Hội Xuân trở thành chợ buôn, nơi cướp lộc
Đầu Xuân trẩy hội là nét đẹp văn hóa của người Việt có từ hàng nghìn năm nay.
Lễ hội truyền thống được tổ chức xuyên suốt đã chứng tỏ tính cố kết của cộng đồng, và là minh chứng cho nét đẹp văn hoá ngàn đời của ông cha ta.
Theo thống kê, Việt Nam có đến 9.000 lễ hội trong một năm, tuy nhiên đa số chỉ tập chung vào 3 tháng đầu năm Âm Lịch.
Tuy nhiều lễ hội nhưng ở Việt Nam, mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới nhân vật linh thiêng cần được suy tôn. Đó là những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế...
Với tư tưởng "uống nước nhớ nguồn"; "ăn quả nhớ người trồng cây", ngày hội trở thành cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình.
Đầu xuân không thiếu cảnh chen lấn, cướp giật ở các lễ hội. (Ảnh tổng hợp từ TTXVN, VTV) |
Đặc biệt, lễ hội ở nước ta gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân.
Nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đời sống, nhiều lễ đang bị biến tướng và thương mại hoá, trở thành nơi buôn bán, ban phát sản phẩm của nhà đền... làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có.
Chưa kể họ còn biến tấu làm sai ý nghĩa của phong tục như việc đóng dấu bán ấn Đền Trần (Nam Định, Thái Bình) hay chuyện ban lộc của Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), xoa tiền trên chuông Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), tượng Phật La Hán chùa Bái Đính (Ninh Bình)…
Cảnh ngàn người ném tiền vào tượng thánh ở Đền Trần hay đè nhau cướp phết (Hiền Quan), cướp manh chiếu (hội Đúc Bụt)... khiến cho lễ hội đọng lại với quá nhiều sự phản cảm.
Đã có những phân loại, phân cấp: lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp huyện và lễ hội cấp làng… nhưng rõ ràng hiện tại ranh giới quốc gia- tình thành- huyện- làng xã cũng rất mong manh. Vì ở đâu có lễ hội là mọi người đều có quyền tham gia, chẳng cần phân biệt cấp nào, cứ thích là đi.
Nhưng để lễ hội chỉ được diễn ra trong phạm vi hẹp làng xã thì lại không hài lòng thỏa mãn cái tính thích phô trương danh tiếng, thanh thế của lễ hội làng mình với tứ phương. Lại thêm tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, chẳng ai thích trò “áo gấm đi đêm”, nên cứ phải “hoành tráng”, náo nhiệt mới tỏ cái “linh” của lễ hội làng mình.
Vạn người xin ấn, nghìn người dâng sao, ít người đến hội thề |
Nói về việc lễ hội bị thương mại hóa, bày tỏ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng, lễ hội truyền thống của Việt Nam đang có nhiều chuyển biến cùng với nhịp sống đương đại.
Tuy nhiên, chúng ta phải ứng xử với lễ hội truyền thống như thế nào cho phù hợp với nhịp sống đương đại.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy cho rằng đây là việc quan trọng: “Nhiều lễ hội, các hoạt động tính ngưỡng gắn liền với lễ hội của chúng ta hiện nay nhiều khi bị thay đổi, biến tướng.
Vấn đề của chúng ta là làm thế nào tổ chức các lễ hội cho tốt, đúng với các niềm tin, tín ngưỡng của lễ hội.
Thực tế mà nói, lễ hội truyền thống của chúng ta đều có tính đặc trưng của làng xã. Rất nhiều giá trị được lưu giữ trong hội làng, các lễ hội giữ được tính cộng đồng làng xã, giữ được tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Những giá trị ấy đã từng phát huy rất tốt mà không cần phải đông.
Lễ hội Minh Thề không đông khách và thực tế cũng không cần đông nhưng giá trị của lễ hội vẫn được đề cao và lưu giữ xuyên suốt qua chặng đường của lịch sử.
Các giá trị của lễ hội phải là thật sự có ích cho cộng đồng, có ích cho bà con trong làng quê đó”.
Trả Hội về cho làng
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy đánh giá, hiện nay, có một số lễ hội đang quan niệm nhầm định hướng, phô trương và tìm cách để kéo được du khách ở các nơi vềđịnh hướng cho lễ hội phục vụ cho cộng đồng thì chúng ta mới quản lý được.
Những lễ hội như vậy mới phát huy được tính giáo dục con cháu, gìn giữ những giá trị của tổ tiên, cha ông để lại trong lễ hội truyền thống được.
Không cần thiết phải đông, hay càng đông như Đền Trần thì sẽ khó trong công tác quản lý. Đừng để các lễ hội đó mất thiêng. Tính thiêng liêng của các lễ hội chúng ta phải giữ.
Chúng ta ví dụ như lễ hội của làng Ném Thượng, Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng ở Bắc Ninh. Lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng làng (là sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hoặc tướng quân Đoàn Thượng - PV)đã chém lợn để nuôi quân đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Lễ hội đó nằm trong khuôn khổ của làng Ném Thượng, các nghi thức cầu may, may mắn là ước vọng của nhân dân trong làng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, hội làng hãy trả về cho hội làng, đừng thương mại hóa gắn với du lịch ở một số lễ hội. (Ảnh: Lại Cường) |
Lễ hội đó được gọi là lễ hội làng Ném Thượng, chúng ta đừng gọi nó là lễ hội chém lợn Ném Thượng.
Tự nhiên chúng ta đưa ra khái niệm lễ hội chém lợn khiến lễ hội truyền thống của làng bị kỳ thị và không hay.
Việc bà con mổ lợn, giết lợn để tế lễ đó là câu chuyện bình thường cũng giống như ở lễ hội Minh Thề ở Hải Phòng, dân làng cũng trích huyết gà để hòa với rượu để thề.
Những hình ảnh như vậy nếu lan truyền rộng sẽ gặp rất nhiều ý kiến khác nhau. Những ý kiến của những người nơi khác sẽ không hiểu văn hóa của làng, xã đó rồi lên tiếng phản đối, rồi lại đi cấm nhau”.
“Những việc làm như vậy nó xuất hiện ở một cộng đồng rất nhỏ và theo những dịp trọng đại của cộng đồng đó và với niềm tin tốt đẹp đến với họ.
Với niềm tin như thế chúng ta lên duy trì và ủng hộ, không lên tuyên truyền nó quá mức rồi gắn liền du lịch vào với những lễ hội đó.
Hãy cứ giữ niềm tin đó trong cộng đồng như vậy sẽ rất là tốt. Đừng hoang truyền nó lên để rồi những người không trực tiếp thụ cảm về văn hóa đó lại lên tiếng phê phán bằng cách nhìn của người ngoài.
Các lễ hội nông thôn, lễ hội của làng quê cần giữ gìn trong khuôn khổ đó, đừng mở rộng ra thì nó mới giữ được chất thiêng của lễ hội”, Phó Giáo sư Huy cho biết.
Có lẽ đến lúc các nhà quản lý văn hóa cần có những biện pháp để trả những lễ hội về đúng chỗ của nó, không nên khuếch trương, mở rộng hay nâng cấp ào ạt.
Lễ hội mà bị thương mại hoá, trở thành nơi tranh đoạt thì chỉ tạo ra sự lộn xộn, phản cảm mà thôi.