Ngày 16/11/2019, các Siêu trí tuệ Việt Nam và quốc tế đã có buổi giao lưu với sinh viên, học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh ở Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng.
Mở đầu buổi giao lưu, các thí sinh tham gia chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam nói, cuộc sống của mình đã có ít nhiều thay đổi, dù rằng chương trình chỉ mới phát sóng có 3 tập đầu tiên trên truyền hình.
Theo em Diệu Linh, một thí sinh 13 tuổi có khả năng ghi nhớ siêu đẳng thì ai cũng sẽ có phương pháp ghi nhớ riêng, nhưng để nhớ nhanh thì mỗi người sẽ tạo ra một hệ thống riêng, phù hợp nhất để mã hóa thông tin, hình ảnh.
Giao lưu cùng với các thí sinh của Siêu trí tuệ Việt Nam, quốc tế ngày 16/11 (ảnh: P.L) |
Đối với riêng Diệu Linh, bất cứ thông tin nào cũng sẽ được em chuyển đổi thành hình ảnh. Các nghiên cứu của nhà khoa học cho thấy, não bộ con người sẽ ghi nhớ hình ảnh tốt hơn so với ghi nhớ con chữ, con số.
Tự cho là vốn kiến thức lịch sử của mình không có nhiều, thí sinh Nguyễn Phước Vinh nói rằng, mỗi sự kiện lịch sử, em sẽ đọc ít nhất 10 lần, có lúc đọc đến cả trăm lần, hoặc có thể nhiều hơn nữa.
Khi nào đọc, Phước Vinh sẽ gắn vào một hình ảnh cụ thể nào đó, về trận chiến hay sự kiện.
Học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng giao lưu với các Siêu trí tuệ Việt Nam (ảnh: P.L) |
Nguyễn Phước Vinh chia sẻ: Bộ não của em dành khoảng 50% là cho lịch sử, và bất cứ chuyện gì Vinh cũng cố gắng liên kết đến với lịch sử trong não của mình.
Em Rinne Tsujikubo là một siêu trí tuệ có khả năng tính nhẩm siêu tốc đến từ Nhật Bản đã khẳng định: Muốn tính nhẩm giỏi và có trí nhớ tốt, em sẽ hình dung bàn tính hiện lên trong đầu, sau đó hình dung mình sẽ dùng tay đẩy bàn tính như thế nào.
Rinne Tsujikubo hay luyện tập cùng với các anh chị giỏi tính nhẩm liên tục, để nâng cao khả năng tính nhẩm của mình.
Là một trong số những vị giám khảo của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam, ca sĩ Tóc Tiên kết luận: Từ thực tế của các thí sinh tham dự chương trình này đã chứng minh, để có được siêu trí tuệ thì 99% là do nỗ lực luyện tập, còn lại chỉ 1% là thiên bẩm.