Lấy ý kiến về quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

28/04/2022 06:37
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, vị trí của nhà giáo được khẳng định là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục và được nhà nước tôn vinh.

Ngày 27/4, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định Quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú do bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Tham dự hội thảo về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có ông Trịnh Xuân Hiếu – Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng cùng đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh, thành phố.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển giáo dục - đào tạo.

Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia của thành phố luôn đạt kết quả cao và đứng trong tốp đầu của cả nước. Hải Phòng cũng là địa phương duy nhất trên cả nước 24 năm có học sinh đoạt giải quốc tế.

Thành phố đã có nhiều chính sách để phát triển Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chính sách khuyến học, khuyến tài; đầu tư cơ sở vật chất; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp; các chế độ khen thưởng cho học sinh giỏi, giáo viên giỏi…

Đặc biệt, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng;…

Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo vừa đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức.

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu (Ảnh: Phạm Linh)

Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng có 8 Nhà giáo Nhân dân, 165 Nhà giáo Ưu tú.

Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19, nhưng giáo dục và đào tạo thành phố vẫn duy trì ổn định và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2021 - 2022, Hải Phòng có 85 thí sinh đạt giải, đứng thứ hai cả nước sau Thủ đô Hà Nội.

Có 2 dự án đạt giải Ba và giải Tư trong cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Đổi mới chính sách, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội thảo: “Giáo dục đào tạo có một vị trí rất quan trọng. Các địa phương, tỉnh thành rất quan tâm đến lĩnh vực này khi đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó, đội ngũ nhà giáo giữ một ví trí rất quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Vị trí của nhà giáo được khẳng định là một nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục và được nhà nước tôn vinh.

Theo đó, đòi hỏi cần phải đổi mới chính sách, đãi ngộ và xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là một khâu then chốt!

Suốt từ năm 1986 đến năm 2020 đã trải qua 15 lần xét tặng và Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng cho 650 Nhà giáo Nhân dân và 9081 Nhà giáo Ưu tú.

Đồng thời, chúng ta đang triển khai Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ từ năm 2015 đến nay đã tổ chức được 2 đợt (năm 2017 và năm 2020) xét tặng danh hiệu vinh dự này.

Trong đó có 82 Nhà giáo Nhân dân và 1665 Nhà giáo Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Đây thể hiện sự chăm lo, quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục nói riêng và đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.

Tuy nhiên, qua hai đợt xét tặng gần nhất, chúng ta thấy rằng Nghị định số 27 cũng bộc lộ một số vấn đề hạn chế, tồn tại.

Luật Thi đua – Khen thưởng đang được sửa đổi và đến tháng 6 năm 2022 sẽ được thông qua. Để có một Nghị định mới phù hợp, hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quyết tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung.

Quá trình soạn thảo, tuy tổ biên tập đã xin ý kiến các chuyên gia, tổ chức các cuộc toạ đàm, trao đổi, dành nhiều công sức nhưng không thể có góc nhìn đầy đủ, toàn diện được hết nên trong hội thảo này đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh, thành có đóng góp, góc nhìn khác nhau sao cho dự thảo khả thi, đạt kết quả tốt nhất”.

Trong phần chính của hội thảo, Nguyễn Thị Hạnh – Phó vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng đã báo cáo nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Dự kiến Nghị định có 5 chương, 21 điều. Trong đó có nhiều vấn đề sửa đổi, bổ sung, thay thế cần xin ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu tham dự hội thảo.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế (Ảnh: Phạm Linh)

Sau khi lắng nghe phần báo cáo, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất liên quan đến một số vấn đề như: điều kiện, cách tính thành tích và tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với cán bộ quản lý; cách tính thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng; bổ sung biên soạn tài liệu;…

Đặc biệt, các đại biểu bày tỏ mong muốn sớm có Nghị định thay thế để các tỉnh, thành phố thuận lợi trong công tác khen thưởng.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Hi vọng rằng Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú sẽ không phải là dễ quá nhưng nó cũng không phải là chặt chẽ quá như thời gian vừa qua. Chặt chẽ là cần thiết nhưng cần đúng theo từng nhóm đối tượng”.

Phạm Linh