Muốn trở thành giáo viên dạy trẻ đặc biệt cần những yếu tố gì?

03/04/2024 06:39
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt cần nhiều kỹ năng nghề nghiệp và sự chuyên sâu, bởi đối tượng hướng tới là những trẻ đặc biệt với nhiều dạng tật.

Xã hội phát triển, các gia đình dành nhiều sự quan tâm đến tâm, sinh lý của con em mình ngay từ khi còn nhỏ. Khi trẻ có những dấu hiệu chậm phát triển như chậm nói, thiếu tập trung giảm sự chú ý... so với bạn bè cùng trang lứa, gia đình sẽ tìm đến các cơ sở cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt để can thiệp sớm cho trẻ. Tại nơi đây sẽ có những giáo viên được đào tạo bài bản và có chương trình giảng dạy phù hợp cho trẻ.

Vậy việc đào tạo giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt hiện nay được chú trọng ra sao, thí sinh dự định học ngành này cần chuẩn bị những gì?

Khoa Giáo dục đặc biệt (thành lập năm 2001) thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số ít những trường đại học đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt. Khoa hiện đào tạo hệ cử nhân gồm 2 chuyên ngành là Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ Giáo dục Người khuyết tật. Bên cạnh đó, khoa cũng là đơn vị duy nhất đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành Giáo dục đặc biệt.

Sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt cần có tố chất gì?

tien-si-do-thi-thao- (2)3.jpg
Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo - Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt- Trường Đại học sư phạm Hà Nội (đứng ở vị trí thứ 6 từ trái ảnh sang) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Đề án tuyển sinh năm 2023, tỷ lệ sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có việc làm là 100% và tại Đề án tuyển sinh năm 2022 là 95,53%.

Chia sẻ tỷ lệ trên, Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo - Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt có nhiều cơ hội về vị trí làm việc.

Cụ thể như, giáo viên tại cơ sở giáo dục chuyên biệt (trường chuyên dạy trẻ khuyết tật); Giáo viên hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập tại cơ sở giáo dục hòa nhập (trẻ khuyết tật học chung với các trẻ bình thường); Chuyên viên giáo dục đặc biệt tại các cơ sở giáo dục; Cán bộ hỗ trợ trẻ khuyết tật tại các tổ chức xã hội; Chuyên viên giáo dục đặc biệt tại Sở, Phòng Giáo dục – Đào tạo, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật các cấp; Cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nghiên cứu về giáo dục; Cán bộ tư vấn về giáo dục đặc biệt trong các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, trung tâm, tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam; Giảng viên các khoa giáo dục đặc biệt.

"Việc đơn vị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng dạy, cùng với chương trình đào tạo là một trong những nhân tố, giúp cho sinh viên sớm tìm được việc làm", cô Thảo nhận định.

tien-si-do-thi-thao- (2).jpg
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo, việc giảng dạy đối tượng đặc thù nên các sinh viên cũng học chương trình đào tạo khá nặng. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo cho hay, mức thu nhập trung bình của sinh viên ngành giáo dục đặc biệt mới ra trường dao động từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Mức lương này còn phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh nghiệm trong nghề, khả năng chuyên môn, các chứng chỉ liên quan...

Dù cơ hội nghề nghiệp, mức lương tương đối hấp dẫn như trên, nhưng cô Thảo nhận định về những khó khăn mà sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt sẽ phải vượt qua.

Đó là, sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt cần nhiều kỹ năng nghề nghiệp và sự chuyên sâu, bởi đối tượng hướng tới là những trẻ đặc biệt với nhiều dạng tật, mức độ tật khác nhau.

"Các môn học của sinh viên là khá nặng về kiến thức, kỹ năng, điều này nhằm đáp ứng việc giảng dạy chương trình phổ thông, vừa đáp ứng tính đặc thù của từng dạng khuyết tật. Vì vậy, đòi hỏi sinh viên phải kiên trì, biết cách khai thác tài liệu và chịu khó thiện nguyện ở các cơ sở giáo dục", cô Thảo chia sẻ.

Giáo viên giáo dục đặc biệt chia sẻ gì về công việc?

