Muốn “hút” nhân tài, phải tạo sự cạnh tranh giữa các trường đại học

31/05/2021 06:39
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thu hút nhân tài trở về Việt Nam, các trường đại học phải đề ra mức lương hấp dẫn và đảm bảo môi trường làm việc tốt, thậm chí, cạnh tranh với nước ngoài.

Các trường đại học phải tự cạnh tranh khốc liệt

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm về một số nội dung triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn hướng dẫn, yêu cầu các trường muốn tham gia đào tạo đăng ký trước ngày 20/5, gửi danh sách ứng viên trước ngày 15/6 và Bộ sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trước ngày 30/6/2021.

Hiện tại, dư luận không chỉ quan tâm đến tính thiết thực của Đề án 89 mà còn tồn tại rất nhiều băn khoăn, khi trước đây cũng từng có hai Đề án được triển khai nhưng không mấy hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết:

“Đối với khâu tuyển chọn ứng viên được cử đi học, tôi cho rằng, tốt nhất là phía trường đại học trực tiếp lập danh sách, gửi hồ sơ lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó, Bộ nên tổ chức một kỳ thi sát hạch nhỏ, để các ứng viên giành suất đi học. Như vậy mới công bằng, nếu chỉ dựa vào xét hồ sơ, thì cũng “khó nói”.

Trong phần thi, nên có một phần tự luận để các ứng viên trình bày lý do tham gia, mục tiêu nghiên cứu và muốn mang lại ý nghĩa ứng dụng như thế nào, giúp ích như thế nào cho xã hội… Sau đó, nhấn mạnh phần cam kết về cống hiến sau khi tốt nghiệp”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, các trường đại học muốn thu hút nhân tài, không được bỏ mặc, để họ bơ vơ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, các trường đại học muốn thu hút nhân tài, không được bỏ mặc, để họ bơ vơ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Liên quan đến bất cập là tỉ lệ các tiến sĩ sau khi hoàn thành nghiên cứu tại nước ngoài, trở về làm việc trong thực tế còn rất thấp, Giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích:

“Tình trạng này tồn tại có những nguyên nhân chính, một là do chính sách lương bổng, đãi ngộ và thứ hai là do điều kiện làm việc.

Theo đó, “lực hấp dẫn” đối với những người có chuyên môn tốt luôn có hai phần, phần thứ nhất là đãi ngộ, và phần thứ hai là khả năng phát triển trong môi trường đó như thế nào.

Những tiến sĩ sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu ở nước ngoài về, họ cần điều kiện nghiên cứu, có điều kiện phát triển tốt, chứ không chỉ riêng thu nhập tốt.

Chính vì vậy, nếu có thể đáp ứng đủ hai phần đó, thì sẽ tạo ra được sự hấp dẫn, thu hút những người có tài năng ở nước ngoài về”.

Đồng quan điểm đó, Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra: “Bất cập của các dự án trước đó là tỉ lệ tiến sĩ sau khi tốt nghiệp, trở về Việt Nam phục vụ là khá thấp. Chính vì vậy, tôi cho rằng, phía các trường đại học phải biết cách trọng dụng nhân tài. Một mặt, phải đề ra mức lương hấp dẫn, thậm chí, cạnh tranh với môi trường nước ngoài, nhưng đi kèm với đó là tăng thêm trách nhiệm.

Mặt khác, nhà trường phải luôn tạo môi trường làm việc tốt, đảm bảo điều kiện để giảng viên của mình có thể chuyên tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Khi những tiến sĩ trong nhà trường càng có nhiều công trình nghiên cứu thì vị thế của chính trường đại học đó cũng ngày càng được nâng lên.

Điều này đồng nghĩa với việc, các trường đại học muốn thu hút được nhân sự giỏi thì không thể bỏ mặc họ, để họ bơ vơ”.

Cần tạo động lực để trở thành người tài

Trước Đề án 89 về đào tạo tiến sĩ của Chính phủ vừa phê duyệt, Việt Nam đã có hai đề án về đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học bằng ngân sách Nhà nước là Đề án 322 và Đề án 911.

Mỗi Đề án đều có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại khiến dư luận không khỏi đặt nhiều câu hỏi.

Một số trường hợp gây “hụt hẫng” khi không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc tốt nghiệp nhưng không trở về, theo kết quả của Đề án 322.

Cụ thể, lý do được đưa ra là một số trường hợp vì sức khỏe không đảm bảo nên phải về nước, một số khác bị thôi học vì kết quả học tập không đạt quy định, hoặc có người về nước sau đó không trở lại nước ngoài học tiếp vì lý do cá nhân, một số thì tốt nghiệp về nước nhưng không làm việc cho cơ quan công tác trước đây và cá biệt có người học xong không về nước. Trong số các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước, chỉ có 50% đã thực hiện.

Về vấn đề này, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng chỉ ra: “Hiện tại, có một vấn đề rất lớn là vấn đề gây dựng nên người có tài. Người có tài, người ta phấn đấu để có thể trở thành người tài thật sự, không phải chỉ là vấn đề bằng cấp.

Bằng cấp là một phần, nhưng năng lực thực sự mới là quan trọng. Nếu chúng ta chỉ tuyển dụng những người có tài, mà có tài thật, thì người ta sẽ phấn đấu để có tài thật, tức là người ta học tập nghiêm chỉnh, nghiên cứu nghiêm túc, người ta có thực tài... Trong trường hợp đó, chúng ta dễ dàng tuyển dụng hiệu quả, tìm được nhân tài thực cho đất nước.

Do đó, vấn đề là thu hút được người tài là một mặt, tất cả những cơ chế tuyển dụng cũng phải tạo điều kiện cho người được tuyển dụng muốn phấn đấu trở thành người tài phục vụ cho đất nước. Đó mới là điều quan trọng, và để làm được, không phải chỉ riêng nỗ lực của ngành giáo dục, bởi đã trở thành một vấn đề xã hội.

Vấn đề “cốt lõi” chính là ở chỗ, làm thế nào tạo được động lực để người ta trở thành người tài, khi đã trở thành người tài rồi thì người ta có động lực để cống hiến. Đó là điều mà các chính sách chung cần hướng đến”.

Với bài học nhãn tiền nhìn từ kết quả của các Đề án trước đây, có người đã ý kiến về Đề án 89 lần này: Tại sao lại cấp học bổng cho người đi học mà không phải là thu hút bằng cách cấp tiền trực tiếp để thu hút các tiến sĩ về cơ sở giáo dục?

Trước băn khoăn đó, Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng lý giải: “Khi đi thì người ta mới cần tiền để học tập, nghiên cứu, nếu có tiền để du học tự túc thì không có sự ràng buộc.

Mặc dù, một số trường hợp không hoàn thành nghiên cứu hoặc tốt nghiệp nhưng không trở về cống hiến cho cơ sở giáo dục đại học đó, phải bồi hoàn lại cho Nhà nước mà lại chậm trễ... nhưng phải căn cứ vào đó, đề ra những biện pháp cứng rắn, mạnh tay hơn”.

Ngân Chi