghỉ việc của mình, cô Nhung nói: “Hơn 12 năm gắn bó với học trò vùng cao, xa gia đình, xa quê nên bản thân tôi cũng nhiều lần có nguyện vọng muốn được chuyển công tác về gần để chăm sóc con nhỏ nhưng chưa được chấp thuận.
Còn việc mức lương bị cắt giảm do xã lên nông thôn mới chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khác khiến tôi nghỉ việc.
Nhưng thực sự việc bị cắt chế độ hỗ trợ cho giáo viên ở khu vực này là một thiệt thòi rất lớn cho các thầy, các cô và cả học trò. Bởi cuộc sống của người dân, học sinh nơi đây còn chật vật”, cô Nhung nói.
Cũng như nhiều giáo viên khác, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì nhiều khoản tiền lương, trợ cấp như: tiền đứng lớp, tiền bán trú… đều bị cắt hoặc giảm 70-80%.
Với đồng lương ít ỏi, ngang bằng với các xã đồng bằng, thành thị thì những giáo viên này không còn “đủ sức” để bám trường, bám lớp.
Làm đơn nghỉ việc sau cô Nhung gần 1 năm, cô giáo Nguyễn Thị Hương (trú tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), giáo viên Trường Tiểu học Pờ Ê chia sẻ:
“Dù là xã nông thôn mới nhưng bà con ở đây còn thiếu thốn cái ăn, cái mặc. Giáo viên phải đến tận từng bản, vào tận từng nhà để gõ cửa, vận động các em trở lại trường.
Quãng đường từ trường đến nhà thì gập gềnh, đi lại khó khăn. Nhiều hôm giáo viên đến trường bị ngã xe, sình lầy dính đầy áo quần, sách vở”.
Công việc của giáo viên vùng cao khó khăn là thế nhưng từ năm 2020, khi xã PỜ Ê được công nhận nông thôn mới thì các khoản lương, trợ cấp đã bị cắt giảm hơn một nửa.
“Gắn bó với học trò vùng cao một thời gian dài, chúng tôi luôn yêu mến và động viên các em đến tri thức để sau nay trở về cống hiến, dựng xây bản làng. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, mức thu nhập hàng tháng không đủ gồng gánh các chi phí sinh hoạt nên chúng tôi phải nghỉ.
Mong muốn lớn nhất của những giáo viên vùng cao như chúng tôi là làm sao đảm bảo được cuộc sống của người thầy, người cô để họ yên tâm công tác, bám trường, bám lớp”, cô Hương nói thêm.
Kiến nghị Ủy ban Dân tộc có chính sách "đặc thù"
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 5/3, bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua, Sở đã tiến hành thống kê, tổng hợp những khó khăn của giáo viên, học sinh ở các xã vừa lên nông thôn mới.
Đời sống của giáo viên vùng cao Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, vất vả. (Trong ảnh: Một lớp học tạm ở nhà Rông khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: MT |
Đồng thời, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Nội vụ và Sở Tài chính để có thống nhất kiến nghị với Ban Dân tộc Trung ương về thực hiện chính sách hỗ trợ “đặc thù” cho học sinh, giáo viên ở các vùng sâu, vùng khó khăn vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đó là những kiến nghị về lương, nhà công vụ cho giáo viên… Qua đó, đảm bảo quyền lợi cho người lao động (giáo viên, nhân viên trường học), đảm bảo đời sống cho giáo viên vùng cao.
“Ý kiến này cũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị ra Quốc hội cũng như Trung ương để thay có sự thay đổi về chính sách.
Bởi hiện tại thì mình vẫn phải thực hiện theo chế độ chính sách chung của Trung ương ban hành. Chỉ có đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với các vùng thôi.
Ngoài ra thì nhiều địa phương khác cũng đã tiến hành khảo sát để có tiếng nói chung với các ngành”.
Cũng theo bà Trung thì với khả năng tài chính của ngành cũng như tỉnh thì chưa thể có những hỗ trợ tích cực cho giáo viên, học sinh ở các khu vực này mà cần một chính sách chung từ trung ương.
“Đối với ngành thì chúng tôi cũng đã thường xuyên, gặp gỡ động viên các giáo viên cố gắng bám trường, bám lớp”, bà Trung nói.
Còn theo ông Đinh Quốc Tuấn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, địa phương này đã đạt được những kết quả nhất định trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận việc triển khai các chế độ, chính sách về giáo dục, y tế... khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
“Tại nhiều khu vực, dù xã lên nông thôn mới nhưng vẫn còn các thôn trong xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nếu người dân, học sinh và cán bộ, viên chức công tác tại các thôn này sẽ không còn được thụ hưởng các chế độ, chính sách an sinh xã hội thì sẽ dẫn đến bất cập, không công bằng.
Do đó, Ban dân tộc tỉnh cũng đã đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, có chính sách đặc thù đối với các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Tuấn cho hay.