Lãnh đạo ĐH Giao thông vận tải, Văn hoá TP.HCM "mách" cách đặt nguyện vọng

29/07/2023 06:36
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo trường ĐH dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2023 sẽ không có nhiều biến động, nhiều ngành “hot” giữ nguyên tỉ lệ chọi như năm ngoái.

Đến nay, các cơ sở giáo dục đã công bố ngưỡng điểm sàn xét tuyển đại học chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Đây là cơ sở quan trọng để các thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ nay đến ngày 30/7.

Dự báo điểm chuẩn đại học năm 2023 không có nhiều biến động

Nhận định về điểm chuẩn đại học năm 2023, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng:

“Nhìn chung phổ điểm năm nay sẽ không có quá nhiều thay đổi so với các năm trước. Tất nhiên điểm chuẩn cuối cùng phụ thuộc vào chỉ tiêu nguyện vọng từng ngành, số lượng người đăng ký và mức điểm đăng ký”.

Trường Đại học Giao thông vận tải tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Giao thông vận tải tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: website nhà trường

Theo thầy Chương, điểm sàn xét tuyển đại học chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Giao thông vận tải dao động từ 17 - 22 điểm, các tổ hợp A00, A01, D01, D07, D03, B00.

Các ngành có điểm sàn 22 gồm logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kỹ thuật ô tô, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ thông tin (chất lượng cao).

Các ngành có điểm sàn thấp nhất (17 điểm) là các ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, kỹ thuật xây dựng công trình thủy,...

Đặc biệt lưu ý với thí sinh cần ưu tiên nguyện vọng xét tuyển sớm, vị lãnh đạo chia sẻ:

“Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp và kết quả xét tuyển sớm. Nếu các em đã trúng tuyển sớm vào trường thì nên ưu tiên đặt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 cho điểm thi tốt nghiệp. Ngược lại, nếu chưa có kết quả trúng tuyển sớm thì thí sinh cần cân nhắc lựa chọn đặt các ngành phù hợp với nguyện vọng có tỷ lệ đỗ cao ở nguyện vọng 1, 2”.

Tương tự, Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định điểm chuẩn đại học theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ không có quá nhiều biến động so với năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học văn hóa thành phố Hồ Chí Minh nhận định, mặt bằng chung năm nay về cơ bản không có quá nhiều khác biệt so với năm ngoái cả về số lượng hồ sơ đăng ký, điểm sàn, hay tỉ lệ chọi ở một số ngành “hot” của trường.

Thông tin thêm, vị lãnh đạo cho biết hiện ghi nhận số lượng hồ sơ các nguyện vọng đăng kí vào trường khá tốt, đặc biệt số lượng nguyện vọng 1 - đây là một tín hiệu khả quan cho mùa tuyển sinh năm 2023 của nhà trường.

“Với một số ngành nhiều năm dẫn đầu, năm nay số lượng hồ sơ vẫn đang tăng lên, thậm chí vượt mức. Một vài chuyên ngành cũng đã bắt đầu chứng tỏ sức hút đối với xã hội khi hồ sơ đang tăng đều qua các năm”, thầy Khoa chia sẻ.

Trường Đại học văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2023 là 15 điểm/3 môn cho tất cả các ngành.

Theo thầy Khoa, với thế mạnh đào tạo lĩnh vực văn hóa, thông tin, sự kiện, trong những năm qua, các ngành/chuyên ngành về du lịch, truyền thông văn hóa và quản lý văn hóa của trường luôn dẫn đầu về tỷ lệ chọi và điểm chuẩn trúng tuyển. Năm 2022, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành/chuyên ngành này dao động từ 18-26 điểm.

Để tránh tỉ lệ ảo, trường đại học tính toán gọi dôi dư hơn so với chỉ tiêu

Được biết, năm nay, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển khoảng gần 1000 chỉ tiêu cho 8 ngành: Thông tin - Thư viện, Bảo tàng học, Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kinh doanh xuất bản phẩm, Quản lý văn hóa, Văn hóa học và ngành Văn hóa Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh năm 2023, thầy Khoa cho biết đến nay mọi hoạt động đang diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch.

“Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện tất cả quy trình tuyển sinh trên môi trường số, do vậy khó tránh khỏi sự lúng túng, bị động với những khó khăn ban đầu.

Tuy nhiên, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và hướng dẫn từ sớm về công tác tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực hiện từ những năm qua, do vậy đến nay mọi công tác tuyển sinh đang được tiến hành rất thuận lợi”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Bàn về tỉ lệ ảo trong tuyển sinh, thầy Trịnh Đăng Khoa thừa nhận, tỉ lệ ảo thực sự là “cuộc cân não” với các trường. Vì nếu gọi vượt quá 3% chỉ tiêu, trường sẽ bị Bộ Giáo dục và Đào tạo tuýt còi, ngược lại, nếu tuyển sinh không đạt 80% thì năm tới các trường cũng sẽ không được tăng chỉ tiêu khi tuyển sinh.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh, vị Phó hiệu trưởng chia sẻ cách làm của nhà trường: “Trong quá trình gọi trúng tuyển, chúng tôi thường gọi nhiều hơn số lượng chỉ tiêu khoảng 20% để trừ vào số thí sinh ảo sau này. Tuy nhiên đây không phải là mức chung áp dụng cho tất cả các ngành; Thay vào đó, từng ngành sẽ có mức độ khác nhau như có ngành gọi đủ, có ngành gọi dư, trong đó đảm bảo cân đối để không vượt chỉ tiêu theo quy định”.

Dành lời khuyên cho các thí sinh đang trong quá trình đăng kí nguyện vọng, thầy Trịnh Đăng Khoa chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là thí sinh cần xác định mình sẽ học ngành gì, và trong ngành đó có những chuyên ngành nào? Thí sinh có thể dành các nguyện vọng để đăng kí các chuyên ngành trong cùng một mã ngành, như vậy tỷ lệ đỗ chắc chắn sẽ cao hơn”.

Doãn Nhàn