Muốn giáo viên thay thế ngữ liệu Tiếng Việt 1 Cánh diều, cần phải sửa luật?

11/11/2020 08:27
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giáo viên được tự chọn ngữ liệu dạy học ngoài sách giáo khoa, dạy theo chương trình không theo sách giáo khoa, theo tôi cần phải sửa văn bản pháp luật trước.

Câu chuyện giáo viên phải dạy bám sát chương trình hay dạy theo sách giáo khoa đang được dư luận giáo giới đặc biệt quan tâm.

Dư luận xã hội càng quan tâm hơn khi sách giáo khoa “chi chít sạn”, quả bóng trách nhiệm hoàn thành mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục lại được “đá” sang cho giáo viên, vì “giáo viên còn phụ thuộc vào sách giáo khoa”.

Người viết còn nhớ, cố nhà giáo Phạm Toàn sinh thời đã cùng nhóm cộng sự Cánh Buồm biên soạn bộ "sách giáo khoa Chào lớp 1" cho trẻ em không dùng ngân sách, không vì lợi nhuận. Hội thảo giới thiệu sách có tên “Chào lớp 1” được tổ chức vào tối 27/9/2010 tại Hà Nội.

Ngày 13/10/2010, báo Dân trí đăng bài viết được cho là của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi đó đương là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội gửi đến, ông phát biểu:

"Trách nhiệm quản lý nhà nước đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải tổ chức thẩm định để chỉ đạo việc sử dụng bộ sách, vì đưa sách vào trường chưa qua thẩm định không khác gì cho trẻ uống hoặc tiêm thuốc chưa qua thẩm định của Bộ Y tế." [1]

Luật cũ quy định "sách giáo khoa" phải qua thẩm định

Trong bài viết được cho là của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đăng trên báo Dân trí, tác giả nhận định:

"Tôi hoan nghênh nhiệt tâm của nhóm tác giả “Cánh buồm” đã trình làng bộ sách giới thiệu một cách dạy học riêng ở tiểu học. Tuy nhiên, cần nói ngay rằng bộ sách “Chào lớp Một” không phải là sách giáo khoa.

Mặc dù các tác giả đã đưa sách vào dạy thử nghiệm nhưng trong bộ sách không có chỗ nào khẳng định đây là sách giáo khoa. Việc gọi nhầm “sách giáo khoa” là do một số tờ báo. Điều 29 Luật Giáo dục (2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về sách giáo khoa như sau:

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông… trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”.

Để thực hiện đúng luật, việc đưa bộ sách “Chào lớp Một” vào trường học, kể cả dạy thử nghiệm, cần phải có chủ trương, kế hoạch của Bộ GD&ĐT trên cơ sở ý kiến của một hội đồng thẩm định cấp quốc gia." [1]

Luật Giáo dục 2005, Điều 29. Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa quy định:

1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Năm 2009, Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005, theo đó Khoản 3 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa."

Luật Giáo dục hiện hành, Điều lệ trường học hiện nay quy định về sách giáo khoa như thế nào?

Khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục 2019: Sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau:

a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; ...[2]

2. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.

Câu chuyện giáo viên dạy bám sát chương trình hay dạy theo sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Câu chuyện giáo viên dạy bám sát chương trình hay dạy theo sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Khoản 1 Điều 18 Thông tư Số 28/2020/TT-BGDĐT quy định về Sách giáo khoa, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo và tài liệu giáo dục địa phương như sau:

1. Trường tiểu học sử dụng sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong trường tiểu học trên địa bàn; giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa vào các hoạt động dạy và học nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết. [3]

Khoản 1 Điều 18 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định:

1. Sách giáo khoa sử dụng trong trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trung học hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật. [4]

Từ Luật Giáo dục đến Điều lệ trường học hiện hành đều đang quy định rõ ràng: Sách giáo khoa sử dụng trong trường học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Các quy định này so với những gì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân tích cách đây 10 năm cơ bản không thay đổi nhiều, ngoài một chương trình nhiều sách giáo khoa, nhưng tất cả vẫn phải qua "thẩm định" và được Bộ trưởng phê duyệt, mới được sử dụng.

Với những quy định trên của pháp luật, muốn giáo viên được tự chọn ngữ liệu dạy học ngoài sách giáo khoa, dạy theo chương trình không theo sách giáo khoa, theo người viết cần phải sửa văn bản pháp luật trước.

Nay nếu chỉ để làm dịu bức xúc của dư luận mà chỉ đạo/yêu cầu giáo viên hay các trường chủ động lựa chọn ngữ liệu khác thay thế một số bài học "có sai sót" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh diều, vô hình trung đã đẩy thầy cô/nhà trường vào chỗ làm trái luật?

Luật Giáo dục, Điều lệ trường học không còn có quy định về sách giáo khoa, sách giáo khoa không cần phải do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Việc lựa chọn sách giáo khoa của tác giả nào, nhà xuất bản nào là do từng trường hoặc giáo viên lựa chọn, nói đơn giản là tương tự quy định về sách giáo khoa ở các nước tiên tiến.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-sach-chao-lop-mot-khong-phai-la-sach-giao-khoa-1287263855.htm

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[3] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-28-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-tieu-hoc-190610-d1.html

[4] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến