Năm mới 2021 tôi mong sao giáo viên được dạy thật, không phải dối trá vì áp lực

03/01/2021 13:19
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì gian dối dẫn đến việc chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu dẫn đến việc ngộ nhận trường giỏi, giáo viên giỏi để cho ra những sản phẩm giáo dục kém

Năm 2020 đã qua, mặc dù có khá nhiều biến động do đại dịch Covid-19 mang đến nhưng ngành giáo dục đã có những cải cách mạnh mẽ, bước đầu đánh dấu sự chuyển mình trong giáo dục.

Ảnh minh họa, nguồn: ĐĂNG ANH / Báo Nhân Dân.Ảnh minh họa, nguồn: ĐĂNG ANH / Báo Nhân Dân.

Trước thềm năm mới, những giáo viên chúng tôi đang trên mặt trận giáo dục mong muốn được gửi gắm những ước vọng của mình với mong mỏi giáo dục sẽ ngày một đổi thay theo hướng tích cực nhằm thực hiện thành công mục tiêu thay đổi căn bản toàn diện giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Những ước vọng gửi gắm

Thứ nhất: Không còn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục

Ngụy thành tích, áp lực chỉ tiêu cao ngất được ví như căn bệnh trầm kha trong ngành giáo dục. Một căn bệnh đã ăn sâu bén rễ từ rất lâu nên đã “biến thể” thành căn bệnh dối trá. Điều này, góp phần tàn phá nền giáo dục, sinh ra nhiều chuyện gian dối, làm mất niềm tin cho bao người.

Cũng vì gian dối trong việc đánh giá xếp loại nên xảy ra chuyện một bộ phận không nhỏ học sinh bị đánh giá sai lệch kết quả dẫn đến việc tự mãn bản thân và lơ là việc học ảnh hưởng đến kết quả học tập sau này.

Vì thành tích còn dẫn đến việc mua điểm, chạy trường, chạy bằng... dẫn đến người dở trở thành thầy, người tài thật sự lại trở thành lính.

Vì thành tích, vì các chỉ tiêu thi đua, áp lực giữ chuẩn khiến nhà trường và giáo viên phải ra sức không để rớt chuẩn nên đã sản sinh ra hàng loạt học sinh ngồi nhầm lớp.

Vì gian dối dẫn đến việc “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” dẫn đến việc ngộ nhận trường giỏi, giáo viên giỏi để cho ra những sản phẩm giáo dục kém chất lượng, giả mạo hòng che giấu chất lượng thấp bằng những danh tiếng in dấu chất lượng cao.

Thứ hai: Giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật

Nghe thế, cũng sẽ có người thắc mắc ai cấm giáo viên dạy thật? Ai ngăn học sinh học thật? Vậy cớ gì phải ước, phải mong?

Thực ra giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật khi và chỉ khi không còn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục.

Tuy nhiên, việc dạy thật của thầy cô còn phụ thuộc vào việc "cởi trói” của ngành giáo dục. Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất nỗ lực giao quyền chủ động dạy học cho giáo viên ở cơ sở, nhưng không ít trường học vẫn đang quản lý giáo viên theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Giáo viên không được quyền sáng tạo mà phải nhất nhất tuân theo sự chỉ đạo kể cả những chỉ đạo mang tính áp đặt và chưa chuẩn.

Những gian dối cũng xuất phát từ đây khi những tiết dự giờ được chuẩn bị kỹ đến từng xen ti mét, khi những tiết dạy chuyên đề báo cáo hiệu quả ứng dụng dạy học mới được ca đến tận mây xanh, những tiết thanh tra được chuẩn bị kỹ càng từ chân tới răng.

Giáo viên chưa được dạy thật thì học sinh làm sao được học thật? Hiện phần nhiều học sinh đang học vì ước vọng của cha mẹ, vì sự ganh đua của người lớn, học vì thành tích, vì điểm số, vì phần thưởng và học để thi.

