“Việc thành lập Hội đồng trường ở cấp học phổ thông là chúng ta đang học theo mô hình của nhiều nước trên thế giới, bởi trong thành phần có cả đại diện ban phụ huynh, cả học sinh, chính quyền địa phương, một số đoàn thể,…
Nhưng ở nước ta, tôi cho đây chỉ nặng về vấn đề hình thức. Chúng ta học mô hình nước ngoài, nghe thì có vẻ hay nhưng thử hỏi chúng ta đã nghiên cứu kĩ khi họ thực hiện việc này hay chưa? Liệu mô hình này có thực sự phù hợp với cấp học phổ thông của nước ta?
Trong thực tế hiện nay, vai trò đại diện của phụ huynh, của học sinh trong Hội đồng trường có được sự kết nối thực chất hay không, có thực sự hiệu quả, thực sự cần thiết? Đấy là điều xã hội có quyền đặt ra câu hỏi.
Khi ra nước ngoài tham khảo một số mô hình giáo dục, tôi thấy Hội đồng trường của họ hoạt động thực sự hiệu quả. Ví dụ: Có những trường hợp học sinh cá biệt, có vấn đề về tâm lí,…nhà trường sẽ trao đổi với phụ huynh, khi đó đại diện ban phụ huynh đến trường làm việc trực tiếp với những học sinh này, vừa tìm hiểu để có những biện pháp tháo gỡ. Chắc chắn trong những trường hợp như vậy ban phụ huynh sẽ làm việc hiệu quả hơn từ phía nhà trường, cũng làm giảm áp lực về tâm lí đối với học sinh.
Nếu về phía giáo viên, hoặc nhà trường có “vấn đề” ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ gặp và tìm hiểu, đưa ra đường hướng để cân bằng lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, họ tham gia đồng hành với các hoạt động của nhà trường. Trong khi ở nước ta, ban phụ huynh lại đóng vai trò một phía, phản hồi ý kiến của phụ huynh đến nhà trường, và nếu như chỉ phản hồi và nắm tình hình thì không thể có hiệu quả thực chất” đó là ý kiến của nhà giáo ưu tú N.V.A – Chủ tịch Hội đồng quản trị một trường phổ thông dân lập ở Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
“Quan điểm của tôi, không cần phải đưa ra thêm một vị trí lãnh đạo nữa trong nhà trường, chỉ cần chọn đúng được một người hiệu trưởng có tầm, có tâm, có năng lực nhiệt huyết, không vụ lợi, quyết đoán, dám làm dám chịu,… một ban giám hiệu có năng lực thì chắc chắn sẽ phát triển được nhà trường một cách tốt nhất”, thầy Cường nói. Ảnh minh họa: T.D. |
Theo nhà giáo này: “Với Hội đồng trường ở nước ngoài, phụ huynh học sinh có vai trò rất cao, họ có thể đưa ra ý kiến về đường hướng, định hướng phát triển của nhà trường, họ có những đóng góp trực tiếp, luôn đồng hành trong mọi hoạt động giáo dục và họ cũng có quyền phủ quyết nếu như quyết sách của hội đồng đưa ra không phù hợp với điều kiện xã hội.
Bản thân ban đại diện của phụ huynh cũng thấy rất thoải mái khi đóng góp ý kiến, họ không bị phụ thuộc hay phải theo ý kiến của chủ tịch hội đồng đã “định hướng”, nhưng ở ta thì vấn đề này chưa được cởi mở, tâm lí phụ huynh vẫn còn e ngại, chưa dám quyết liệt bảo về ý kiến của mình mặc dù ý kiến đó là phù hợp và đã được phụ huynh trong nhà trường biểu quyết.
Hội đồng trường cấp phổ thông của chúng ta hiện nay đều mang tính tư vấn, thành viên vẫn là hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn, công đoàn, một số giáo viên chiếm đa số… Và xét về bản chất vẫn là hội đồng hành chính “bên trong” của nhà trường, thay vì một hội đồng gồm những thành viên “bên ngoài” trường.
Một trong những nguyên nhân khiến Hội đồng trường hoạt động chưa đúng với thực chất là hiệu trưởng chưa thực sự sẵn sàng trao quyền cho Hội đồng trường. Hay nói thẳng ra vị Chủ tịch Hội đồng trường cũng là hiệu trưởng không muốn chia sẻ quyền lực, không ai muốn có một tổ chức giám sát mình, bắt mình phải làm thế này, thế kia, phải giải trình.
Một điều nữa là theo quy định, hiệu trưởng là người đứng ra thành lập Hội đồng trường. Như vậy, hiệu trưởng sẽ tìm những người là người "của mình" trong nhà trường đưa vào, biến Hội đồng trường thành một bộ máy quản lý mở rộng, nghe thì có vẻ công khai dân chủ nhưng thực chất hiệu trưởng vẫn quyết hết, mọi ý kiến đóng góp đều là “chỉ đạo” từ trên xuống dưới mà thôi”.
Liệu có kìm chế được việc lạm thu?
Có ý kiến cho rằng nhờ Hội đồng trường nên mọi vấn đề về các khoản thu xã hội hóa trong nhà trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ, kìm chế được nạn lạm thu? Về vấn đề này, nhà giáo N.V.A nói: “Lý thuyết thì những trường nào làm tốt vai trò của các thành viên trong Hội đồng trường, họ sẽ “giải quyết” được vấn đề thu chi, làm tốt được vấn đề xã hội hóa giáo dục.
