Một chút chạnh buồn sau nhiều năm ôn thi học sinh giỏi!

23/11/2020 05:46
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi lần nghe các em chọn khối thi, nghe báo tin vào đại học, dù rất vui khi thấy các em trưởng thành nhưng trong thâm tâm không tránh được những nỗi buồn mơ hồ.

Tính đến nay thì bản thân tôi đã có mười mấy năm giảng dạy môn Ngữ văn tại một trường phổ thông. Khoảng thời gian ấy có rất nhiều những kỷ niệm buồn vui khi gắn bó với các lớp học trò mà mình được phân công đứng lớp.

Nhưng có lẽ sự gắn bó nhiều hơn là với những em tham gia ôn thi học sinh giỏi vì ngoài việc học tập chính khóa trên lớp thì thầy trò có dịp gần gũi với nhau trong quá trình ôn tập ròng rã nhiều tháng trời.

Hơn 10 năm ôn thi học sinh giỏi môn Văn, có nhiều em đạt giải học sinh giỏi nhưng tuyệt nhiên không có em nào học sư phạm Ngữ văn hay đi theo một ngành học gần với đam mê thời học phổ thông của các em.

Có lẽ, đây cũng là những băn khoăn, hẫng hụt nhất trong quá trình giảng dạy và bồi dưỡng học trò giỏi Văn của bản thân tôi trong suốt những tháng năm công tác trong ngành giáo dục.

Nghề giáo vẫn được ví là nghề cao quý nhưng những năm gần đây có rất ít học sinh theo học sư phạm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: congannghean.vn)

Nghề giáo vẫn được ví là nghề cao quý nhưng những năm gần đây có rất ít học sinh

theo học sư phạm (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: congannghean.vn)

Những lớp học trò đã trưởng thành

Nhiều năm được nhà trường phân công dạy môn Ngữ văn và ôn thi học sinh giỏi cho học sinh cuối cấp- đây cũng là niềm vui của bản thân tôi nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn đối với nhà trường và học trò của mình.

Hơn 10 năm trời ôn thi, có nhiều năm bội thu nhưng cũng có những năm mất mùa. Trong số đó, có nhiều trò giỏi đạt giải học sinh giỏi cấp cấp tỉnh, rất có năng lực về môn Văn nhưng cuối cùng chẳng có em nào… nối nghiệp thầy.

Mỗi lần biết tin các em chọn khối thi, ngành học và nghe các em báo tin vào đại học dù bản thân rất vui khi nhìn thấy các em trưởng thành, khôn lớn nhưng trong thâm tâm không tránh được những nỗi buồn mơ hồ.

Vẫn biết, các em đã có sự cân nhắc rất kĩ lưỡng cho nghề nghiệp của mình sau này về cả khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập bản thân trong tương lai thì các em mới nộp hồ sơ thi (xét tuyển) vào các trường đại học.

Nhưng, trong lòng của một người thầy đã từng bồi dưỡng, truyền đạt tất cả những khả năng của mình cho học trò không tránh khỏi sự hẫng hụt vì có lúc đã hy vọng các em có thể theo nghề của thầy, hoặc ít nhiều học và làm một công việc có dính dáng đến văn chương…

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua vẫn chưa thấy em học sinh nào mà bản thân đã từng bồi dưỡng trong đội tuyển học sinh giỏi của trường và đã đạt giải theo nghề sư phạm.

Có thể các em cũng thấy được sự vất vả của nghề sư phạm hiện nay và nhất là trong những năm qua thì sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên Ngữ văn nói riêng khi ra trường rất khó tìm kiếm việc làm nên các em không còn mặn với ngành học này nữa.

Buồn thì cũng chỉ buồn vậy thôi chứ biết làm sao được vì bản thân người thầy như chúng tôi cũng không thể làm gì được trước thực tế mà phải cần một chính sách mang tính vĩ mô mới có thể thay đổi được sự lựa chọn ngành nghề của học sinh.

Làm sao có thể níu chân các em học sinh giỏi, có năng khiếu thực sự vào sư phạm?

Lúc sinh thời, Phó giáo sư Văn Như Cương đã từng trăn trở: “Các em vào đại học thầy vui/ Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi!/ Ít em mong muốn vào sư phạm/ Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?”.

Những trăn trở của thầy Văn Như Cương có lẽ cũng là niềm trăn trở của nhiều thầy cô đang giảng dạy, công tác trong ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Nhất là đối với những em đã tham gia thi học sinh giỏi là những em có năng khiếu thực sự, có đam mê với những môn học.

Tuy nhiên, thực tế thì những năm qua sinh viên sư phạm ra trường rất khó tìm kiếm việc làm. Trong khi, những em học sinh giỏi có nhiều cơ hội để lựa chọn những trường đại học mà sau này có thể đem lại cuộc sống tốt hơn cho mình.

Chính vì vậy, những em giỏi, nhất là những em đã từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia ít khi học sư phạm- đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất mà chúng ta chưa tận dụng được trong nhiều năm qua.

Bản thân những nhà giáo như tôi hay mọi người trong chúng ta không trách được các em vì mỗi học sinh đều có quyền lựa chọn tương lai cho riêng mình bởi vì đó là cuộc sống của các em sau này.

Song, điều mà những nhà giáo như chúng tôi hay xã hội vẫn mong chờ, hy vọng những học sinh giỏi thực sự sẽ thi (xét tuyển) vào các trường sư phạm để sau này các em sẽ tạo ra những điểm nhấn cho ngành giáo dục.

Đặc biệt là trong thời đại ngày nay thì những em học sinh giỏi thường là những em nhanh nhạy, biết tận dụng tối đa khoa học công nghệ để vận dụng vào công việc mà những lớp giáo viên như chúng tôi nhiều khi đang cảm thấy chật vật.

Một thầy cô giáo giỏi có thể đào tạo ra vài chục lớp học trò tốt và ngược lại những thầy cô giáo không giỏi rất khó để đào tạo, dạy dỗ ra những thế hệ học trò giỏi nhưng nhìn lại bức tranh tuyển sinh sư phạm trong những năm qua chúng ta chưa thực sự yên tâm.

Muốn tuyển được học sinh giỏi vào sư phạm chắc chắn phải cần nhiều yếu tố. Nên chăng, các cơ quan chức năng, ngành giáo dục cần có những chính sách tốt về tuyển sinh, tuyển dụng để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm cho tương lai.

Được vậy, có lẽ những thầy cô đã và đang bồi dưỡng học sinh giỏi ở cấp phổ thông sẽ rất mừng vì tương lai sẽ có nhiều thầy cô giáo, những đồng nghiệp giỏi.

NGUYỄN CAO