Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI thông tin, các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao thuộc đề thi tham khảo tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 xuất hiện chủ yếu ở các chuyên đề:
Cơ chế di truyền và biến dị, Quy luật di truyền, Di truyền quần thể, Di truyền học người. Hầu hết là các câu hỏi thuộc bài tập tính toán.
Chuyên đề Cơ chế di truyền và biến dị gồm các câu hỏi bài tập ở mức vận dụng, mức độ này thường liên quan đến đột biến số lượng nhiễm sắc thể, tạo giao tử trong giảm phân (khoảng 2-3 câu hỏi trong đề thi).
Đây là phần khó, dễ nhầm, học sinh không nắm vững giảm phân đã học ở lớp 10 thì sẽ không giải quyết được bài toán này.
“Nếu các em không hiểu bài toán hãy vẽ giảm phân của các nhiễm sắc thể, vì bản chất dạng bài là sự vận động của nhiễm sắc thể, không nên tự hình dung trong đầu, như vậy sẽ rất dễ dẫn tới nhầm lẫn”, thầy Đinh Đức Hiền chia sẻ.
Thầy Hiền nêu 2 ví dụ cụ thể trong đề tham khảo tốt nghiệp trung học phổ thông 2020:
Hướng dẫn: Ở câu hỏi này, học sinh phải nắm được diễn biến quá trình giảm phân để biết được tế bào đang ở giai đoạn nào, từ đó suy ra bộ nhiễm sắc thể của loài.
Cũng như nắm rõ hiện tượng giảm phân bất thường sẽ như thế nào, sự khác nhau giữa giảm phân của 1 tế bào sinh tinh và 1 tế bào sinh trứng.
Theo như hình vẽ thì đây là nhiễm sắc thể đang ở kì giữa I của giảm phân, bộ nhiễm sắc thể của loài này là 2n = 4; giáo tử bình thường sẽ có n = 2 nhiễm sắc thể.
Khi 1 tế bào sinh trứng có 1 cặp nhiễm sắc thể không phân li dẫn đến tạo ra 1 trứng thuộc 1 trong 2 loại là thừa 1 nhiễm sắc thể và thiếu 1 nhiễm sắc thể, số nhiễm sắc thể tương ứng trong trứng là 1 hoặc 3.
Khi kết hợp với tinh trùng bình thường có số nhiễm sắc thể là 2 thì hợp tử có thể có bộ nhiễm sắc thể là 3 hoặc 5, từ đó chọn đáp án B.
Nội dung Quy luật di truyền chiếm số câu hỏi lớn nhất trong đề thi (12-13 câu) và nội dung này cũng bao gồm các câu hỏi ở tất cả các cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao), từ các bài toán quy luật riêng rẽ đến tích hợp các quy luật di truyền.
Để giải quyết dạng bài tích hợp quy luật di truyền, một dạng bài vận dụng cao, các em cần thành thạo trong việc giải toán quy luật riêng rẽ, áp dụng phương pháp tách gộp phép lai, sử dụng triệt để các công thức tính nhanh như hệ thức trội lặn để xử lý câu hỏi.
Ví dụ, câu 118 đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020:
Hướng dẫn: Đây là câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao, thuộc nội dung tích hợp các quy luật di truyền. Dạng câu hỏi này thường xuyên xuất hiện trong đề thi.
Trong trường hợp này 2 bên bố mẹ đều dị hợp 3 cặp gen, đề bài hỏi về kiểu hình ở đời F1 do đó chúng ta phải nghĩ ngay đến việc sử dụng hệ thức trội lặn trong bài toán để giảm tối đa thời gian làm bài.
Nếu sử dụng phương pháp phân tích giao tử, sơ đồ lai, lập bảng như khi tự luận thì sẽ không đủ thời gian xử lý. Chúng ta giải quyết bài toán như sau:
- Ở F1 có kiểu hình lặn về 3 tính trạng (aa,bb,dd) = 0,25% = (aa,bb) × (dd) → Do cặp Dd phân li độc lập với Aa và Bb. Trong khi phép lai Dd × Dd tạo ra 1/4 DD : 2/4 Dd : 1/4 dd
Vậy ta có (aa,bb) = 1%
→ (A-,B-) = 50% + 1% = 51%
→ (A-,bb) = (aa,B-) = 25% - 1% = 24%
→ F1 có kiểu hình trội về 2 trong 3 tính trạng có tỉ lệ (có 3 trường hợp xảy ra):
(A-,B-,dd) + (A-,bb,D-) + (aa,B-,D-) = 51% × 1/4 + 24% × 3/4 + 24% × 3/4 = 48,75%
→ Đáp án D
Cũng theo thầy Hiền, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố nội dung tinh giản chương trình học kì II lớp 12, vì vậy đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Sinh sẽ tập trung vào kiến thức học kì I lớp 12 và lớp 11.
Các câu hỏi thuộc kiến thức học kì II lớp 12 chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu và thiên nhiều về lí thuyết.
Thầy Đinh Đức Hiền (ảnh nhân vật cung cấp) |
Về phần lí thuyết thường rơi vào các chuyên đề: Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở Thực vật và Động vật, Ứng dụng di truyền học vào chọn giống, Tiến hóa, Sinh thái học.
Về phần bài tập tính toán, nội dung thi chủ yếu thuộc phần Quy luật di truyền, Di truyền quần thể, Di truyền học người. Phần này đòi hỏi học sinh cần phải luyện tập nhiều để tăng khả năng phản xạ về mặt tính toán.
Đa phần học sinh thường bị mất điểm bởi 2 nguyên nhân:
Thứ nhất, đối với những câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, vì chủ quan mà các em thường mất điểm oan.
Thứ hai, do học sinh không làm được các câu hỏi khó, cụ thể là các câu vận dụng cao ở cuối đề.
Để có thể đạt được 8 điểm trở lên, thầy Đinh Đức Hiền dành lời khuyên cho học sinh như sau, đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, các em nên làm lần lượt, đặc biệt làm chắc các câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu.
Phần này chiếm tới 70% số câu hỏi và các em chỉ nên dành 10 - 15 phút để giải quyết triệt để.
Đề thi sẽ có khoảng 8 câu vận dụng và 4 câu vận dụng cao, các em sẽ cần phân bổ nhiều thời gian cho phần này.
Tuy nhiên học sinh cần chú ý, tùy theo năng lực bản thân để phân bổ thời gian làm bài hợp lý, nếu không tự tin làm bài phần thi này, các em nên tập trung làm chắc chắn các câu hỏi dễ hơn.
“Lý thuyết Sinh học đôi khi trừu tượng và học sinh khi đi thi dễ mắc bẫy ở câu chữ. Các em cần phải đặc biệt chú ý đến các từ ngữ như:
Tất cả, có thể, không thể, mọi, chỉ… trong các đáp án và phải xem ý khẳng định đó đang nói đến nội dung nào, trong phạm vi nào, trường hợp ngoại lệ có không.
Về kiến thức, các em cần ôn luyện lại theo từng chuyên đề từ lý thuyết đến bài tập, theo từng dạng bài kết hợp với luyện đề, tự tổng hợp lại theo sơ đồ tư duy, so sánh kiến thức, phân tích ví dụ, xem hình vẽ trong sách giáo khoa”, thầy Hiền nói.
Điều quan trọng cuối cùng chính là các em cần tập trung, kiên trì, có kế hoạch học tập khoa học kết hợp với nghỉ ngơi, tránh trường hợp đến ngày thi không đủ sức khỏe để làm bài.