Mua sách giáo khoa online, phụ huynh rước bực tức khi nhận sách kém chất lượng

11/04/2025 10:30
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phụ huynh mua sách online chỉ nhìn qua bìa, khó phân biệt thật - giả, dễ mua nhầm sách kém chất lượng.

Hiện nay, thị trường sách giáo khoa online khá sôi động. Chỉ cần gõ cụm từ khóa “sách giáo khoa” trên các nền tảng trực tuyến, người tiêu dùng có thể nhận về hàng nghìn kết quả. Từ sàn thương mại điện tử, website bán lẻ cho đến các trang mạng xã hội. Trong chính sự nhộn nhịp ấy, sách giả, sách kém chất lượng có thể dễ dàng len lỏi đến tay người tiêu dùng.

Phụ huynh thành “nạn nhân bất đắc dĩ”

Truy cập các nền tảng thương mại điện tử, không khó để bắt gặp hàng loạt gian hàng rao bán sách giáo khoa với mức giá khác nhau. Nhiều nơi tự tin gắn mác “rẻ bất ngờ” để thu hút người tiêu dùng. Phụ huynh chỉ để ý tới mức giá “combo”, liền xuống tiền mua ngay không do dự.

Một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: “Có nơi bán rẻ hơn vài ngàn đồng, có nơi đội giá nhẹ do ‘hoa hồng’ cho người bán. Tôi từng mua một bộ sách lớp 3, họ bán cả bộ và nói rằng giảm giá tới 20% so với nhà sách, nhưng về kiểm tra mới biết giá bán cả bộ chênh lên khá nhiều so với giá bìa của từng cuốn cộng lại”.

Đáng nói, rất khó kiểm soát chất lượng hàng khóa được bán qua tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Người bán chỉ bị ảnh hưởng khi số "sao đánh giá" quá thấp.

Theo tìm hiểu, ngoài các sàn thương mại điện tử, kênh phân phối qua mạng xã hội cũng đang dần trở nên phổ biến. Trong những hội nhóm mua bán sách giáo khoa, không thiếu các bài đăng rao bán sách “mới 80%”, “sách cũ giá rẻ”, “hàng tồn kho giá rẻ”, hay “combo đủ bộ lớp 1 đến lớp 12”.

Được biết, đa số các đầu sách giáo khoa được rao bán trên hội nhóm đều là sách cũ đã qua sử dụng hoặc sách tồn kho. Người mua có thể liệt kê những đầu sách mình cần, người bán sẽ tự nhặt sách và gửi hàng. Thậm chí, một số người bán sách theo cân, chỉ cần “bốc đại” tính tiền.

Thị trường online trở nên nhốn nháo khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà bán lẻ. Từ các website chính thức của nhà sách lớn, các tiệm sách nhỏ, những quầy tạm ven đường hay người bán online qua mạng xã hội đều dễ dàng tiếp cận và phân phối sách đến người mua. Trong môi trường đó, thật giả lẫn lộn khiến bậc phụ huynh bị đặt vào thế bị động.

Anh L.P.H. (một phụ huynh tại Thanh Hóa) là một trong số những “nạn nhân bất đắc dĩ” khi mua phải sách giả trên sàn thương mại điện tử.

“Đầu năm học, gia đình đã đăng ký mua sách giáo khoa thông qua nhà trường nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Tuy nhiên, khi gần cuối năm, do sách của con bị rách và hỏng, tôi quyết định đặt mua hỏa tốc qua sàn thương mại điện tử vì không có thời gian đến nhà sách.

Ban đầu, tôi thấy quyển sách rất ổn, từ màu sắc, hình ảnh đến bìa đều giống hệt sách cũ. Nhưng sau đó, con tôi nói rằng có trang bị thiếu, tôi kiểm tra kỹ thì phát hiện sách in ‘nhảy cóc’, nội dung đứt đoạn do thiếu mất 2 trang”, anh H. kể lại.

z6493665252381_8ff6be230ef7c9023906f0a23e5b609f.jpg
Quyển sách giáo khoa in thiếu trang 51, 52, giấy in mỏng, nhìn thấu chữ trang sau khiến phụ huynh bức xúc. Ảnh: NVCC

Dù bức xúc và liên hệ với đơn vị bán hàng để phản ánh, anh chỉ nhận được lời xin lỗi sơ sài, bởi người bán cũng chỉ là một cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng. Cuốn sách trị giá hơn 10.000 đồng nên gần như không có cơ chế bảo vệ quyền lợi người mua.

