Với tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia khẳng định vai trò trụ cột của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển đất nước. Đồng thời, đề ra các cơ chế đột phá như cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, chấp nhận rủi ro và hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho hoạt động nghiên cứu.
Nhà nước chỉ nên đầu tư cho những dự án, đề tài nghiên cứu công nghệ lõi, công nghệ mang tính chiến lược của quốc gia
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng - Trưởng khoa Khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ là một bước đi chiến lược, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Trước hết, quỹ đầu tư mạo hiểm cung cấp nguồn vốn quan trọng cho dự án khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi việc tiếp cận những nguồn vốn truyền thống còn gặp khó khăn. Nhờ đó, nhiều ý tưởng tiềm năng có cơ hội được hiện thực hóa thay vì dừng lại trong phòng thí nghiệm hay trên giấy.
Bên cạnh nguồn lực tài chính, nhà đầu tư mạo hiểm còn mang đến kinh nghiệm quản lý, mạng lưới quan hệ rộng rãi và sự hỗ trợ chuyên môn trong một số lĩnh vực như phát triển sản phẩm, marketing, mở rộng thị trường. Điều này giúp dự án nghiên cứu giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công.
Đối với cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm là cầu nối thiết yếu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, góp phần biến tri thức hàn lâm thành sản phẩm và dịch vụ hữu ích cho xã hội. Đồng thời, việc có sẵn nguồn lực đầu tư mạo hiểm cũng khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy, khích lệ nhà khoa học dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi những ý tưởng táo bạo, có giá trị ứng dụng cao.
Đáng chú ý, khi một dự án nhận được đầu tư từ quỹ mạo hiểm uy tín sẽ góp phần tăng thêm giá trị thương hiệu, giúp dự án thu hút nhiều nhà đầu tư lớn ở các vòng gọi vốn sau. Về lâu dài, sự phát triển của quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia năng động, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng, để thu hút hiệu quả các quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, cần hội tụ ba yếu tố then chốt.
Thứ nhất là một môi trường pháp lý thuận lợi với các cơ chế thí điểm linh hoạt, chấp nhận rủi ro và có chính sách miễn trừ trách nhiệm rõ ràng như tinh thần mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã đề ra.
Thứ hai là tiềm năng thị trường và khả năng thương mại hóa của kết quả nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Thứ ba là sự chủ động hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi, đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến khích hợp tác công – tư.
Với quan điểm cá nhân, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng bày tỏ: “Nhà nước chỉ nên đầu tư cho những dự án, đề tài nghiên cứu công nghệ lõi, công nghệ mang tính chiến lược của quốc gia, có đầu ra là sản phẩm sở hữu khả năng ứng dụng và phục vụ được cho lợi ích của đất nước.
Đối với những nghiên cứu khác nên được đặt hàng từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp mong muốn phát triển, quyết tâm đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường”.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyễn Luân Vũ - Trưởng khoa Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng, việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo công nghệ là một bước tiến quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho cả nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo và những bên liên quan.
Đối với nhà khoa học, điều này mở ra cơ hội hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu, đặc biệt là những đề tài có tính ứng dụng cao nhưng trước đây gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính.
Đối với cơ sở đào tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, mà còn hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học, nơi sinh viên và giảng viên có thể cùng thử nghiệm và triển khai các mô hình đổi mới sáng tạo.
Về phía doanh nghiệp, họ có thể tiếp cận sớm các kết quả nghiên cứu tiềm năng, từ đó hợp tác phát triển thành sản phẩm thương mại hóa.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyễn Luân Vũ, một dự án nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhà trường muốn thu hút tốt quỹ đầu tư mạo hiểm cần chú trọng vào ba yếu tố.
Đầu tiên là chất lượng và tính thực tiễn của đề tài nghiên cứu, đồng thời phải có khả năng ứng dụng cao và giải quyết được các vấn đề xã hội. Cùng với đó là hạ tầng nghiên cứu và cơ chế quản lý minh bạch sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng vào quá trình triển khai.
Đặc biệt, đội ngũ nghiên cứu trẻ như sinh viên và giảng viên trẻ chính là lực lượng nòng cốt trong việc khởi tạo và phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Khi một hệ sinh thái giáo dục, nghiên cứu và đổi mới được thiết kế đồng bộ và vận hành hiệu quả, nhà đầu tư sẽ nhận thấy tiềm năng phát triển dài hạn và giá trị bền vững trong việc đồng hành cùng cơ sở đào tạo.
Không thể mong đợi đột phá nếu e ngại rủi ro
Không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, Nghị quyết 57 còn nhấn mạnh việc chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu, đồng thời cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra.
Chia sẻ về nội dung này, theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng: “Trước đây, việc thiếu cơ chế thí điểm chính thức đã tạo ra nhiều rào cản đáng kể cho việc thử nghiệm công nghệ mới.
Các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu phải đối mặt với nguy cơ pháp lý cao do chưa có quy định bảo vệ hoặc miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thử nghiệm, khiến nhiều bên e ngại khi tiên phong triển khai các ý tưởng đột phá.
Bên cạnh đó, sự vướng mắc về pháp lý khiến quá trình thử nghiệm công nghệ mới thường kéo dài hoặc không thể thực hiện, dẫn đến chậm trễ trong việc đưa ra giải pháp sáng tạo vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, làm mất đi những cơ hội phát triển quan trọng.
Hơn nữa, sự không chắc chắn về hành lang pháp lý cũng khiến việc thu hút đầu tư và thiết lập hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức tài chính gặp nhiều khó khăn, từ đó kìm hãm tiến trình đổi mới sáng tạo”.

