Nếu Hà Nội vẫn thi 4 môn vào lớp 10 là gây áp lực, căng thẳng cho học sinh

11/03/2022 06:51
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thi vào lớp 10 với 3 hay 4 môn tốt hơn thì chưa có nghiên cứu nào kết luận, nhưng lúc dịch bệnh phức tạp, chủ yếu học trực tuyến, vậy nên thi 3 môn sẽ phù hợp hơn.

Nhiều hiệu trưởng, giáo viên, học sinh bậc trung học cơ sở tại Hà Nội đều mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo bỏ bài thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Lý do, học sinh lớp 9 năm nay là lứa chịu nhiều thiệt thòi nhất khi có tới 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ năm lớp 7, lớp 8 cũng cũng đã phải học trực tuyến, và năm nay hết học kỳ I các em mới được đến trường. Tuy nhiên, được đến trường nhưng lại không được học ổn định. Nhiều lớp vừa học trực tiếp được một hai buổi lại phải chuyển sang học trực tuyến, chất lượng không đảm bảo.

Cho đến nay đã có khoảng 15 địa phương công bố phương án thi tuyển vào lớp 10 với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý giáo dục khẳng định, cách thi nhiều môn cho kỳ thi vượt cấp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là tăng áp lực không cần thiết lên học sinh.

Trông ngóng, hồi hộp chờ đợi là tâm trạng chung của tất cả các học sinh khối 9 của Hà Nội về môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khi đây luôn là một kỳ thi vô cùng căng thẳng với tính cạnh tranh cao khi chỉ có trên 60% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Thanh Xuân) nói: “Khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng việc học vẫn chưa được ổn định, liên tục chuyển đổi từ học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại gây ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức. Ngoài thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập, con nhà tôi còn có dự định thi chuyên. Vậy nên, so với bạn bè cùng trang lứa, áp lực tăng gấp nhiều lần.

Con học trực tuyến cả ngày, tối lại phải làm bài tập, dành thời gian đầu tư cho môn chuyên, không có thời gian nghỉ ngơi. Bây giờ, còn thêm tâm lý thấp thỏm, căng thẳng đợi công bố môn thi thứ 4 thì cả gia đình tôi thấy áp lực chứ không riêng gì cháu.

Chưa biết lượng kiến thức các con tiếp thu được đến đâu nhưng sức khỏe ảnh hưởng rõ rệt, có những tiết học con nhà tôi mệt quá không thể theo nổi. Cứ như thế này, 3 môn chính Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh các con còn chưa gánh nổi chứ đừng nói đến môn thứ 4. Thật vô lý nếu gây áp lực lên học sinh bởi môn thi thứ 4. Trong khi đến thời điểm này, vẫn chưa biết môn thi ấy là gì, có thi môn đó hay là bỏ?”.

Cô Đặng Bích Hà - Giáo viên Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Đặng Bích Hà - Giáo viên Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo tôi Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Đặng Bích Hà - Giáo viên Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Cô Hà chia sẻ: “Để giảm áp lực của học sinh, cũng như các thầy cô giáo trong thời gian phải học trực tuyến kéo dài như hiện nay, theo tôi Hà Nội nếu vẫn thi môn thứ 4 vào lớp 10 trung học phổ thông công lập là gây áp lực cho học sinh.

Hiện nay số ca nhiễm Covid-19 tăng lên hàng ngày với con số khá lớn khiến cho mọi người căng thẳng. Hơn nữa, suốt từ đầu năm học cho đến nay các con toàn học trực tuyến, gần đây mới được đến trường nhưng cũng hôm học trực tiếp, hôm lại trực tuyến. Học online nhiều dẫn đến chất lượng không thể như học trực tiếp.

Trong khi tâm lí các con rất lo lắng khi đến thời điểm này vẫn chưa biết được sẽ thi môn thứ 4 là môn gì? Tôi nhớ năm 2020 Hà Nội đã bỏ môn thi thứ 4 vì dịch bệnh trong khi lúc đó tình hình không căng thẳng như hiện nay, mà chất lượng kì thi vẫn tốt. Vậy bây giờ dịch bệnh phức tạp hơn nhưng vẫn thi môn thứ 4 thì có hợp lí hay không?

