Nền giáo dục luẩn quẩn khi chỉ dựa vào bằng cấp, thi cử nên phải thay đổi

23/03/2015 06:00
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Quan điểm của ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực lâu năm ở Hoa Kỳ, thường xuyên theo dõi hoạt giáo dục nước nhà và có những góp ý thiết thực.

LTS: Ông Trần Đức Cảnh từng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế và khóa Tham mưu cao cấp tại Trường Hành chính công John F. Kennedy thuộc đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông cũng đã có 16 năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts.

Tuy sinh sống ở nước ngoài, nhưng thông qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và mạng truyền thông trong nước, ông luôn theo dõi sát sao tình hình đổi mới giáo dục, và nhiều lần đã có những ý tưởng đóng góp cho ngành, với mong muốn giáo dục Việt Nam hội nhập kịp và theo chuẩn quốc tế, đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Cũng góp thêm một tiếng nói cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, nhân bàn tới chuyện đổi mới thi cử sắp tới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Trần Đức Cảnh về một số quan điểm đối với công tác đổi mới thi năm nay.

Lo lắng cho điều chưa làm bao giờ là dễ hiểu

Bộ GD&ĐT đã công bố kế hoạch thi THPT năm 2015, ông đánh giá thế nào về những điểm mới năm nay?

Ông Trần Đức Cảnh: Ở thời điểm này, những ai quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia năm nay có lẽ đều biết được những thay đổi căn bản, và sự khác biệt so với những năm trước. Việc kết hợp kỳ thi THPT và đại học, cao đẳng là một thay đổi lớn, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc cho học sinh và xã hội. 

Việc tổ chức thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn còn đang gây tranh cãi, lo ngại cho việc học lệch ở bậc THPT. Theo tôi, đề án thi tốt nghiệp THPT năm nay tuy chưa phải là lý tưởng, nhưng là sự thay đổi cần thiết, hy vọng sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn trong những năm sau. 

Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ). Ảnh NVCC
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ). Ảnh NVCC

Phần cần bàn là quy trình tổ chức thi cử sắp tới, bảo đảm tính công bình, trung thực và kỳ thi đạt được chất lượng yêu cầu cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cho đại học, cao đẳng.

Điều đáng chú ý là năm nay Đại học Quốc gia Hà Nội được phép tổ chức kỳ thi riêng, tương tự như kỳ thi Scholastic Aptitude Test (SAT) ở Mỹ. 

Tuy nhiên, lối thi này phù hợp cho học sinh lấy điểm nộp vào đại học hơn là thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện giáo dục Việt Nam hiện nay. Đây là năm đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức theo lối thi này, có thể sẽ còn điều chỉnh trong tương lai, nhưng tôi đánh giá cao sự đột phá này.

Ông nghĩ như thế nào về 2 cụm thi THPT khác nhau theo như kế hoạch của Bộ GD & ĐT năm nay? Liệu tách 2 cụm thi như vậy có tạo ra khoảng cách không công bằng cho từng đối tượng thí sinh?

Ông Trần Đức Cảnh: Theo tôi thì không nên tách kỳ thi THPT quốc gia ra thành 2 cụm khác nhau, gây mâu thuẫn trong khâu tổ chức và tâm lý học sinh và gia đình. Đã tổ chức thi THPT, thì học sinh nên thi giống nhau, không khác biệt trong cách thi hay địa điểm thi.

Tuy đề thi THPT được thông báo là sẽ giống nhau, nhưng cách tổ chức và quản lý ở 2 cụm thi khác nhau khiến người ta nghi ngờ chất lượng thi ở các địa điểm do Sở GD&ĐT quản lý, kèm theo tuyên bố ban đầu là học sinh tốt nghiệp từ các cụm thi này không được nộp đơn vào các trường đại học, cao đẳng, gây mâu thuẫn lớn. 

Nền giáo dục luẩn quẩn khi chỉ dựa vào bằng cấp, thi cử nên phải thay đổi ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục đóng vai phụ huynh khuyên con ôn thi quốc gia

(GDVN) - Chiều nay (18/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo về những băn khoăn còn lại trong Kỳ thi

Thiệt thòi là học sinh thuộc dạng nhà nghèo và các vùng xa xôi, kèm theo tâm lý mặc cảm, thua thiệt của một số học sinh. Cũng may là bộ GD&ĐT sớm nhận ra sự việc, phê duyệt phương án tuyển sinh của 150 trường, cho phép họ được tuyển sinh ở cả 2 cụm thi. Tóm lại, đây là phần lủng củng nhất của đề án thi THPT năm nay.

