“Học chữ với mình khó khăn lắm, nhưng phải cố gắng để cuộc sống đỡ khổ cực hơn"

29/04/2023 06:42
Trần Phương - Ngọc Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học được cái chữ, cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ ở Ba Tầng sẽ được cải thiện, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.

Biên cương Ba Tầng, những ngày đầu hè nóng bức, gió Lào khô khốc, trời về xế chiều vẫn nóng như đổ lửa nhưng hơn 20 học viên ở thôn Vầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã có mặt từ sớm để đón một sự kiện đặc biệt.

Họ đi khai giảng lớp học xóa mù, sau ngày khai giảng hôm nay, họ sẽ bắt đầu một hành trình mới, đi học "cái chữ".

Vượt qua mặc cảm không biết chữ, chị Y May (sinh năm 1977) đã mạnh dạn theo học lớp xóa mù với mong muốn sau này còn biết chữ, đọc và tìm hiểu được thông tin sản xuất, để cuộc sống của mình khá hơn.

“Học chữ với mình khó khăn lắm, nhưng phải cố gắng vì biết đọc, biết viết thì biết được nhiều cái hay hơn, cuộc sống đỡ khổ cực hơn”, chị Y May chia sẻ.

Còn em Hồ Thị Ngoan (sinh năm 2002) trước kia cũng được đi học, sau rồi cuộc sống nghèo khó khiến Ngoan phải bỏ dở việc học giữa chừng. Nhiều năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cái chữ theo Ngoan đi "trốn" trong rừng lúc nào không hay, Ngoan đã quên hoàn toàn mặt chữ.

Được sự vận động của các cấp chính quyền xã Ba Tầng, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa, Ngoan cũng đã mạnh dạn gạt bỏ những tự ti, mặc cảm của mình để quyết tìm lại cái chữ đã bỏ quên.

Từ rẫy về lúc chiều muộn, ai cũng tranh thủ sắp xếp việc nhà, hồ hởi gọi nhau đến lớp học dự khai giảng. Có người muốn biết chữ để ra Khe Sanh bán hàng, có người muốn biết chữ để đi làm công nhân... mọi ước mơ, mọi mong muốn thay đổi sẽ bắt đầu bằng việc biết con chữ, biết tính toán đơn giản...

Ba Tầng là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa 50 km về phía Nam, chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều sinh sống.

Với mục tiêu giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ba Tầng, căn cứ kết quả điều tra lại tỉ lệ phổ cập giáo dục tháng 3/2023; đồng thời căn cứ theo nhu cầu học lớp xóa mù chữ của bà con nhân dân, ngày 20/4/2023 tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ xã Ba Tầng tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ năm 2023.

Cô giáo Phạm Thanh Nga - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa (thứ 6 từ phải qua) cùng Thiếu tá Hồ Văn Hai, Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ba Tầng và lãnh đạo địa phương trao đồ dùng học tập cho các học viên lớp xóa mù. Ảnh: Ngọc Hiển

Cô giáo Phạm Thanh Nga - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa (thứ 6 từ phải qua) cùng Thiếu tá Hồ Văn Hai, Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ba Tầng và lãnh đạo địa phương trao đồ dùng học tập cho các học viên lớp xóa mù. Ảnh: Ngọc Hiển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lớp học xóa mù chữ vừa được khai giảng, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết: “Lớp học xóa mù tháng 4/2023 rất đặc biệt với 20 học viên, trong đó chỉ có 3 học viên nam còn lại 17 học viên là nữ.

Các học viên là những người chưa từng đi học hoặc đã đi học nhưng nghỉ giữa chừng do điều kiện hoàn cảnh, nay tái mù, chủ yếu là người Vân Kiều.

Trong đó người lớn tuổi nhất sinh năm 1977 và người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2002.

Tuy vậy, các học viên đều rất hào hứng và quyết tâm tham gia lớp xóa mù lần này. Mỗi học viên đều mang theo những tâm tư, nguyện vọng khác nhau. Theo yêu cầu, lớp học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ sẽ giúp học viên trang bị các kỹ năng cơ bản về: Nghe, nói, đọc, viết chữ Quốc ngữ và làm tốt một số phép tính cơ bản.

Thấy được ý nghĩa của lớp học, các học viên đều hào hứng tham gia.

Các học viên đều quyết tâm tìm lấy "cái chữ" để thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Hiển

Các học viên đều quyết tâm tìm lấy "cái chữ" để thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Hiển

Cùng với đó, ngoài việc dạy xóa mù, lớp học còn lồng ghép những nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo”.

Thầy giáo Vũ Bằng Giao – Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng cho biết, việc mở lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ không chỉ là câu chuyện của ngành giáo dục mà còn cần sự chung tay của các cấp, các ngành tại địa phương

Tổ chức các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng năm nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ba Tầng, cũng là việc làm tăng cường gắn bó tình đoàn kết quân dân trên địa bàn tuyến biên giới phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Lớp học tổ chức tại thôn Măng Soong do Thiếu tá Hồ Văn Hai - Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ba Tầng; bà Hồ Thị Meng- Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã cùng các thầy giáo: Nguyễn Hữu Trực, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Ba - Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng trực tiếp tham gia giảng dạy.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa động viên các học viên lớp xóa mù. Ảnh: Ngọc Hiển

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa động viên các học viên lớp xóa mù. Ảnh: Ngọc Hiển

Nhắc lại những lớp học xóa mù ở Ba Tầng đã được tổ chức, các thầy cô giáo cho biết, bà con người Vân Kiều tuy còn khó khăn nhưng rất ham học. Chính sự chịu khó, ham học của họ đã khiến những người thầy đặc biệt đứng lớp “xóa mù chữ, xóa tái mù chữ” như được tiếp sức trên hành trình đồng hành với phụ nữ biên cương, bà con dân bản khơi chảy suối nguồn tri thức, nâng cao dân trí, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đồng bào trên biên viễn khó khăn này.

Bà Hồ Thị Meng – Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ba Tầng cho rằng, lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ là mô hình thiết thực, giúp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn có cơ hội tiếp cận, học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết.

Cũng thông qua lớp học này, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực biên giới. Kết quả việc học sẽ giúp các học viên tự tin hơn trong cuộc sống.

Do thời gian ban ngày bà con nhân dân bận đi nương rẫy nên thời gian học tập hàng ngày được tiến hành một cách linh hoạt trên cơ sở kế hoạch đã được Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện phê duyệt.

Cũng tại buổi khai giảng lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng, các cấp các ngành cũng đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc của các học viên để có một khóa học chất lượng và đạt được nhiều thành tích cao

Trần Phương - Ngọc Hiển