Ngân hàng đề thi chung sẽ dẹp dạy thêm, học thêm tiêu cực

14/05/2025 08:39
Trần Trang

GDVN - Lãnh đạo các trường phổ thông cho rằng hạ tầng công nghệ không đồng bộ là một trong những rào cản của ngân hàng đề thi chung.

Gần đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh từ bạn đọc về đề kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn tại Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có nội dung giống với tài liệu ôn tập. Thông tin này khiến dư luận không khỏi băn khoăn và bức xúc.

Một lần nữa, vấn đề công bằng và minh bạch trong thi cử lại trở thành tâm điểm dư luận, đặt ra yêu cầu cấp thiết về một ngân hàng đề thi chung nhằm ngăn chặn tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Ngân hàng đề thi chung tạo áp lực tích cực cho học sinh và giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Thành Thiện – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) cho rằng, việc xây dựng ngân hàng đề thi chung không chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật mà còn mang tầm chiến lược trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

img-9640-9101-3496.jpg
Thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (Cần Thơ). Ảnh: Website nhà trường.

Theo thầy Thiện, điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế các tiêu cực từ tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Khi có một ngân hàng đề thi chung, giáo viên sẽ không còn điều kiện để “mớm đề” hay tiết lộ đề thi, từ đó tạo áp lực tích cực để họ tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa.

Bên cạnh đó, thay vì chạy theo các lớp học thêm với mục tiêu “luyện trúng tủ”, học sinh sẽ phải rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu để ứng phó với đề thi đa dạng và có tính phân loại cao. Một đề thi chung được xây dựng dựa trên ngân hàng đề phong phú, bao quát toàn bộ chương trình học sẽ giúp đánh giá năng lực học sinh một cách công bằng, khách quan, không thiên lệch.

Ngoài ra, thầy Thiện còn cho rằng, nếu ngân hàng đề thi được tổ chức từ cấp quốc gia, ngành giáo dục sẽ có cơ hội huy động sự tham gia của các thầy cô giỏi và các chuyên gia đầu ngành, từ đó đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và chất lượng của đề thi. Đây cũng là cơ hội để tạo ra sự đồng bộ trong công tác ra đề, giảm thiểu sự chênh lệch về độ khó giữa các địa phương, qua đó mang lại sự công bằng cho học sinh trên cả nước.

Cùng bàn luận về chủ đề trên, Tiến sĩ Phạm Kim Thư – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội) cũng khẳng định rằng, việc xây dựng một kho đề thi chung là một đề xuất hoàn toàn khả thi và đáng được khuyến khích triển khai rộng rãi.

Theo thầy Thư, một ngân hàng đề thi được xây dựng bởi đội ngũ chuyên môn uy tín sẽ giúp chuẩn hóa việc đánh giá năng lực học sinh, đảm bảo tính khách quan, công bằng trong kiểm tra, thi cử.

Khi đề thi được chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng đề phong phú, khả năng học sinh “trúng tủ” sẽ giảm đáng kể, đồng thời hiện tượng tiết lộ đề trong các lớp học thêm cũng sẽ không còn đất tồn tại. Thầy Thư cho rằng, điều này không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn giúp giáo viên thoát khỏi tình trạng dạy học đối phó, thay vào đó là tập trung vào việc bồi dưỡng năng lực thực chất cho học sinh.

“Tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và minh bạch là mục tiêu quan trọng mà ngành giáo dục đang hướng đến. Và ngân hàng đề thi chung sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực để thực hiện mục tiêu này,” Tiến sĩ Phạm Kim Thư nhấn mạnh.

Như vậy, việc xây dựng ngân hàng đề thi chung không chỉ là giải pháp nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác ra đề thi mà còn là cách để nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời góp phần định hướng lại mục tiêu giáo dục trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

z6595499780232-18bd70ebe36a59dade0a846a33d8cd2b.jpg
Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế. Ảnh: NVCC.

Xây dựng ngân hàng đề thi: Vì sao vẫn còn gặp khó?

Dù được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tính công bằng và khách quan trong kiểm tra, đánh giá học sinh, việc xây dựng ngân hàng đề thi chung vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai. Những khó khăn này không chỉ xuất phát từ yếu tố công nghệ mà còn liên quan đến năng lực giáo viên và thói quen dạy học truyền thống.

