Từ ngày về với chân núi Ka Đay cô giáo Hoàng Thị Hương (sinh năm 1975, trú tại xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) chưa một lần bỏ lớp.
Dù mưa “úng đất” hay nắng “nẻ trời” tiếng ê a của học trò và tiếng giảng bài qua từng câu hát của những đứa trẻ dân tộc Chứt ở vùng này chưa một ngày bị ngắt quãng.
Con đường gieo chữ ở bàn Rào Tre này còn rất nhiều chông gai, thử thách nhưng ít ai hiểu hết…
Không cô Hương, không đến trường
Hơn 20 năm qua (từ năm 1995), sáng nào cũng vậy, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, núi đồi còn giăng đầy sương sớm, cô Hương đã phải tất bật đến trường nấu cháo, chuẩn bị mọi thứ trước khi đón học sinh.
Đúng 6h30, cô Hương men theo đường rừng, đánh xe đến gõ cửa từng nhà học sinh trong bản, gọi các em dậy, vệ sinh cá nhân, chở các em đến trường, trưa lại đưa về, buổi chiều lặp lại như thế.
Ngày hàng chục lượt đưa đi, đón về, con đường đến lớp của cô và trò ở bản Rào Tre vì thế mà càng dài lê thê.
Nói là lớp học nhưng thực chất đây là 1 lớp ghép gồm các cháu dân tộc Chứt từ 2 - 4 tuổi và học ngay tại Hội quán bản Rào Tre.
Qua 20 năm làm nghề “ươm mầm trẻ thơ” trong số đó hơn một nửa tuổi thanh xuân của cô giáo gắn với bản Rào Tre.
Với các em học sinh người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre này cô Hương như là "người mẹ thứ hai" của mình.
Các con của cô giáo Hương không chỉ là những mầm non thơ trẻ mà thậm chí cả bố mẹ chúng cũng đã được chăm sóc từ bàn tay cô giáo.
Điểm trường lớp dân tộc Chức tại của Trường mầm non Hương Liên (xã Gương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) |
Nhớ lại những ngày đầu gian nan ấy, cô Hương kể chuyện mà ngỡ chỉ như ngày hôm qua:
"Lúc ấy, cầu tràn Rào Say bắc qua sông Ngàn Sâu vẫn chưa được xây dựng, mùa mưa lũ, có những hôm nước ngập đến lưng quần nhưng vẫn phải băng rào qua sông để đến lớp rất nguy hiểm.
Có đợt mua lũ, đưa trẻ qua sông tôi suýt bị nước lũ cuốn theo. Còn việc đi dạy phải đưa 2 quần đi theo để thay kẻo mặc đồ ướt là chuyện bình thường".
Thế nhưng, với cô giáo Hương, mưa lũ miền biên viễn này vẫn chưa phải là có khó khăn nhất mà khó khăn nhất vẫn là việc vận động học sinh ở đây đến trường,
Những năm tháng đầu tiên cuộc sống còn khó khăn, dù nỗ lực vận động từng ngày nhưng học sinh cũng như phụ huynh không màng đến việc học của con.
Cô Hương cùng các đồng chí bộ đội biên phòng “cắm bản” phải nhờ thầy mo Ku Púp - người có uy tín nhất trong bản cùng đi đến từng nhà để vận động phụ huynh cho các cháu đến trường.
Nhờ tiếng nói của người có uy tín, các lớp học dần dần được đông hơn, thế những cứ đến khoảng nghỉ giữa giờ, các con lại lũ lượt kéo nhau về nhà hoặc trốn ra bìa rừng, con suối để chơi.
Nói với phụ huynh, cô Hương chỉ nhận được cái lắc đầu: "Cô muốn hắn học thì cứ bắt hắn lên lớp đi chứ mình không biết mô…!".
Khó khăn là vậy, nhưng với lòng mến trẻ, yêu nghề, cô Hương vẫn kiên trì tìm đến từng nhà để đưa học sinh đến lớp.
Để giữ trẻ tại lớp, dù đồng lương ít ỏi nhưng cô Hương vẫn trích ra một chút để mua gạo và thực phẩm nấu bữa sáng cho các con, đồ chơi, đồ dùng học tập, trang trí lớp….
Cảnh thường ngày của cô giáo Hoàng Thị Hương, những đứa trẻ cứ bám theo cô mà lớn lên từng ngày. |
Những nỗ lực của cô giáo Hương đã được đền đáp, từ những hành động xuất phát từ tấm lòng nhà giáo, phụ huynh cũng có ý thức hơn khi đưa con đến lớp.
Đến bây giờ, nếu cô không đến tận nhà đón thì trò cũng không đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Liên cho biết: “Nhà trường mấy lần đề xuất để cô Hương chuyển công tác vì thấy cô vất vả quá. Nhưng một phần cô Hương còn muốn gắn bó với bản, một phần nhà trường từng điều động giáo viên khác về nhưng học sinh không đến trường vì họ đã quen cô Hương rồi”.
Phút xao lòng định mệnh của cô giáo mầm non cắm bản đi qua miền hạnh phúc |
Thông qua giao tiếp, học hỏi, cô Hương đã thành thuộc ngôn ngữ của người Chứt. 12 năm “cắm bản” cô đã trở thành một người con của bản Rào Tre lúc nào không hay.