Theo tôi với 3 môn thi là Toán, Văn, Anh vào lớp 10 đã khá áp lực, nên bỏ bớt môn thứ 4 để các con tập trung vào kì thi tốt hơn, và với 3 môn thi đã quá đủ để đánh giá chất lượng kiến thức của học sinh khi chuyển cấp học phổ thông. Còn lấy lí do sợ các con học lệch nên phải có thêm môn thi là chưa thuyết phục, trong lúc dịch bệnh căng thẳng, chúng ta đã không cho được học sinh đến trường, vậy nên giảm bớt được cái gì thì cũng đỡ áp lực cho học sinh và thầy cô cái đó”.

Theo cô Hà: “Nếu nói phải thi môn thi thứ tư, theo tôi cần đưa ra tiêu chí từ đầu và nên là môn tự chọn, bởi không phải học sinh nào cũng giỏi đều các môn học từ xã hội đến tự nhiên. Nếu bây giờ áp đặt môn thứ 4 thì điều đó sẽ gây khó khăn cho học sinh.

Nếu điều kiện hiện nay chưa thể cho học sinh tự chọn lựa môn thi thứ 4, thì chúng ta hãy xác định 3 môn Toán, Văn, Anh là các môn đã được lựa chọn học ôn từ đầu, như vậy sẽ tốt hơn. Tôi thấy các phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay rất lo lắng bởi không biết sẽ thi môn gì, cách đánh giá ra sao và có sự thay đổi hay không?

Những năm gần đây thi vào lớp 10 còn khó hơn vào đại học, phụ huynh các em rất căng thẳng, nhiều em học sinh quá lo lắng dẫn đến trầm cảm, đã không được đến trường, nay lại nơm nớp đi thi không biết tâm lí sẽ thế nào? Trong khi nhiều địa phương khác chỉ thi 3 môn và đạt kết quả khá tốt thì Hà Nội lại cực kỳ bảo thủ, cứ khăng khăng thi 4 môn. Không biết tốt hơn chỗ nào chứ tôi chỉ thấy mỏi mệt cho thầy cô, học sinh và phụ huynh”.

Cô Hà nêu quan điểm: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu áp dụng từ lớp 10 năm học tới 2022 - 2023 với định hướng đổi mới tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của học sinh, giảm số môn học bắt buộc.

Vậy thì tuyển sinh lớp 10 sẽ cần có bao nhiêu môn thi, và cụ thể những môn thi nào thì đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc phải thi nhiều môn để tuyển sinh vào cấp học, nhưng rất có thể các em sẽ không lựa chọn môn đó để học tiếp? Theo quy định, các em học sinh lớp 10 năm học tới có thể không lựa chọn học 4 trong 6 môn như lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học. Vì vậy, kỳ thi vào lớp 10 từ nay có nên chọn các môn này không?”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh minh họa.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh minh họa.

Bỏ môn thứ tư hay cần công bố sớm?

Theo thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “2 năm gần đây đề thi vào lớp 10 đã giảm độ khó so với những năm trước và phù hợp với giai đoạn học sinh học trực tuyến kéo dài. Những câu hỏi trong đề thi chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 9, mức độ câu hỏi phân hóa không nhiều nên điểm thi và điểm chuẩn của các trường khá cao.

Thực tế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội rất căng thẳng, áp lực cho học sinh bởi tỷ lệ chọi vào các trường công lập chỉ khoảng 62%. Để giành một suất vào các trường công lập ngay từ lớp 8 nhiều học sinh đã học thêm các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Với tình hình dịch bệnh như năm nay, phụ huynh cũng mong muốn các trường có phương án ôn tập sớm và phù hợp cho học sinh. Nhiều phụ huynh và giáo viên đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm công bố môn thi thứ tư, hoặc bỏ môn này để học sinh chủ động ôn tập.

Cùng vấn đề này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội cho rằng: “Việc thi vào lớp 10 với 3 môn hay 4 môn tốt hơn thì chưa có nghiên cứu khoa học nào để kết luận. Nhưng năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh chủ yếu học trực tuyến nên kết quả chưa được như học trực tiếp, vì vậy thi 3 môn sẽ phù hợp với học sinh hơn.

Học sinh lớp 9 năm nay phải chịu 3 năm học liền ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian hầu hết là học trực tuyến ở nhà, vì vậy tập trung vào 3 môn thi sẽ giảm áp lực cho học sinh, thời gian còn lại sẽ dành cho việc nghỉ ngơi và hoạt động ngoại khóa, bù lại những tổn thương vô hình của dịch bệnh lên học sinh với thời gian ở nhà quá dài, giảm áp lực cho các thầy cô và cha mẹ học sinh, tiết kiệm ngân sách cho xã hội”.

Tùng Dương