Vì thế, hết học ở trường cả ngày, tối về lại chạy xô các lớp học thêm bên ngoài với mong mỏi đạt điểm cao nhận được nhiều danh hiệu. Những đứa trẻ học đến phờ người, nào ăn học, ngủ học…nên những đứa trẻ đã mất đi sự hồn nhiên vốn có của mình.

Thứ ba: Bỏ bớt các cuộc thi, hội thi để dành thời gian cho học tập cho học sinh

Năm 2020, Bộ Giáo dục đã giảm tần xuất các Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Thế nhưng, hội thi của nhà giáo được giảm nhưng với học sinh hàng năm vẫn còn rất nhiều hội thi, cuộc thi lấy biết bao thời gian, sức lực của các em dẫn đến việc học sinh học lệch nhiều môn.

Học sinh thi đương nhiên giáo viên cũng vất vả đôi khi sự vất vả còn tăng gấp nhiều lần.

Có thể kể đến cuộc thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hàng năm. Trường đạt nhiều giải cao càng khẳng định tên tuổi và vị trí trong lòng nhiều người.

Do đó, để tập trung cho học sinh vào trận chiến “mang quân đi đánh xứ người” những học sinh giỏi trong đội tuyển thường được miễn học một số môn. Điểm tổng kết thầy cô sẽ lấy bằng điểm của một số học sinh giỏi trong lớp. Thế là, hằng ngày các em chỉ miệt mài ôn một môn cho đến ngày thi.

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên mà ý tưởng, triển khai, làm sản phẩm thường thầy cô đảm nhận. Học sinh chỉ là học thuộc và trình bày. Với cuộc thi này, thầy cô trực tiếp dạy các em sự gian dối, kém trung thực.

Thứ tư: Mong ước giáo viên được sống bằng lương

Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng phát biểu: Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương. [1]

Tuy thế, đã chẵn chục năm qua đi nhưng đời sống của giáo viên vẫn không được cải thiện là bao. Ngoài giờ lên lớp, đa phần các nhà giáo vẫn cứ tất bật ngược xuôi với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thầy cô phải làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình.

Người lo dạy thêm, người đi bán bảo hiểm, bán hàng trên mạng, chạy xe ôm, chạy bàn đám cưới…

Mãi lo cơm áo gạo tiền nên chuyện đầu tư cho chuyên môn cũng có phần hạn chế.

Thứ năm: Các chế độ chính sách đối với nhà giáo được quan tâm và giải quyết kịp thời

Năm học 2019-2020, giáo viên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước chưa được nhận tiền dạy tăng tiết do nhà trường thiếu giáo viên, do giáo viên bị bệnh, đi công tác, giáo viên kiêm nhiệm các chức danh nhưng không được giải quyết tiền thừa giờ.

Lý do nhiều địa phương đưa ra, do dịch Covid-19 nên giáo viên không dạy đủ 35 tuần theo quy định hằng năm. Vì thế, phải lấy tổng số tiết đã dạy dư trong các tuần trừ đi những tuần dịch mà học sinh nghỉ học.

Dẫn đến việc nhiều thầy cô giáo đã nỗ lực dạy học trong suốt thời gian dài vẫn bằng những giáo viên chỉ dạy đúng chuẩn.

Cũng trong một nước nhưng có tỉnh cho phép tính tăng tiết, có tỉnh lại không thậm chí trong một tỉnh, có huyện thị được thanh toán, có huyện thị lại không…dẫn đến sự bức xúc, bất bình của nhiều thầy cô giáo.

Từ thực trạng trên, nhiều nhà giáo hiện đang lo lắng (có giáo viên một tuần dạy tăng gần 10 tiết do thiếu giáo viên) nhưng nếu phải nghỉ dịch Covid vài tuần như năm học vừa rồi thì bao công sức bỏ ra lại trở thành công cốc.

Bởi thế, chúng tôi ước mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ra công văn hướng dẫn số tuần thực dạy của giáo viên trong những năm dịch bệnh để công sức của các thầy cô sẽ được ghi nhận một cách công bằng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/nam-2010-giao-vien-co-the-song-duoc-bang-luong-120291.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Phan Tuyết