Với con trẻ nơi đây, không có cô Hương cũng đồng nghĩa với việc cũng không có lớp học.
Những nỗ lực của cô Hoàng Thị Hương không chỉ để lại tình cảm sâu đậm trong đồng bào dân tộc Chứt, mà còn được ngành giáo dục ghi nhận.
Đầu năm học 2017, bản Rào Tre đón thêm cô giáo trẻ Trần Thị Thu Phương (SN 1991) về sát cánh, sẻ chia vất vả, khó khăn với cô và trò nơi đây.
Hiện tại, 2 cô phụ trách 16 cháu từ 2 - 4 tuổi, duy trì đều đặn việc trao truyền con chữ giữa chốn rừng thiêng, nước độc.
Tuổi thanh xuân với lương 20 nghìn đồng và 20 kg thóc
Công việc của cô Hương không chỉ là cô giáo đơn thuần mà con đóng rất nhiều vai trò khác nhau từ đảm bảo sĩ số học sinh, ăn sáng, y sĩ, họa sĩ….
Bởi, học sinh ở đây chủ yếu được sinh ra từ hôn nhân cận huyết nên thể trạng, sức khỏe yếu, các em hầu hết đều mắc bệnh mãn tính như viêm phổi, lao.
Khi đến nhà các em học sinh, cô Hương phải tự tay vệ sinh cá nhân cho các em.
“Thời gian đầu thì rất vất vả do các cháu không tắm rửa, người bẩn có nhiều mùi hôi, nhiều cháu còn bị ghẻ, lở…Nhất là mùa đông hầu hết các em đều mắc bệnh viêm phổi, ho lao.
Đi dạy ở đây đừng nghĩ đến chuyện son, phấn hay đi dép cao gót. Nhiều khi đón các cháu nhưng nước mũi dính đầy áo cũng phải chịu, chỉ có mình chăm lo vệ sinh cho các cháu chứ phụ huynh không để con đói đã may lắm rồi”- cô Hương tâm sự.
Đồng lương tuy ít ỏi nhưng cô Hương vẫn san sẻ để các con không bị đói. |
Không chỉ là cô giáo, mẹ hiền, cô Hương còn là người đặt tên, làm thủ tục khai sinh, hồ sơ cho những đứa trẻ người Chứt. Người Chứt ở Rào Tre không có chữ viết mà chỉ có ngôn ngữ nói.
Hành trình đến với trẻ thơ Rào Tre của cô Hoàng Thị Hương cực kỳ gian nan, khó nhọc. Năm 1995, cô được điều động về xã miền núi Hương Liên công tác theo diện “thu hút”.
Suốt từ năm 1995-2002, cô chỉ được nhận 20kg thóc của xã và 20 nghìn đồng/tháng phụ cấp từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê.
Nhưng thóc khi có khi không vì dân cấy lúa mất mùa, xã không thu được nên cô giáo cũng “nhịn” thóc theo.
Năm 2010 cô Hương hoàn thành hệ đại học mầm non nhưng hiện tại cô chỉ được tính lương theo hệ số trung cấp.
Đến nay dù thâm niên 22 năm trong nghề giáo nhưng lương và phụ cấp đứng lớp của cô chỉ chưa đầy 6,5 triệu đồng/tháng.
Xăng xe đưa đón học sinh, bỏ tiền ăn cho các cháu lớp 2 tuổi và mua đồ dùng học tập…thì số tiền lương nhận về may ra chỉ còn phân nửa.
Thế nhưng, khi được hỏi cô Hương không có nguyện vọng gì cho bản thân mà chỉ trăn trở:
“Học sinh học ở bản đã hình thành hàng chục năm nay nhưng lớp học vẫn phải chung với hội quán, không có chỗ nghỉ trưa, không có sân chơi, nếu được đầu tư xây dựng lớp học thì công tác chăm nuôi, giáo dục các cháu sẽ tốt hơn”.
Dẫu còn khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực của hai người mẹ hền, các lớp học của người dân tộc Chứt tại Hương Liên vẫn đủ đầy như bao lớp học khác. |
Buồn hơn, khi tiên phụ cấp riêng của điểm trường hai cô giáo vẫn chưa được nhận.
“Tại các trường tiểu học có lớp ghép của học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Hương Khê đã nhận được tiền phụ cấp riêng điểm trường mầm non ở bản Rào Tre thì hai cô giáo Hoàng Thị Hương và Trần Thị Thu Phương đến nay vẫn chưa được nhận nhưng không hiểu vì sao”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Bắt đầu từ 1/7/2017, tất cả giáo viên ở xã Hương Liên không được hưởng chế độ 135 – xã đặc biệt khó khăn (mỗi người giảm bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng), điều đó đồng nghĩa với việc đồng lương vốn đã eo hẹp nay càng thiệt thòi hơn. Trong khi, xã Hương Liên vẫn đang là xã khó khăn nhất của tỉnh Hà Tĩnh.
Một ước mơ nhỏ nhoi khác của cô giáo Hương chưa thực hiện được đó chính là một khu khu vực nội trú để nghỉ ngơi buổi trưa nhưng hàng chục năm nay mơ ước này vẫn chỉ là ước mơ xa xôi.