Theo anh H., việc phân biệt sách thật - giả bằng mắt thường là cực kỳ khó khăn. Nếu không mở từng trang ra kiểm tra thì khó phát hiện sai sót. Anh cho biết, dù là phụ huynh, anh cũng không đủ kiến thức và kinh nghiệm để phân biệt chất lượng sách nếu chỉ nhìn qua trang bìa.

Ảnh hưởng đến học sinh và chất lượng giáo dục

Không chỉ làm tổn hại quyền lợi người tiêu dùng, sách giáo khoa giả còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh, đồng thời làm suy giảm uy tín của ngành giáo dục và các nhà xuất bản chân chính.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Thế Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Phụ huynh nên mua sách tại nhà sách chính thống hoặc đăng ký theo danh sách của trường. Việc mua tự do trên mạng, qua hội nhóm... tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một khi học sinh sử dụng sách giả, sai lỗi, thiếu nội dung, quá trình học sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

athayhanh.jpg
Thầy Hoàng Thế Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Gia, Hà Tĩnh. Ảnh: Website Trường.

Theo thầy Hanh, hiện tại nhà trường đã có quy định rõ, nếu phát hiện học sinh dùng sách kém chất lượng, giáo viên sẽ thu lại và phối hợp với phụ huynh để xác minh nguồn mua, từ đó báo với cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp.

“Tem giả bây giờ cũng rất giống tem thật. Phụ huynh không có kỹ năng, không được phổ biến cách nhận diện thì rất dễ bị đánh lừa. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn trong việc kiểm tra, xử lý các đầu mối buôn bán sách giả.

Chỉ khi nào có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu phân phối đến bán lẻ, đồng thời tăng cường truyền thông đến người dân, thì mới mong hạn chế được sách giả trên thị trường”, thầy Hanh nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, thầy Cao Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ: “Đầu năm, nhà trường sẽ lập danh sách phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa, sau đó gửi đến công ty phân phối của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở Hà Tĩnh. Nhờ đó, chúng tôi luôn yên tâm về nguồn sách đến tay học sinh”.

Theo thầy Tuấn Anh, việc phụ huynh tự mua sách ở các điểm bán lẻ bên ngoài rất khó kiểm soát. Chưa kể, nếu sách lỗi hay phát hiện đó là sách giả, phụ huynh sẽ không thể bắt đơn vị đó chịu trách nhiệm, điều này đặc biệt đúng với các trường hợp mua online qua mạng.

z6493675195761_d496752e69530469cde0cc8f7eb5569c.jpg
Một phụ huynh bức xúc với trang sách có giấy in mỏng, kém chất lượng được bán từ sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chụp màn hình

Để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng học tập, việc kiểm soát thị trường sách giáo khoa cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà xuất bản và các nền tảng phân phối. Ngoài các đợt kiểm tra đột xuất, cần tăng cường các giải pháp như tuyên truyền hướng dẫn phân biệt sách thật – giả đến phụ huynh và học sinh, công bố danh sách các nhà sách uy tín trên toàn quốc, kiểm soát nghiêm các gian hàng bán sách trên thương mại điện tử, tăng mức xử phạt với các đối tượng buôn bán sách giả.

“Hiện nay, các nguồn phân phối sách ngày càng rộng mở. Không chỉ sách giáo khoa mà sách tham khảo, sách bài tập cũng có nguy cơ bị làm giả để trục lợi. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh, làm gián đoạn việc dạy và học trong nhà trường. Tôi mong rằng, thời gian tới đây, nước ta sẽ có biện pháp kiểm soát nguồn sách tung ra thị trường một cách sát sao hơn”, thầy Tuấn Anh nhấn mạnh thêm.

Ngọc Huyền