Cũng có quan ngại như ông, nhiều người đặt câu hỏi đối với những thí sinh chưa có điều kiện học tiếp lên đại học, các em chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT và đăng kí ở cụm do Sở GD&ĐT chủ trì, nhưng năm tới các em có điều kiện để học tiếp lên đại học, cao đẳng thì kết quả năm nay sẽ như thế nào? Liệu đây có phải là bất cập?

Ông Trần Đức Cảnh: Nếu sau này một số em muốn nộp đơn đại học, cao đẳng thì sao, phải thi lại THPT? Sự phân biệt và điều kiện tốt nghiệp THPT ở cụm do tỉnh quản lý theo như quy định ban đầu là không cần thiết và phản tác dụng.    

Theo tôi thì mỗi tỉnh nên có ít nhất một điểm thi tốt nghiệp THPT, vì hiện nay mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 cơ sở đại học, cao đẳng và kết hợp với các cơ sở trường THPT, nếu cần. 

Lực lượng giám thị, chấm thi có thể tổ chức theo liên tỉnh hay vùng, hay đan xen, nếu lo ngại tính thiên vị địa phương. Học sinh đăng ký thi qua mạng và có quyền chọn điểm thi thích hợp, chứ không nhất thiết phải là địa phương mình.   
 
Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với thi tuyển vào đại học, cao đẳng, ông nghĩ có thuận lợi cho việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học không?

Ông Trần Đức Cảnh: Thực ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học để lấy điểm nộp vào đại học, cao đẳng là không có gì mới mẻ, việc này đã từng áp dụng ở Việt Nam thời kỳ trước và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là một thay đổi đáng kể. 

Việc xét tuyển đại học, cao đẳng nên kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí yêu cầu khác, để đánh giá tốt một ứng viên. 

Có vẻ như những đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá hiện nay được Bộ GD&ĐT kỳ vọng rất lớn, thế nhưng thực tế khi chuẩn bị áp dụng vào thực tiễn thì đang khiến xã hội băn khoăn, lo lắng. Ông có nghĩ rằng những lo lắng này là thể hiện một lối tư duy ngại đổi mới của xã hội hay không? 

Ông Trần Đức Cảnh: Tôi không nghĩ là xã hội hiện nay ngại thay đổi, mà ngại cách thực hiện việc thay đổi. Sự lo lắng từ một ý tưởng hay biến thành những thứ không ai muốn, có thể do quá trình làm kế hoạch và triển khai thực hiện bị nhiễu và kém, không phải là không có cơ sở. 

Tâm lý chung là khi không tiên đoán kết quả tương lai thì người ta có khuynh hướng ngại thay đổi, thậm chí còn chống đối. 

Người Nhật bỏ rất nhiều thời gian cho việc làm kế hoạch, do đó khâu thực hiện thường xuyên suốt và ít gặp trở ngại; người Việt ít chú trọng vào khâu kế hoạch, làm theo cảm tính cộng với tư duy “cứ làm, hư thì sửa”, có thể đúng ở một giai đoạn nào đó trong lịch sử, nhưng lối suy nghĩ này còn tồn tại và gây ra không ít tác hại trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. 

Giáo dục là một lĩnh vực phức tạp và có tác động sâu rộng trong xã hội, sự đột phá trong giáo dục hiện nay là cần thiết nhưng phải có sự chăm chút, thấu đáo và cẩn trọng trong khâu kế hoạch và sâu sắc trong thực hiện mới mong đạt kết quả mong muốn. Sự lo lắng cho sự thay đổi trong kỳ thi THPT sắp tới không là ngoại lệ.  

Một nền giáo dục đủ tin cậy

Nếu ông đề xuất một mô hình thi tốt nghiệp THPT và tuyển vào đại học, cao đẳng cho những năm sau, khác với lối thi THPT và tuyển sinh hiện nay thì mô hình đó sẽ như thế nào?

Ông Trần Đức Cảnh: Đề xuất của tôi về lâu dài là chỉ nên có một kỳ thi đại học, dùng điểm của kỳ thi này cho việc xét tuyển đại học. 

