"Mình cũng chỉ là thằng hèn"

27/06/2019 06:57
Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Ngòi bút sắc sảo của Mai Tiến Nghị vừa mang đến sự chua xót, cay đắng cho đời nhà giáo nghèo; vừa gợi những suy ngẫm về thực tế của giáo dục nước nhà...

LTS: Quý vị độc giả đang theo dõi bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Lần này, là chuyện thi tuyển giáo viên qua góc nhìn của ông.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu.

Truyện ngắn Thi tuyển giáo viên của tác giả Mai Tiến Nghị đăng trên báo Văn nghệ số 3095 đã làm tôi mất ngủ.

Về mặt văn chương đây là một truyện được viết với tay nghề cao.  

Truyện kể về một thầy giáo có tâm nhưng kết quả cũng bị gục ngã vì lo ngại con gái mình cũng sẽ bị tác hại do hậu quả của hành động can thiệp chính đáng của mình.

(Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại).
(Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại).

Tay Tuấn cậy có tiền nên đã thao túng được "các tay ở Huyện" để nhét con gái mình xuống thi tuyển tại trường của thầy Lương. Vì quá kém nên bị thầy Lương cho điểm thấp.

Đơn giản như vậy, nhưng ngờ đâu phó chủ tich huyện tên là Hợp đã yêu cầu thầy Lương sửa điểm và đe doạ con gái thầy sang năm sẽ không thi tuyển nổi.

Thầy Lương đành phải ký vào biên bản trong khi cố kìm những giọt nước mắt vì tự nghĩ "mình không thể làm gì được, mình cũng chỉ là thằng hèn".

Tuấn đem tiền hối lộ thầy và nói: "Tôi cần ông tôi mua, tiền ấy là để lúc ông cần việc gì thì lại bỏ ra mà mua". 

Thầy Lương kiên quyết không nhận và bị phán: "Gàn bỏ mẹ. Trách nào nghèo bền túng dai".

Tôi không tin chuyện này có thể phổ biến nhưng lại nghĩ chuyện trắng trợn sửa điểm năm ngoái có ở tận ba tỉnh với những người có trách nhiệm ở Sở Giáo dục thì sự tha hoá của cán bộ cấp Huyện sao tránh khỏi, dù chỉ là chuyện cá biệt.

Vấn đề ở đây là làm sao để lương tâm có thể yên ổn khi bị bủa vây bởi không ít người thiếu tự trọng và dám làm những điều vi phạm pháp luật.

Thầy Lương biết là việc sửa điểm là sai nhưng biết rõ là không sao chống lại nổi với cái ác còn tồn tại quanh mình. Vì con mà phải chịu làm điều xấu xa như mấy tay trên Huyện.

“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?

Câu hỏi đặt ra là nhẽ nào trên Huyện không có chi bộ Đảng, không có Công đoàn?

Làm sao mà các cán bộ ở Sở giáo dục, ở Uỷ ban tỉnh lại có thể để cho trong tỉnh mình phụ trách có những cán bộ Huyện tác oai tác quái như vậy?

Rồi còn bao nhiêu thầy giáo ở trường không có ai dám đứng ra bênh vực thầy Lương và đấu tranh với việc làm sai trái ở cán bộ Huyện hay sao?

Vì sao đồng tiền của những tay hợm hĩnh như tay Tuấn có ma lực lớn đến như vậy?

Hắn còn nói thẳng với thầy Lương là con bé ấy sẽ được Huyện phân thẳng về trường của thầy đấy. 

"Nhưng nó cũng chẳng ở đây lâu đâu. Dăm ba tháng, cùng lắm là nửa năm thôi. Rồi tôi cũng phải tìm cách đưa nó về thành phố".

Thật chua xót!

Mong rằng những chuyện tồi tệ như vậy chỉ là cá biệt và chỉ nằm trên tiểu thuyết. Sớm hay muộn chân lý sẽ được bảo vệ và những hành động phi đạo lý, thách thức pháp luật như vậy sẽ bị trừng trị thích đáng.

Tác giả cho biết truyện này được trích ra từ tiểu thuyết Đông trùng hạ thảo.

Tôi lại giật mình.

Không hiểu tác giả có biết loại đông trùng hạ thảo đang được sản xuất và đang bán rất đắt ở nước ta chỉ là Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) hiện được bán rất rẻ ở Trung Quốc.

Nó làm gì có chuyện đông là sâu, hạ là nấm như loài Đông trùng hạ thảo thật (Cordyceps sinensis) .

Hiện cả thế giới chỉ sản xuất được dịch nuôi nấm này trong nồi lên men chứ chưa nước nào sản xuất được loài nấm cộng sinh trên sâu như có ở ngoài thiên nhiên tại Tây Tạng hay tại một số vùng cao khác.

Nguyễn Lân Dũng