Giảng dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt (như tự kỷ, tăng giảm sự chú ý…) tại một đơn vị tư nhân đến nay đã được 2 năm, cô giáo Vũ Thị Hà Ly (cựu sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt, khóa K68 - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, mỗi trẻ có những biểu hiện về bệnh lý khác nhau nên giáo viên phải xây dựng giáo án riêng để quản lý hành vi của trẻ.

Theo cô Ly, đối với những gia đình cho con học tại đơn vị, một lớp có từ 2-3 giáo viên quản lý 10-12 trẻ. Nếu gia đình có nhu cầu can thiệp cho trẻ, giáo viên sẽ đánh giá đầu vào với trẻ trong 3-6 tháng, sau đó sẽ xây dựng mục tiêu hỗ trợ trẻ theo tuần và tháng.

“Nếu gia đình có nhu cầu can thiệp cho trẻ sẽ được đơn vị bố trí dạy theo ca, mỗi ca sẽ có một giáo viên kèm riêng một em trong một giờ đồng hồ, với mức phí khoảng 200-300 nghìn đồng/trẻ”, cô Ly chia sẻ.

Nữ giáo viên chia sẻ thêm, thực tế, có những gia đình khi thấy con có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ (có các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ…), họ cho con đi châm cứu, uống thuốc nhưng không có hiệu quả, mà càng làm gián đoạn thời gian can thiệp của trẻ.

“Nguyên nhân của bệnh lý này chưa rõ, vì vậy, gia đình phát hiện sớm sẽ cải thiện nhanh tình trạng của trẻ. Đồng thời, việc can thiệp còn phụ thuộc vào khả năng nhận thức của trẻ, sự hỗ trợ của giáo viên và sự quan tâm của gia đình dành cho con”, cô Ly nói.

Với tính chất công việc đặc thù như trên, cô Ly chia sẻ, công việc của cô phải chịu nhiều áp lực. Bên cạnh việc soạn giáo án riêng cho mỗi trẻ, còn là áp lực từ phía phụ huynh khi họ nóng lòng muốn con có sự thay đổi nhanh chóng, có những hôm cô Ly trả lời tin nhắn của phụ huynh đến 12 giờ đêm.

Áp lực cũng đến từ phía trẻ, khi có những hôm trẻ cáu khóc không chịu làm theo yêu cầu của giáo viên. Hoặc trẻ có thể đánh vào tay giáo viên, hay tự đánh vào người mình.

Chia sẻ về mức lương của bản thân hiện tại, cô Ly thẳng thắn nói, cô hiện đang được nhận mức lương là 8 triệu đồng/tháng cùng các chế độ phúc lợi, bên cạnh đó, cô cũng dạy thêm ngoài giờ cho trẻ đặc biệt với mức thù lao 200-300 nghìn đồng/giờ.

Chia sẻ thêm về chương trình đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo nói, chương trình được xây dựng, đặt nền móng từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Vì vậy, sinh viên của khoa được trang bị những kiến thức lý thuyết và thực hành.

Theo cô Thảo, trong quá trình học, sinh viên sẽ được thực tập tại các cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt có liên kết với khoa. Qua đó, sinh viên sẽ được bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghiệp vụ, làm quen với môi trường thực tế. Đồng thời, sinh viên được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của khoa và của trường tổ chức như hoạt động tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ văn nghệ – thể thao.

Khoa cũng chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, xuất bản và hợp tác quốc tế.

Cụ thể, khoa hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Ritsumekan (Nhật Bản), Wakayama (Nhật Bản), Gunma (Nhật Bản)... nhằm tổ chức các chương trình nghiên cứu, trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, sinh viên và các hoạt động tập huấn chuyên môn cho người học.

"Hiện tại, đội ngũ giảng viên, giáo viên thực hành của Khoa gồm 23 thầy cô được quy hoạch và hoạt động chuyên môn theo 4 bộ môn gồm: Giáo dục trẻ khiếm thính và trẻ khuyết tật ngôn ngữ; Giáo dục trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập; Giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỉ; Thực hành giáo dục đặc biệt.

Các thầy cô giảng dạy các bộ môn chuyên ngành đều có kinh nghiệm thực tế, phong phú. Sinh viên sẽ được học kiến thức và kỹ năng, để xử lý những tình huống sư phạm cho công việc sau này", cô Thảo chia sẻ.

Mạnh Đoàn