Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm 15 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non.
Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nếu các trường sư phạm mở được trường phổ thông tư thục thì sẽ góp phần giải quyết được một phần không nhỏ cho giáo dục nước nhà. (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và phát triển, đến nay hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như việc mở rộng quy mô thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng mà chưa chú trọng đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng;
Phân bố các cơ sở đào tạo giáo viên quá dàn trải, phân tán và nhỏ lẻ; nhiều cơ sở trên cùng một địa bàn bị trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ; chương trình đào tạo giáo viên không thống nhất;
Đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, còn không ít sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường không có việc làm đúng ngành hoặc không tìm được việc làm, gây lãng phí, bức xúc; nhân lực giáo viên thừa thiếu cục bộ giữa các địa phương, bậc học; ngân sách nhà nước đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp; không thu hút được các học sinh giỏi, có năng lực phù hợp vào học các trường sư phạm.
Được biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm.
Dự thảo mới nhất (ngày 30/6) của Đề án này đã nêu rõ, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm dựa trên các nguyên tắc:
Khuyến khích các trường sư phạm tự nguyện liên kết để tập trung nguồn lực phát triển hoặc tự nguyện sáp nhập, hợp nhất theo quy định hiện hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, thực hiện đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng các trường sư phạm theo chuẩn, quy chuẩn. Không giao chỉ tiêu đào tạo cho các ngành đào tạo, cơ sở đào tạo giáo viên không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chuẩn chất lượng sư phạm theo qui định.
Các ngành, cơ sở đào tạo giáo viên không đảm bảo chuẩn chất lượng phải có lộ trình khắc phục theo qui định hoặc có phương án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể.
Chế độ đãi ngộ thấp, không thể hút người giỏi vào sư phạm |
Trước thực tế này nhiều chuyên gia “hiến kế” giải cứu các trường sư phạm. Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
Chúng ta nên tạo điều kiện cho các trường sư phạm được mở trường phổ thông liên cấp tư thục, như vậy vừa chăm lo được giáo dục phổ thông lại vừa không lãng phí tài sản công của nhà nước.
Tuy nhiên với ý kiến này nhiều người băn khoăn rằng, khi các trường sư phạm mở trường phổ thông liên cấp tư thục thì vấn đề sử dụng tài sản công, khấu hao cơ sở vật chất sẽ tính như thế nào?
Hơn nữa, cơ sở đào tạo giáo viên là trường công lập, cơ sở vật chất là của nhà nước, vậy khi mở trường phổ thông tư thục, thu học phí cao, liệu có ổn?
Giải đáp điều này, thầy Nhĩ nhấn mạnh rằng, hiện nay giáo dục phổ thông công lập của chúng ta đang rất nan giải từ quỹ đất, sĩ số học sinh/lớp… do đó nếu các trường sư phạm mở được trường phổ thông tư thục thì sẽ góp phần giải quyết được một phần không nhỏ cho giáo dục nước nhà.
Chỉ có điều nếu trường phổ thông tư thục bình thường thì cơ sở vật chất đều do nhà đầu tư đóng góp còn trường phổ thông mở trong trường sư phạm sẽ tùy thuộc vào cấp quản lý để tính đến việc phải thuê hoặc tính khấu hao để chi trả cho nhà nước hoặc tái đầu tư.
Hơn nữa, hiện nay xã hội khuyến khích chất lượng giáo dục ngày càng cao do đó các trường thu tiền tương xứng với chất lượng là hoàn toàn chính đáng.
Chỉ tính sơ bộ cho thấy, 154 cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên với cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ hiện có mở được 154 trường phổ thông tư thục liên cấp thì đã giải quyết được biết bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm, bao nhiêu học sinh không phải ngồi chen chúc 50-60 học sinh/lớp…
“Tôi tin rằng với cách quản lý, đội ngũ giáo viên, thư viện, sân vận động, hội trường… thì trường sư phạm sẽ sử dụng một cách triệt để, hiệu quả khi mở trường phổ thông và chắc chắn chất lượng sẽ rất tốt”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.