Trưởng khoa Khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ thêm, mặc dù Nghị quyết 57 không đi sâu vào phân tích các loại rủi ro, nhưng việc đề cập đến “chấp nhận rủi ro” cho thấy sự thừa nhận rằng rủi ro là một phần không thể tránh khỏi của quá trình nghiên cứu và phát triển.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một môi trường chính sách khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, nơi mà các nhà khoa học và các tổ chức không bị quá ràng buộc bởi nỗi sợ thất bại.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, thầy Thắng cho biết, trong quá trình thực hiện nghiên cứu, một trong những rủi ro thường gặp là việc không đạt được sản phẩm theo đúng cam kết trong thuyết minh đề tài. Cụ thể, đối với sản phẩm khoa học công nghệ, có thể xảy ra tình trạng thiết bị, máy móc hoặc quy trình công nghệ được phát triển không đáp ứng được những chỉ tiêu kỹ thuật như kỳ vọng.
Về mặt học thuật, một số bài báo khoa học dự kiến công bố trên tạp chí quốc tế uy tín có thể không đạt được chất lượng yêu cầu ở các nhóm xếp hạng cao như Q1, Q2. Tương tự, đối với sản phẩm đào tạo, việc không thể hoàn thành mục tiêu đào tạo tiến sĩ hoặc thạc sĩ theo kế hoạch cũng là một dạng rủi ro cần được nhận diện và đánh giá thấu đáo.
Bên cạnh đó là một số rủi ro khác như không lường trước được thời gian thực hiện đề tài do thời gian thử nghiệm kéo dài hoặc hoặc bị chậm trễ trong khâu mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư, vốn là những quy trình đòi hỏi thủ tục phức tạp và thời gian xử lý dài.
Ngoài ra, tình trạng trượt giá trong quá trình triển khai cũng có thể khiến nhóm nghiên cứu không đủ ngân sách để mua sắm các trang thiết bị cần thiết như dự toán ban đầu.
Một rủi ro cũng không kém phần nghiêm trọng chính là sự lỗi thời của kết quả nghiên cứu, khi mà khoa học và công nghệ không ngừng thay đổi. Những sản phẩm công nghệ được phát triển sau 2–3 năm có thể không còn phù hợp với xu hướng thị trường và nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, nếu kết quả nghiên cứu không thể ứng dụng vào thực tế sẽ gây lãng phí đáng kể nguồn lực ngân sách Nhà nước, điều mà bất kỳ dự án nghiên cứu nào cũng cần tính toán và kiểm soát chặt chẽ.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyễn Luân Vũ, trong khối giáo dục đại học, đặc biệt là về phía các trường đào tạo công nghệ kỹ thuật, việc chưa cho phép cơ chế thí điểm khiến nhiều nghiên cứu ứng dụng dù có tiềm năng vẫn khó bước ra khỏi phòng thí nghiệm.
Những mô hình, ý tưởng công nghệ mới muốn được triển khai cần phải qua nhiều khâu xét duyệt, tuân thủ quy trình pháp lý chặt chẽ (để tránh rủi ro) vốn chưa được thiết kế cho những đổi mới đột phá. Điều này khiến việc tiếp cận thử nghiệm thực tế, hiện thực hóa các mô hình mới, giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới từ nhóm nghiên cứu tại trường đại học bị hạn chế, gây chậm trễ hoặc lãng phí tiềm năng nghiên cứu.

Trưởng khoa Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo, có thể nhận diện một số nhóm rủi ro chính.
Thứ nhất là rủi ro học thuật, khi giả thuyết nghiên cứu không được kiểm chứng như kỳ vọng hoặc kết quả chưa đạt tính mới, tính ứng dụng cao, dẫn đến khó khăn trong việc công bố hoặc chuyển giao.
Thứ hai là rủi ro về quản trị, bao gồm sự thiếu ổn định trong đội ngũ nghiên cứu, cơ chế điều phối thiếu linh hoạt hoặc chưa có hệ thống đánh giá rủi ro phù hợp với đặc thù của các đề tài sáng tạo.
Thứ ba là rủi ro về cơ chế tài chính và pháp lý, khi một số quy định hiện hành còn chồng chéo hoặc chưa kịp điều chỉnh theo tốc độ đổi mới công nghệ, gây khó khăn trong việc triển khai thử nghiệm hoặc tiếp cận nguồn lực.
Với những rủi ro trong thực tiễn kể trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyễn Luân Vũ cho rằng, Nghị quyết 57 đã mở ra cơ hội cũng như điều kiện cần để trường đại học, nhà khoa học, doanh nghiệp và quỹ đầu tư cùng tham gia kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả và bền vững.
Trong đó, việc mở rộng hành lang pháp lý, cho phép cơ chế thí điểm và chấp nhận rủi ro chính là cú hích quan trọng đối với giới khoa học trong trường đại học, nơi lâu nay chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản, công bố quốc tế, mà còn thiếu bước chuyển mạnh sang phát triển sản phẩm ứng dụng.
Nội dung mới này sẽ góp phần định hình và chuẩn hóa giai đoạn phát triển trung gian, là cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tiễn bao gồm sản xuất thử nghiệm, phát triển mô hình kinh doanh và kiểm định trên thị trường. Nhờ đó, nhà nghiên cứu có thể tự tin theo đuổi những hướng đi mới, đột phá hơn, không còn bị ràng buộc bởi những giới hạn truyền thống.
Các phòng nghiên cứu trong trường cũng có thêm điều kiện để mở rộng hợp tác liên ngành, thúc đẩy mô hình sáng tạo và chuyển giao công nghệ vào đời sống, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu và vị thế học thuật của cơ sở đào tạo.