Thầy Đỗ Thành Thiện đã chỉ ra một số rào cản lớn đang cản trở quá trình áp dụng ngân hàng đề thi chung. Sự chênh lệch về năng lực giáo viên giữa các vùng miền cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Mặc dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã nhấn mạnh đến việc đổi mới phương pháp đánh giá học sinh, nhưng thực tế, nhiều giáo viên vẫn chưa được tập huấn đầy đủ về kỹ năng xây dựng và triển khai đề thi theo hướng phát triển năng lực.

Ngoài ra, tư duy dạy học truyền thống cũng là rào cản lớn đối với việc xây dựng ngân hàng đề thi chung. Sự thay đổi này đòi hỏi sự đồng thuận và thích nghi từ cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh – những đối tượng đã quen với cách thức kiểm tra, đánh giá truyền thống.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Kim Thư cho rằng, việc chưa thể triển khai ngân hàng đề thi rộng rãi một phần do những khó khăn khách quan. Một trong những thách thức lớn là hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo tính kết nối đồng bộ.

Về vấn đề nhân sự, để xây dựng được ngân hàng đề thi chất lượng, cần huy động một đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm, bao gồm các chuyên gia giáo dục, giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông có kỹ năng xây dựng đề thi theo hướng phát triển năng lực học sinh. Việc đảm bảo tính đa dạng và phân hóa của đề thi không chỉ đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong khâu biên soạn mà còn cần quy trình phản biện, kiểm duyệt nghiêm ngặt để tránh trùng lặp, thiên lệch. Đặc biệt, đề thi cần được xây dựng ở nhiều cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với đặc thù từng vùng miền nhưng vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra chung.

Để đảm bảo sự thành công của ngân hàng đề thi chung, thầy Thư đề xuất thành lập hội đồng đề thi quốc gia bao gồm các chuyên gia giáo dục uy tín. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm định và cập nhật đề thi định kỳ, đảm bảo sự thống nhất và tính khoa học.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một nền tảng trực tuyến an toàn, thân thiện để giáo viên và học sinh có thể truy cập, luyện tập và thi thử cũng là giải pháp cấp thiết. Nền tảng này cần tích hợp công cụ phân tích dữ liệu, từ đó giúp nhà trường và giáo viên nhận diện điểm mạnh - yếu của học sinh để có biện pháp điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp.

Theo thầy Thư, để ngân hàng đề thi chung thực sự phát huy hiệu quả, ngành giáo dục cần chú trọng công tác tập huấn cho giáo viên về cách thức sử dụng kho đề và hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức đánh giá mới một cách tự nhiên, không áp lực.

Cần đa dạng hình thức thi cử để ngăn chặn tiêu cực dạy thêm, học thêm

Trước thực trạng tiêu cực, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, cội nguồn sâu xa của vấn đề là tâm lý bệnh thành tích, “học để thi” vốn đã ăn sâu vào văn hóa người Việt.

Chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tập trung vào các kỳ thi truyền thống không chỉ làm gia tăng tình trạng học lệch mà còn thúc đẩy tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan bất chấp những quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

Theo cô Hương, giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục vấn đề này là đa dạng hóa các hình thức thi cử trên lớp, đặc biệt là nên áp dụng hình thức kiểm tra vấn đáp.

"Trước đây, chúng ta chủ yếu thi viết, trong khi các kỳ thi vấn đáp gần như bị lãng quên. Thực tế, thi nói luôn được đánh giá là phương pháp kiểm tra kiến thức thực chất hơn so với thi viết.

Khi một thí sinh có thể diễn đạt kiến thức bằng lời nói, đó chính là bằng chứng rõ ràng cho việc kiến thức đã được thẩm thấu và thực sự nắm vững. Trong khi đó, bài thi viết có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoại vi như học thuộc lòng hay sao chép.

Thi vấn đáp cũng khiến việc che giấu sự thiếu hiểu biết trở nên gần như bất khả thi. Theo kinh nghiệm giảng dạy thực tế của tôi, nhiều học trò có thể đạt điểm cao bằng cách học thuộc lòng, nhưng khi phải đối mặt với kỳ thi vấn đáp, rất nhiều em tỏ ra lúng túng, bối rối. Bằng cách xoay một câu hỏi nhỏ, giáo viên có thể nhanh chóng nhận ra liệu thí sinh có thực sự hiểu bài hay không” – cô Hương cho hay.

Việc đa dạng hóa các hình thức thi cử không chỉ là giải pháp cho “bệnh thành tích” mà còn là cách giúp các kỳ thi trở thành thước đo thực sự về năng lực của học sinh. Khi đó, thay vì “chạy đua” vì điểm số, học sinh sẽ tập trung vào việc học thật, thi thật và đạt được những giá trị kiến thức bền vững hơn.

Trần Trang