Đến dự buổi Tọa đàm này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ quan điểm:
“ Nói khái quát thì chúng ta là con nhà nghèo, khi tiêu một đống tiền lớn thì cũng phải có năng lực tiêu và biết cách tiêu, trong khi văn hóa của người Việt thường không hợp tác, trong mỗi người Việt hình như có một ông “quan” nên dẫn đến câu chuyện cha chung không ai khóc.
Theo tôi có một số nguyên nhân, hệ thống luật pháp tạm gọi là cơ chế thì chồng chéo nhau giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Môi trường…dẫn tới câu truyện trong quá trình làm có quá nhiều thủ tục.
Về công tác quy hoạch thì giáo dục đại học không ai được học quy hoạch, quản lý dự án. Chúng tôi trước kia có làm cho tổ chức phi chính phủ thì cũng tự học để mà làm.
Câu chuyện quy hoạch ở đây đã có ai được đào tạo bài bản đâu, liên quan đến câu chuyện dự báo, tầm nhìn, định hướng thì công tác quy hoạch rất kém.
Một điểm nữa rất quan trọng là chủ trương cho ra đời các dự án, tôi thấy dự án là cụ thể hóa chính sách, nhưng cách tiếp cận quá trình làm chính sách thì có cái gì đó không chuẩn với thế giới.
Bản thân tôi ở bộ nhiều năm thì thấy chỉ có một nhóm chuyên viên để làm, chứ không phải nhóm kỹ trị.
Ở trên thì bảo làm dự án, và trong quá trình thực hiện có xin ý kiến các vụ liên quan, các bộ ngành…nhưng đây không phải việc của người ta nên không có hệ thống tư vấn tốt để làm.
Đại học nội thành không chịu lấy đất vàng làm vốn, lãng phí ngàn héc ta được cấp |
Về địa phương, ông bí thư tỉnh ủy thì nhân tài chính trị của địa phương sẽ khác với kỹ trị, đó là điều chắc chắn.
Anh làm sao để truyền đạt cái tư tưởng, tầm nhìn Nghị quyết của Đảng, làm sao cho mọi người đi theo anh thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhưng nhiều khi anh lại quyết sang cả vấn đề về kinh tế.
Câu chuyện các trường đại học gần đây có đổi mới, tự chủ, tức là quá trình làm chính sách, hội đồng trường cơ chế rất dân chủ.
Đây là quy trình chúng ta phải nghiên cứu thêm, đổi mới cách tiếp cận làm chính sách hiện đang có vấn đề về năng lực đội ngũ, cũng như tính lợi ích nhóm.
Ở Thái Lan hoặc Philippines họ có cả một ban, hội đồng, ông muốn làm cái gì thì cũng phải trình ra đấy, ban đó họ sẽ giám sát, xây dựng thể chế.
Chứ đợi ông này giải trình ra Quốc hội thì lại xa quá. Vậy ta phải có một ban này để giám sát luôn cho Chính phủ.
Tiếp cận dự án thì chúng ta đã tiếp cận một cách lạc hậu rồi, bây giờ gọi là tiếp cận chương trình và thế giới đang phổ biến cái này, tức là nhìn một chương trình rất tổng thể, chứ không làm từng dự án lẻ tẻ một.
Ví dụ, nếu làm Đại học Quốc gia xong, thì vấn đề giao thông công cộng phải làm thế nào để sinh viên đến đó học? Ta phải thiết kế tất cả giao thông, liên lạc và cả đô thị nữa. Đó là tiếp cận một chương trình khác với tiếp cận một dự án xé lẻ và không có sự liên kết với nhau.
Một điểm nữa là chủ trương đầu tư dự án thì phải khẳng định rằng dự án đó có cấp thiết hay không, đầu tư quy mô thế nào, ở đâu, cho ai? Đây là câu chuyện mà nhiều khi chúng ta lại quên.
Đôi khi chúng tôi cứ nói lãng phí, vì ngân sách nhà nước bảo có chính sách, có dự án là có tiền, là chúng ta cứ vẽ ra dự án, đó là điều rất nguy hiểm."
(Còn nữa).
Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”. Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 -13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. |