Điểm thi là một trong những tiêu chí xét tuyển, điển hình: điểm học 3 năm THPT, thư giới thiệu, phỏng vấn, bài thi tại trường...  Mỗi đại học đặc ra tiêu chí riêng cho mình, nhưng phải có ít nhất 2 tiêu chí xét tuyển: điểm thi đại học và học bạ 3 năm THPT. 

Nền giáo dục luẩn quẩn khi chỉ dựa vào bằng cấp, thi cử nên phải thay đổi ảnh 3

Bắt buộc thi ngoại ngữ để có năng lực thực chất cho giới trẻ

(GDVN) - Trong Kỳ thi THPT quốc gia, việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc cũng là một trong những yếu tố, những giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ toàn diện

Không ít ý kiến hiện nay cho rằng nếu dùng học bạ 3 năm THPT cho việc xét tuyển đại học thì có khả năng sinh ra nạn chạy điểm tràn lan, không đáng tin cậy. 

Sự lo lắng ở giai đoạn này có thể không sai, nhưng thiết nghĩ nếu cả quá trình 3 năm học tập ở bậc THPT mà không đủ tin cậy, mà tin vào một kỳ thi  tốt ngiệp THPT, thì đây là một bi kịch cho toàn nền giáo dục.  

Theo đề xuất của tôi là cấu trúc lại chương trình THPT theo lối học theo môn, tính chỉ. Học sinh phải học đủ số môn yêu cầu thì được cấp tốt bằng tốt nghiệp. 

Nếu rớt môn nào thì học lại môn đó, cho đến khi hoàn tất. Nếu 80% học sinh tốt nghiệp THPT, so với 95% hay 97% hiện nay, đúng thời hạn là chuyện bình thường, số còn lại có thể học tiếp cho đến khi hoàn tất yêu cầu tốt nghiệp.  

Tổ chức kỳ thi đại học thật khoa học, chất lượng, đánh giá được cả kiến thức phổ thông và tiềm năng. Có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Điểm thi dùng cho việc xét tuyển theo yêu cầu của mỗi đại học. Nếu theo đề xuất này thì cấu trúc chương trình phải bắt đầu từ THCS. Cần có thời gian chuẩn bị từ 3 đến 5 năm, mới mong thực hiện tốt.  

Bình thường khi xét tuyển đại học ở nước ngoài, ban tuyển sinh sẽ xem kết quả điểm từng môn học và trung bình của 3 năm THPT, đối chiếu với điểm thi đại học, nếu có sự chênh lệch bất thường thì sẽ đặt vấn đề. Do đó, nếu giáo viên hay trường cố tình lạm phát điểm thì có thể tạo ra nghi vấn bất lợi cho học sinh trong việc xét tuyển. 

Người làm công tác tuyển sinh lâu dài sẽ có kinh nghiệm và bén nhạy trong việc đánh giá, xếp hạng từng ứng viên và trường, loại trường THPT sản xuất ra ứng viên. 

Lâu dài sẽ tạo ra môi trường ổn định, dự báo tin cậy hơn trong việc xét tuyển. Hiện nay sự xáo trộn do sự thay đổi chính sách và môi trường giáo dục, một thử thách không nhỏ cho công tác tuyển sinh. So với nước ngoài, thì việc đầu tư vào công tác tuyển sinh ở các đại học Việt Nam rất thấp, nhưng lại là khâu quan trọng nhất của đại học, nếu muốn thành công lâu dài. 

Ngoài ra các đại học nên đưa ra các yêu cầu khác cho việc xét tuyển để đánh giá năng và thể lực, khiếu tính và sự đam mê của một ứng viên, song song với điểm học và thi. 

Như vậy mới mong tuyển được một lượng sinh viên phù hợp với văn hóa và điều kiện học vấn của trường, có khả năng thành công cao. Một nền giáo dục mà chỉ tập trung vào chuyện thi cử, thành tích và bằng cấp là nền giáo dục lẩn quẩn.

Muốn thay đổi giáo dục phải có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt từ triết lý giáo dục đến từng tiểu mục. Thể hiện qua cách dạy, cách học, nhận thức, thi cử và tuyển sinh, và sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo trong xã hội. 

Song song, thế giới đang đào tạo con người cho phần còn lại của thế kỷ 21, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo ... nhanh, gọn, đơn giản, nhưng rất sâu sắc và hiệu quả. Tôi hy vọng giáo dục Việt Nam sẽ bắt được nhịp này trong những năm tới.   

Trân trọng cám ơn ông.

Xuân Trung (thực hiện)