Từ lâu, dư luận đã đề cập, mong muốn các địa phương và ngành giáo dục sẽ tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng nhà trường, tuy nhiên việc này chưa làm được nhiều bởi công tác quy hoạch, bổ nhiệm còn liên quan đến nhiều tổ chức, ban ngành và thông qua một quy trình nhất định.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kháng Nhật, nhiều chuyên gia ủng hộ cách làm này.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoan nghênh cách làm của tỉnh Tuyên Quang – là một tỉnh miền núi nhưng quyết tâm với mục tiêu chọn người thực sự xứng đáng để làm hiệu trưởng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, thi tuyển một cách công bằng sẽ tuyển được người tài giỏi để tạo đột phá cho đơn vị, người đứng đầu một đơn vị dù lớn hay nhỏ đều rất quan trọng, dù tập thể đó là 3-5 người hay hàng nghìn người thì đều đòi hỏi người đứng đầu phải thể hiện đúng tố chất, tư cách.
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Đối với lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Chức cho rằng, người đứng đầu phải có khả năng giảng dạy và tổ chức tốt bởi lẽ có nhiều giáo viên dạy rất giỏi nhưng khả năng tổ chức kém thì không thể làm quản lý được. Việc thi tuyển hiệu trưởng đòi hỏi mỗi ứng viên đều phải có đủ năng lực quản lý, biết trước những công việc mà mình sẽ đảm đương để làm tốt hơn.
Do đó thi tuyển chức danh hiệu trưởng nếu được thực hiện một cách dân chủ, công khai sẽ thể hiện nhiều ưu điểm bởi tham gia tuyển dụng có nhiều người đăng ký thi tuyển. Việc nhiều người cùng tham gia dự thi sẽ tạo nên cơ hội cho nhiều người, tăng sự cạnh tranh, giúp lựa chọn được những người ưu tú, tạo được bước đột phá mới, tránh được sự ì ạch, thụ động của một số lãnh đạo quản lý ở nhà trường.
“Nếu quy trình chặt chẽ, các ứng viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, trình độ nhưng tổ chức thi tuyển không công bằng thì thi tuyển cũng bằng 0”, Tiến sĩ Chức nhấn mạnh đến vai trò của ban tổ chức kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, không có mô hình, cách làm nào hoàn hảo nếu con người thực hiện nó không hoàn hảo bởi ngay ở cấp trung ương quy trình bổ nhiệm rất kỹ lưỡng nhưng vẫn để “lọt” những người không đủ tư cách, do đó việc có nên nhân rộng mô hình thi tuyển đối với chức danh hiệu trưởng hay không sẽ phụ thuộc vào tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiệu trưởng có nhiều quyền hành như tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định…Vì thế, vai trò, quyền lực thường rất lớn.
Chưa kể, thường thì từ trước đến nay các địa phương vẫn đang làm theo cách cũ, vẫn là quy hoạch rồi bổ nhiệm, khi đã bổ nhiệm lãnh đạo cũng đồng thời sẽ mãi đảm nhận vị trí đó. Nếu có thay đổi cũng chỉ là sự luân chuyển cán bộ từ trường này sang trường khác, từ vị trí này sang vị trí khác.
Việc quy hoạch một vị trí quan trọng như vậy nên không tránh khỏi tiêu cực xảy ra hoặc tệ nạn “con ông cháu cha”, thân quen…… và không tạo được động lực phấn đấu cho những người giỏi khác.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh) |
Chính vì vậy, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc Tuyên Quang đưa ra hình thức thi tuyển công khai để chọn hiệu trưởng là việc rất đáng hoan nghênh vì việc thi tuyển sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ công chức, viên chức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thông qua thi tuyển sẽ chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức. Đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.
"Triển khai xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút kinh nghiệm từ các địa phương, các trường ở cả khâu đề thi, cách thức tổ chức thi, nếu thấy tốt thì nên nhân rộng mô hình này, ai đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn thì có thể được chọn, tránh 5C (con cháu các cụ cả- PV)", Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Nói như vậy để thấy, thi tuyển chức danh hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục là giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay. Thi tuyển sẽ tạo sự công bằng, cạnh tranh giữa các ứng viên để ngăn chặn tình trạng chạy chọt mà vẫn đáp ứng Chuẩn hiệu trưởng năm 2018.