Nguyên nhân khiến một vài giáo viên làm liên lụy danh dự cả triệu đồng nghiệp

16/04/2018 07:18
Khánh Văn
(GDVN) - Điểm chung của họ là cách ứng xử không phù hợp và có phần phản cảm với học trò, làm liên lụy đến danh dự của hàng triệu nhà giáo đang đứng trên bục giảng.

LTS: Thầy Khánh Văn đã có bài viết này sau khi chứng kiến vài đồng nghiệp của mình có hành xử không đúng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những sự cố trong giáo dục đã được báo chí phản ảnh khá nhiều nhưng có hai sự việc liên quan đến người thầy mà trong những ngày gần đây được dư luận bàn tán nhiều nhất và cũng là nỗi xấu hổ cho ngành giáo dục là trường hợp:

Cô giáo Trần Thị Minh Châu ở Trường trung học phổ thông Long Thới (thành phố Hồ Chí Minh) suốt 3 tháng lên lớp chỉ ghi bảng, không nói, không giao tiếp với học trò và cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương ở Trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) phạt học trò uống nước giẻ lau bảng.

Hai trường hợp này có phần đối lập nhau bởi cô Châu đã có 19 năm giảng dạy, còn cô Hương thì mới bước vào nghề được mấy tháng.

Nhưng, điểm chung của họ là cách ứng xử không phù hợp và có phần phản cảm với học trò, làm liên lụy đến danh dự của hàng triệu nhà giáo đang đứng trên bục giảng.

Trong 2 trường hợp này, cô Hương còn biện minh cho về non nớt về kinh nghiệm chứ cô Châu thì biện minh thế nào đây khi mà tuổi nghề, tuổi đời đều lớn?

Dư luận cả nước không chấp nhận hành động của 2 cô và có lẽ đội ngũ giáo viên lại càng không thể.

Nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao họ là những nhà giáo mà lại có cách hành xử với học trò như thế?


Nhân cách, đạo đức và trách nhiệm của người thầy đang ở đâu khi mình đang đảm nhận thiên chức “trồng người”?

Nguyên nhân nào khiến 2 cô giáo giáo này có những việc làm có phần hồ đồ như vậy, theo chúng tôi thì có những nguyên nhân như sau:

Thứ nhất là, cơ chế giám sát giáo viên hiện nay ở các trường học vẫn gần như không có. Và, chúng tôi cho rằng đây là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến một số thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo.

Theo quy định hiện hành thì mỗi tuần giáo viên tiểu học dạy 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.

Nhưng, lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn dù cố gắng lắm thì mỗi năm học cũng chỉ có thể dự mỗi giáo viên được 3-4 tiết là nhiều.

Những trường lớn càng khó khăn hơn, nhiều giáo viên cả năm không được Ban giám hiệu dự giờ và tổ trưởng chuyên môn thì cũng chỉ có thể dự từ 1-2 tiết (nếu giáo viên đó không thi giáo viên giỏi).

Chính vì “một mình một cõi” như vậy nên nhiều giáo viên dù có sai phạm cũng ít khi bị phát hiện (nếu học sinh không phản ánh) nên trường hợp cô giáo Trần Thị Minh Châu ở Trường trung học phổ thông Long Thới suốt 3 tháng không nói, không rằng trên lớp mà Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn không hề hay biết.

Nguồn nhân lực kém chất lượng sẽ làm hỏng nhiều thế hệ

Thứ hai là, có nhiều giáo viên hiện nay đã chọn…sai nghề.

Nhiều người học hành làng nhàng nên mới thi vào sư phạm bởi điểm đầu vào sư phạm những năm qua thường thấp hơn một số ngành học khác.

Nhiều người lại chọn nghề theo kiểu định hướng của cha mẹ.

Chính vì không yêu nghề, không yêu trẻ nên khi đứng lớp không thực hiện tốt vai trò của người thầy.

Họ đến trường, đến lớp mà không tận tâm, không phát huy vai trò, trách nhiệm của người thầy.

Vì thế, mới có những giáo viên vi phạm, giáo viên đánh, xúc phạm học trò như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương Trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) phạt học trò uống nước giẻ lau bảng.

Chắc rằng với một gia đình có nhiều người công tác trong ngành giáo dục, có mẹ đang là lãnh đạo của Phòng giáo dục nên đã có những “định hướng” để cô Minh Hương học văn bằng 2 và trở thành giáo viên.

Thứ ba là, trong quá trình tuyển sinh những năm qua của các trường sư phạm có điểm đầu vào quá thấp. Một số trường chỉ lấy trung bình 3-4 điểm/môn thi.

Chính vì điểm đầu vào thấp nên dẫn đến sản phẩm đào tạo còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhất là nội dung đào tạo sư phạm luôn coi trọng về đào tạo chuyên môn mà coi nhẹ đào tạo, ứng xử phần tình huống sư phạm, đạo đức sư phạm của sinh viên.

Vậy nên khi ra trường nhiều em còn rất yếu về các kĩ năng ứng xử và giáo dục học trò. Những sự cố giáo dục thường xuất phát từ sự non yếu phương pháp giáo dục.

Thứ tư là, mặc dù điểm đầu vào sư phạm một số trường thường rất thấp nhưng sinh viên sư phạm ra trường lại chủ yếu là tốt nghiệp loại khá, loại giỏi, rất ít sinh viên tốt nghiệp loại trung bình.

Chính vì cách “thương trò” của nhiều giảng viên đại học với mong muốn sinh viên có tấm bằng đẹp để dễ xin việc mà vô hình trung nhiều em sinh viên đã chủ quan trong học tập.

Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những người ưu tú nhất

Khi ra trường vẫn có một số em mang nặng tư tưởng là mình tốt nghiệp loại giỏi, khá và tỏ ra kiêu ngạo nên việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi từ đồng nghiệp đi trước không nhiều.

Thứ năm là, việc tuyển dụng viên chức của một số địa phương chưa minh bạch, công tâm.

Nhiều giáo sinh ra trường phải chạy việc nên họ mất đi niềm tin với ngành giáo dục và tình yêu nghề cũng mai một dần.

Khi được tuyển dụng vào làm việc thì áp lực về thành tích, hồ sơ sổ sách và rất nhiều việc ngoài chuyên môn nên dẫn đến sự quá tải cho người thầy.

Từ đó, một số thầy cô đã không giữ được thăng bằng trong giảng dạy nên dẫn đến những cáu gắt và ứng xử không phù hợp với học trò.

Trước những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến về tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho cách quản lý của ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương. Trong đó, có sự thiếu sót, thiếu kiểm tra, đôn đốc của Ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn.

Vì thế, ngoài sự kêu gọi, ban hành văn bản chấn chỉnh thì ngành giáo dục cũng cần có những biện pháp cứng rắn để xử lý nghiêm những giáo viên vi phạm.

Bởi, hàng triệu thầy cô giáo đang làm tốt vai trò của mình mà chỉ một vài cá nhân giảng dạy trên lớp có những hành động không phù hợp cũng đủ khiến cho cả ngành bị ảnh hưởng.

Khánh Văn