Mức thu nhập của sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm ra trường là bao nhiêu?

07/09/2023 06:29
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-  Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm ra trường làm việc có mức thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, Khoa Công nghệ thực phẩm (tiền thân là Khoa Hoá công nghiệp) của trường đào tạo trình độ đại học từ năm 2007 (trước đây đào tạo trình độ cao đẳng).

Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thực phẩm trình độ cử nhân theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 20,0 điểm.

“Chương trình đào tạo trình độ kỹ sư ngành Công nghệ thực phẩm được đổi mới thông qua khảo sát ý kiến của doanh nghiệp và các đơn vị liên quan. Tất cả các môn học mới được đưa vào chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm đều xuất phát từ nhu cầu của thực tế xã hội”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Theo thầy Tuấn Anh, phương pháp giảng dạy của giảng viên ngành Công nghệ thực phẩm rất tốt nhưng với những môn học mới không chỉ đòi hỏi mỗi giảng viên trau dồi thêm kiến thức ở phạm vi trong nước mà còn phải nghiên cứu tài liệu nước ngoài. Ngoài ra, để đa dạng hóa kiến thức, Khoa thực hiện cơ chế mở, như việc mời các chuyên gia đến thỉnh giảng cho sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm để từ đó, các em được học những kỹ năng, kinh nghiệm từ thực tiễn.

Cũng theo thầy Tuấn Anh, Khoa hỗ trợ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành, đồng thời đề nghị doanh nghiệp khi nào có nhu cầu tuyển dụng thì sẽ chuyển giao sinh viên cho doanh nghiệp.

Về mức lương của sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm mới ra trường, thầy Tuấn Anh cho rằng, người lao động làm việc ở công ty sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm quy mô lớn có mức thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng/tháng. Một số doanh nghiệp có nguồn thu tốt thì người lao động được trả lương lên đến 15 triệu đồng/tháng. Thu nhập của người lao động tăng theo thời gian công tác, kinh nghiệm và năng lực tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Cùng chia với phóng viên về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc thực hiện sáp nhập Bộ môn Công nghệ hoá học và Khoa Công nghệ thực phẩm để trở thành Khoa Công nghệ Hoá học và Thực phẩm là một trong những thay đổi về cơ cấu của nhà trường.

Những ngày đầu sáp nhập, do các phòng thí nghiệm, xưởng thực tập của hai đơn vị nằm rải rác, cách xa nhau nên gặp khó khăn trong việc di chuyển và phân bổ nhân sự phụ trách liên quan. Để khắc phục khó khăn này, năm 2022, nhà trường hoàn tất việc chuyển đổi, cải tạo, xây mới phòng thí nghiệm của Khoa tập trung về khu vực xung quanh giảng đường".

Chia sẻ về tuyển sinh ngành Công nghệ thực phẩm, theo thầy Lý, đây là 1 trong 2 ngành đào tạo của Khoa (ngành còn lại là Công nghệ Kỹ thuật hoá học). Trong đó, quy mô tuyển sinh của ngành Công nghệ thực phẩm gấp 3 lần ngành Công nghệ Kỹ thuật hoá học.

“Khoảng 3 năm gần đây, công tác tuyển sinh của Khoa thuận lợi khi các ngành đào tạo luôn nằm trong nhóm hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển sinh của trường với điểm trúng tuyển khá cao so với mặt bằng chung các trường cùng đào tạo ngành này”, thầy Lý cho biết.

Điểm trúng tuyển năm 2023 của ngành Công nghệ thực phẩm (dạy bằng tiếng Việt), Công nghệ thực phẩm chất lượng cao và Công nghệ thực phẩm chương trình tiên tiến của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh là 21,25 điểm.

Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC).

Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC).

“Ưu điểm lớn nhất trong các chương trình đào tạo của Khoa nói chung và ngành Công nghệ thực phẩm nói riêng là thời lượng thực hành, thực tập của sinh viên gắn liền với doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất. Ngoài giờ học trên lớp, sinh viên được tham gia hoạt động ngoại khóa, tham quan cơ sở sản xuất và vùng nguyên liệu,...

Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn về kiến thức tiếng Anh để hội nhập, tham gia thị trường lao động trong khu vực.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên của Khoa đạt học bổng thạc sĩ tại các nước ASEAN, Úc, Hoa Kỳ,... Còn có sinh viên tốt nghiệp đã và đang đi làm hầu hết ở các chi nhánh của công ty đa quốc gia”, thầy Lý chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên của Khoa, hàng năm, nhà trường tổ chức ngày hội việc làm để kết nối nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với sinh viên.

Về hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, theo thầy Lý, giảng viên của Khoa có khoảng 90% được đào tạo chuyên môn ở các nước tiên tiến. Khoa trang bị phòng thí nghiệm chuyên ngành, 2 xưởng chế biến thực phẩm và 1 xưởng vận hành thiết bị,... để phục vụ nghiên cứu khoa học.

"Khoa hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của trường. Trong đó, Khoa đã thực hiện nhiều đề tài, dự án và tổ chức các hội thảo, khóa huấn luyện quốc tế trong lĩnh vực thực phẩm sạch và hóa học xanh.

Các giảng viên của Khoa cũng đã xuất bản nhiều bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu WoS (ISI) và Scopus.

Tuy nhiên, mảng đào tạo sau đại học của Khoa còn chưa tương xứng với tiềm năng”

_Tiến sĩ Trần Đình Lý_

Chủ động khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm nói chung, ngành Công nghệ thực phẩm nói riêng, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, hiện nay hoạt động quốc tế hóa trong nghiên cứu khoa học ngày càng đa dạng. Do đó, nhà trường phải tiếp tục đầu tư thêm các phòng thí nghiệm chuyên sâu với các trang thiết bị hiện đại cho Khoa.

Đồng thời, trường tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên của Khoa được tham gia nhiều hoạt động trong nghiên cứu khoa học gắn liền với các đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, trường cũng sẽ hỗ trợ cho Khoa trong việc tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo sau đại học với các đối tác quốc tế.

Ngọc Mai