Nhưng tôi thấy thực tế vẫn không hề giảm được “vấn nạn” lạm thu này bởi những vấn đề mà hội đồng đã đưa ra biểu quyết về mức thu, khoản thu đều ở các khoản thu lớn và những khoản thu đó đã có quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Hội đồng nhân dân,…phê duyệt.
Nhưng khi về tới “từng lớp” thì chắc chắn lại có không ít những khoản thu lặt vặt khác “phát sinh” nằm ngoài những biểu quyết của hội đồng, mà những khoản thu này lại rất nhiều.
Ví dụ phụ thu thêm tiền nước uống, phấn viết, quét dọn nhà vệ sinh, tuần tra bảo vệ ban đêm, tiền điện điều hòa, tăng cường thêm đèn chiếu sáng, rèm che nắng, bồi dưỡng giáo viên chăm nuôi bán trú, bảo dưỡng định kì các thiết bị,…Mà nếu vẫn có lạm thu như vậy thì rõ ràng vai trò của phụ huynh, của học sinh và kể cả của đoàn thể trong Hội đồng trường hiệu quả hoạt động không cao, chỉ mang nặng tính hình thức.
Trong khi nếu ở những trường tư thục, các khoản tiền này đã được nhà trường tính toán chi tiết và gửi đến các bậc phụ huynh học sinh từ đầu năm học một cách rõ ràng, công khai và trong năm học các em học sinh không phải đóng góp thêm một khoản nào nữa dù là nhỏ nhất. Theo tôi, điều cốt lõi ở đây là chúng ta áp dụng mô hình Hội đồng trường của nước ngoài, nghe qua thì thấy có vẻ như đổi mới, nhưng nội dung hoạt động của nó chưa có thực chất, hiệu trưởng vẫn là người đưa ra và quyết hết, chứ hoàn toàn không giống như hoạt động của Hội đồng quản trị hệ thống trường tư thục.
Để có một hội đồng trường đúng nghĩa và có hiệu quả thật sự, theo tôi cần lưu ý về độ tuổi, trình độ, tính chất công việc của các thành viên tham gia Hội đồng trường, và nhất định thành phần bên ngoài trường phải lớn hơn thành phần bên trong trường, điều quan trọng hơn là các thành viên Hội đồng trường phải được tập huấn về chức năng, cách thức làm việc, nên tiến hành họp thường xuyên, chứ hiện nay mỗi năm họp 2-3 lần thì không thể sát sao công việc được”.
Trong thực tế hiện nay, vai trò đại diện của phụ huynh, của học sinh trong Hội đồng trường có được sự kết nối thực chất hay không, và trong hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay thì hội đồng trường ở cấp phổ thông có thực sự hiệu quả, thực sự cần thiết hay không? Đấy là điều xã hội có quyền đặt ra câu hỏi. Ảnh minh họa: T.D. |
Giáo viên làm Chủ tịch Hội đồng trường sẽ phát sinh nhiều bất cập?
Cũng về vấn đề này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội bày tỏ băn khoăn: “Quy định Chủ tịch Hội đồng trường là vị trí lãnh đạo kiêm nhiệm, đó có thể là hiệu trưởng, cũng có thể là giáo viên. Đã xác định vị trí này là lãnh đạo thì phải có phụ cấp chức vụ cho Chủ tịch Hội đồng trường, nhưng hiện nay nguồn kinh phí này các trường cũng đang rất lúng túng bởi không biết lấy từ đâu ra, và các thành viên trong hội đồng đều không hề có phụ cấp mà chỉ tham gia theo tinh thần.
Trong trường hợp giáo viên làm chủ tịch hội đồng thì nhiều bất cập sẽ phát sinh, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng thì ai sẽ có phụ cấp chức vụ và quyền hạn cao hơn? Vì vậy, việc phát sinh thêm chức danh chủ tịch hội đồng trường làm lãnh đạo là không cần thiết, chồng chéo về quản lý và điều hành, có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có trong nội bộ.
Nếu giáo viên được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường thì cũng cần phải làm rõ tiêu chuẩn của giáo viên đó thế nào?
Công tác tuyển dụng và bổ nhiệm từ trước đến nay thì giáo viên vẫn dưới quyền hiệu trưởng, nếu chủ tịch hội đồng là giáo viên thì không mâu thuẫn về lợi ích, cũng dễ dẫn tới việc giáo viên không dám lên tiếng, và như vậy họ không thể hiện được trách nhiệm và quyền hạn của mình đã được bầu. Đó là chưa kể các vấn đề quản lý, lãnh đạo, định hướng của giáo viên đó chưa chắc đã phù hợp với vị trí này, nếu vậy thì làm sao chỉ đạo được cả hội đồng?
Chủ tịch hội đồng là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường, còn hiệu trưởng là người thực hiện, vậy ai sẽ là người chỉ đạo, và chỉ đạo thế nào? Thông thường, hiệu trưởng đang làm theo các nghị quyết của chi bộ, nếu có thêm chủ tịch hội đồng trường thì khi đó hiệu trưởng sẽ làm theo bên nào? Theo tôi chức danh Chủ tịch Hội đồng trường thực chất là cho có, không có thực quyền”.
“Quan điểm của tôi, không cần phải đưa ra thêm một vị trí lãnh đạo nữa trong nhà trường, chỉ cần chọn đúng được một người hiệu trưởng có tầm, có tâm, có năng lực nhiệt huyết, không vụ lợi, quyết đoán, dám làm dám chịu,… một ban giám hiệu có năng lực thì chắc chắn sẽ phát triển được nhà trường một cách tốt nhất”, thầy Cường nói.