Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, đợt I diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khá phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhưng, sau 2 ngày thi, kỳ thi đã kết thúc và chúng ta có thể thấy là kỳ thi đã tương đối thành công, ít có những sai sót trong quá trình diễn ra kỳ thi.
Tuy nhiên, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi có một nữ thí sinh ở trường Trung học phổ thông Lệ Thủy - Quảng Bình đã dùng điện thoại để chụp đề thi môn Toán và gửi ra ngoài, rồi người nhà đưa đề thi lên mạng xã hội nhờ mọi người giải hộ khiến nhiều người băn khoăn, nghĩ suy…
Chiều ngày 8/7, trước giờ thi môn Ngoại ngữ thì thí sinh này đã bị đình chỉ thi.
Việc thí sinh này bị đình chỉ thi trước giờ thi môn Ngoại ngữ cho thấy sự nhanh chóng vào cuộc của cơ quan chức năng ở Quảng Bình nhưng cũng cho thấy việc tổ chức kỳ thi chung như thế này vẫn chưa khiến dư luận xã hội thực sự yên tâm.
Đề thi được gửi lên mạng xã hội nhờ giải hộ |
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình và lãnh đạo Bộ trong cuộc họp báo sau kỳ thi thì chúng ta thấy việc một thí sinh ở Hội đồng thi trường Trung học phổ thông Lệ Thủy đã đem điện thoại vào phòng thi rồi dùng điện thoại chụp đề thi để gửi ra ngoài.
Nhưng, làm sao lại có chuyện này, trong khi quy chế thi đã ban hành từ nhiều năm qua là cấm mang điện thoại vào phòng thi?
Một thí sinh lớp 12 đã trải qua nhiều kỳ thi, kiểm tra tập trung, đã được sinh hoạt quy chế thi trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông mà lại mắc lỗi sơ đẳng như vậy? Có lẽ đây không phải là bột phát mà là một chủ ý đã được lên kịch bản từ trước của thí sinh này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao trong phòng thi mà thí sinh này có thể chụp được đề thi và kèm thêm một số thao tác để gửi ra bên ngoài được?
Bởi, phòng thi tối đa chỉ được phép bố trí có 24 thí sinh nên “mật độ” trong phòng thi không quá cao để 2 giám thị không quan sát được hành động của từng thí sinh cầm điện thoại lên chụp đề thi một cách ngay ngắn như vậy.
Nhìn vào tấm ảnh đề thi, chúng ta dễ dàng nhận thấy là đề thi đang được để trên bàn thi chứ không phải để ở dưới hộc bàn hay ghế ngồi của thí sinh.
Hơn nữa, điện thoại chụp được toàn bộ tờ đề thi lớn và sắc nét như vậy thì chắc chắn chiếc điện thoại này không hề nhỏ để 2 giám thị trong phòng không thấy. Trong khi, theo quy chế thi thì một giám thị ngồi ở trên nhìn xuống, một giám thị ngồi ở dưới nhìn lên.
Vậy tại sao nữ thí sinh này đã làm được và qua mắt được các giám thị coi thi một cách dễ dàng đến vậy?
Việc tổ chức kỳ thi chung và lấy kết quả này làm kết quả xét tuyển đại học trong năm nay và cả những năm qua vẫn khiến cho nhiều người chưa thực sự yên tâm.
Vì thế, dư luận cũng nhiều lần đặt câu hỏi, băn khoăn về tính trung thực về chất lượng coi thi, chấm thi, nhất là đối với môn tự luận ở một số địa phương. Bởi, bên cạnh những địa phương, những hội đồng thi làm chặt chẽ, nghiêm túc thì rất có thể vẫn có những địa phương, những hội đồng thi chưa làm tốt các khâu này.
Vì thế, một vài năm gần đây thì có những hiện tượng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của một số địa phương cao một cách bất thường, nhất là đối với môn môn Ngữ văn. Việc dư luận đặt câu hỏi về chất lượng coi thi, chấm thi kỳ thi Trung học phổ thông cũng là điều dễ hiểu.
Bởi, tỉ lệ điểm thi cao không chỉ khẳng định "vị thế" của các nhà trường và các địa phương mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các thí sinh khi tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng sau này.
Nơi làm nghiêm túc, đúng quy chế thì điểm thi đúng, nơi làm chưa nghiêm túc, chưa đúng thì điểm thi sẽ cao hơn và tất nhiên là khi xét tuyển đại học, cao đẳng thì các trường sẽ căn cứ vào điểm thi và xét từ trên xuống. Những thí sinh được điểm cao tất nhiên sẽ được xét tuyển trước…
Hy vọng, từ sự việc nữ thí sinh ở trường Trung học phổ thông Lệ Thủy- Quảng Bình sẽ được Bộ và các địa phương rút ra bài học trong chỉ đạo và tổ chức kỳ thi đợt II và những năm sau này.
Chúng ta đều biết, khâu coi thi rất quan trọng, nó còn quan trọng hơn cả khâu chấm thi sau này. Vì thế, các hội đồng thi, giám thị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước ngành, trước xã hội để tránh tình trạng nơi làm chặt chẽ, nghiêm túc, nơi lại làm chưa tốt…
Mọi gian dối sẽ bị xử lý, việc thí sinh bị đình chỉ thi tất nhiên là ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của thí sinh này. Đồng thời, 2 thầy cô coi thi môn Toán trong phòng thi của thí sinh này chắc chắn bị liên lụy, thậm chí sẽ bị kỷ luật nặng khi mà các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ sự việc.
Đây rõ ràng là một sự cố, một bài học đáng tiếc cho nhiều người, nhiều đơn vị.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.